Saturday, December 14, 2013

Nguyễn An Ninh, nhà đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ

Thứ Bảy, ngày 14.12.2013
Một người có tấm lòng yêu nước, là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo và là nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20. Một người có một đời sống trong sạch, gần gủi với giới lao động, chống Pháp đến cùng và hiên ngang nở nụ cười trước khi chết. Một người người có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức miền Nam Việt Nam trong hai thập niên và cũng là người đã làm thức tỉnh cả một thế hệ. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nguyễn An Ninh, nhà đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
***
Sống mà vô dụng, sống làm chi,
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi,
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn,
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ.
Sống sao nên phải, cho nên sống,
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.
****
Chết sao, danh tiếng vẫn còn hoài,
Chết đáng, là người đủ mắt tai.
Chết được dựng hình, tên chẳng mục,
Chết đưa vào sử, chứ không phai.
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi,
Chết đây, chỉ chết cái hình hài.
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi,
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.
Đó là 2 bài thơ "Sống và Chết" của chí sĩ Nguyễn An Ninh làm trong tù vào năm cuối đời.
Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 tại xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cha ông là Nguyễn An Khương, người ở quận Hóc Môn, một nhà văn có tinh thần yêu nước, tinh thông Hán học và chữ Quốc ngữ. Chú ông là Nguyễn An Cư, một Đông y sĩ nổi tiếng và cũng là một nhà văn được nhiều người quý trọng.
Thuở nhỏ, Nguyễn An Ninh theo học ở trường Taberd, Collège Mỹ Tho và Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 1915, lúc 15 tuổi, ông được nhận làm biên tập cho tờ báo Courrier Saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu hạng nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược. Nhưng khi học được nửa năm, ông quyết định chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp thuộc Đại học Đông Dương.
Năm 1918, ông sang Paris, Pháp, tiếp tục học luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông được cấp bằng Cử nhân Luật. Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh thường xuyên liên lạc với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Hoạt động của những người này đã tạo được uy tín lớn đối với kiều bào tại Pháp qua các bài viết quảng bá trên báo Le Paria (Người cùng khổ). Ông về nước ngày 5/10/1922.
Ngày 25 tháng 1 năm 1923, lần đầu tiên ông ra mắt công chúng tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 34 đường Aviateur Garros, với bài diễn thuyết "Une culture pour les Annamites" bằng tiếng Pháp (được dịch là Chung đúc học thức cho dân An Nam) mục đích kêu gọi người dân Việt hãy mau noi theo học thức Pháp, mở mang dân trí, dân chủ để sớm thoát ách nô lệ.
Ngày 22/2/1923, ông sang Pháp lần thứ hai, với ý định hoàn thành bằng Tiến sĩ Luật, nhưng ông chỉ lưu lại hơn nửa năm rồi trở về nước, dịch 5 chương đầu cuốn Khế ước Xã hội của Jean Jacques Rousseau nhằm truyền bá tư tưởng "Tự Do - Dân Chủ".
Vào đêm 15/10/1923, Nguyễn An Ninh lại xuất hiện trên diễn đàn với đề tài "Cao vọng của thanh niên An Nam". Ông cho rằng "không ai cấm thanh niên ngày nay phác họa ước mơ tương lai" và sau đó ông đả kích thực dân Pháp "khai thác bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương". Thống đốc Cognacq mấy lần gọi ông đến đe dọa và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.
Nguyễn An Ninh âm thầm phản ứng bằng cách cho ra tờ báo Pháp văn La cloche fêlée (Tiếng Chuông Rè) ở Sài Gòn vào ngày 10/12/1923 để công kích chính sách thực dân Pháp, đề cao các nhà cách mạng, làm cho người đọc tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc và truyền bá những tư tưởng tự do.
Nhà cầm quyền thực dân đã cấm các nhà in và bưu điện không được nhận in, phát hành và vận chuyển, nên đến số 19 thì tờ báo "Tiếng Chuông Rè" phải tự đình bản.
Ngày 10/1/1925, ông sang Pháp lần thứ ba. Trong thời gian ở Pháp, ông viết "La France en Indochine" (Nước Pháp ở Đông Dương), toát lên một tinh thần chống thực dân quyết liệt, đòi hỏi các quyền tự do dân chủ căn bản nhất của con người. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết tại Hội Bác học tại Paris, bài "Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam".
Ngày 21/3/1926, ông diễn thuyết trước 3 ngàn người, kêu gọi chống chủ nghĩa thực dân. Ba hôm sau, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt kết án 18 tháng tù, nhưng chỉ bị giam 10 tháng thì được ân xá. Sau đó, ông qua Pháp lần thứ tư. Lần này, ông liên lạc với nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều chính kiến.
Ngày 6/1/1928, ông về nước, được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt. Ông sáng tác vở tuồng "Hai Bà Trưng" để cổ xúy tinh thần dân tộc, nhưng vở tuồng chưa kịp diễn thì bị cấm.
Cuối năm 1928, ông bị bắt lần thứ hai và lần này Pháp dựng lên vụ "Hội kín Nguyễn An Ninh" để bắt mấy trăm người ủng hộ ông. Ông bị kết án 3 năm tù.
Ra tù, ông viết cho tờ báo Trung Lập của Nguyễn Văn Tạo và tờ Tranh Đấu của nhóm Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm. Do hoạt động quá tích cực, nên tháng 4 năm 1936, ông lại bị bắt về tội "phá rối trị an". Ông tuyệt thực phản đối và nhờ quần chúng đấu tranh dữ dội nên Pháp phải trả tự do cho ông vào tháng 11.
Đến tháng 7 năm 1937, Pháp lại bắt giam ông (lần thứ tư) cho đến tháng 1 năm 1939.
Ngày 5/10/1939, ông bị bắt lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, ông nhận bản án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Tại nơi đây, ông bị hành hạ, đói khát triền miên, ông kiệt sức dần và mất ngày 14/8/1943, hưởng dương 43 tuổi.
Để tưởng nhớ đến công lao của nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh đã cống hiến cho đất nước, ngoài trường học, tại các thành phố lớn đều có con đường mang tên ông.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment