Saturday, December 7, 2013

Nguyễn Trường Tộ, nhà cải cách xã hội

Thứ Bảy, ngày 07.12.2013
Kính thưa quý thính giả, một người có tấm lòng yêu nước thiết tha, tin tưởng vào triển vọng canh tân theo Nhật Bản, người đã đặt hết hy vọng vào thế hệ trẻ được đào tạo để làm mạnh thế nước ... Tuy chưa có ý thay thế chế độ phong kiến bằng một thể chế dân chủ vì tình hình đất nước, nhưng tư tưởng của ông đã tiến bộ giống như các nhà tư tưởng tiến hóa luận của phương Tây. Ông là người thông minh, nhìn xa thấy rộng, có khả năng ứng dụng vào thực tế. Tiếc thay, ông lại "sinh bất phùng thời", nên chỉ đóng vai trò "làm chứng nhân cho vận mệnh của đất nước". Trong chuyên mục “Danh Nhân Nước Việt” tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài: “Nguyễn Trường Tộ, Nhà Cải Cách Xã Hội” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
****
Nguyễn Trường Tộ là một danh sĩ VN và là một kiến trúc sư lớn vào thế kỷ 19. Ông sinh năm 1830, trong một gia đình theo đạo Công giáo nhiều đời thuộc làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân phụ tên là Nguyễn Quốc Thư. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy Tú Giai, Cống Hữu và quan huyện Địa Linh.
Ông thông minh, học giỏi, nên thường được gọi là "Trạng Tộ". Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà và được mời dạy chữ Hán tại Xã Đoài. Tại đây, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) dạy tiếng Pháp và các môn khoa học thực nghiệm của phương Tây.
Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier giới thiệu ông làm việc ở Hồng Kông và một số nơi khác...
Sau khi nghỉ việc, ông đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật... Đến đầu tháng 5 năm 1863, ông đã thảo xong 3 bản điều trần gửi lên triều đình nhà Nguyễn ở Huế có tên là "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận".
Ngoài ra, ông còn thảo thêm bài "Trần tình" để giải bày tâm tư và hoàn cảnh của mình, vì sợ Triều đình nghi ngờ ông làm việc và thân Pháp.
Trong thời gian phái bộ của cụ Phan Thanh Giản ở Pháp về Sài Gòn chờ tàu để đi Huế, ông đã tiếp xúc với các Chánh phó sứ để thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau đó, ông viết "Lục lợi từ" vào tháng 6 năm 1864 gửi lên Triều đình, nhưng cũng không được phúc đáp.
Từ năm 1862 đến năm 1864, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và đích thân xây cất tu viện Dòng Thánh Phao-lô Sài Gòn. Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu. Thành công này đã làm cho tiếng tăm Nguyễn Trường Tộ lan rộng.
Năm 1864, ông được người Anh mời sang dự một hội nghị khoa học ở Anh, nhưng chưa đi thì đã bị thực dân Pháp ngăn trở.
Khoảng cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp 3 bản điều trần cho đại thần Trần Tiễn Thành, và 2 bản điều trần cho đại thần Phạm Phú Thứ, để nhờ đưa các vấn đề quan trọng lên vua và Triều đình.
Ngày 17 tháng 8 năm 1866, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier và Linh mục Nguyễn Điều tới Huế. Lần này, Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức tiếp kiến trong thành nội Huế và được nhà vua lắng nghe những đề nghị cải cách.
Tháng 10 âm lịch năm 1870, Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Sài Gòn và tòa đại sứ ở Pháp để nắm tình hình chính trị. Đầu tháng 11, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân dịp nước Pháp đang thua Đức và cuộc Cách mạng Pháp đang nổ ra.
Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do "đưa học sinh đi Pháp", nhưng kỳ thực là để bàn bạc với vua Tự Đức về sách lược quân sự và ngoại giao mà ông đã trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình vào cuối năm 1870. Nhưng cuối cùng Triều đình Huế không quyết định.
Sau mấy tháng sống ở Huế, vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ trở về Xã Đoài và đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì từ trần, hưởng dương 41 tuổi.
Con ông là Nguyễn Trường Cửu, trong bài "Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ" đã viết ngắn gọn rằng: "Qua năm sau, Tự Đức 24, ngày 10 tháng 10, ông Tộ làm câu thơ: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận, Tái hồi đầu thị bách niên cơ."
Ông mất vì bệnh xuất huyết bao tử, được an táng tại thôn Bùi Chu. Phần mộ của ông được làm bằng đá cẩm thạch trên một gò đất cao, giữa cánh đồng rộng. Để ghi nhớ công lao của ông, nhiều con đường khắp nơi trong nước được đặt tên Nguyễn Trường Tộ.
***
Có thể nói rằng, trong giai đoạn bị thực dân Pháp đô hộ và sự hủ bại của triều đình nhà Nguyễn kéo dài hơn 80 năm, đất nước VN đã sản sinh ra rất nhiều nhà thông thái về đủ mọi lãnh vực, trong đó có cụ Nguyễn Trường Tộ. Cụ không chỉ là một nhà trí thức lớn mà còn mang một tấm lòng tha thiết đối với đất nước, luôn khát khao đưa dân tộc tiến lên trên con đường văn minh
và tự lực tự cường. Nhưng rất tiếc, cũng như nhiều bậc tiền bối khác, cụ đã không cải biến được vận mệnh bi thảm của dân tộc, khiến đất nước lại đi từ chế độ phong kiến thực dân sang độc tài cộng sản.
Hy vọng các thế hệ hiện nay có thể tiếp nối ý chí của cụ, nếu không thì dân tộc Việt khó có thể vượt ra được vũng lầy suy thoái do chế độ CS tạo ra như hiện nay!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment