Thứ Sáu, ngày 13.12.2013
Cái mà ông thiếu nhất, thiếu đến độ
khủng hoảng, đó chính là nụ cười viên mãn trên gương mặt nhân dân khi
nói về ông …”. Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" do Phùng Kiên phụ
trách tuần này, chúng tôi mời quý thính giả nghe Mỹ Linh trình bày “Thư
Của Phan Nguyễn Mỹ Linh Gửi Đến Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam” để tiếp
nối chương trình tối nay
Thưa ông Thủ tướng!
Thư này, lẽ ra tôi viết thăm một người bạn đồng hương của tôi đang
đau khổ ở miền Trung, một người bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có
người thân bị mất tích trong trận lụt kinh hoàng vừa qua, nhà cửa tan
nát, tài sản vốn không có gì giờ đến chiếc nồi nấu cơm cũng không còn vì
nước đã cuốn đi. Một hoàn cảnh đau thương và bi đát.
Thưa ông Thủ tướng, lẽ ra tôi không nên viết thư này gửi đến ông
nhưng vì ông ở xa quá, cao quá, chung quanh ông là những lớp tường có
gắn thiết bị chống nghe lén, thiết bị an ninh, ngoài những thứ này ra,
cảnh vệ và chó nghiệp vụ luôn túc trực 24/24 để canh gác cho ông... nên
có lẽ, những tiếng kêu than nơi góc khuất thôn ổ, nơi miền núi khó khăn,
nghiệt ngã sẽ chẳng bao giờ lọt đến tai ông. Chính vì thế mà tôi viết
thư gửi đến ông.
Thư này, tôi chỉ mong ông hãy mở rộng lòng ra mà làm một việc duy
nhất: Suy nghĩ về những cuộc đời nghèo khổ ở miền Trung. Vì chỉ có như
thế, bà con miền Trung mới đỡ khốn khổ, mới tránh được tai họa.
Sở dĩ tôi mong ông suy nghĩ về đồng bào miền Trung vì tôi tin rằng
chỉ có ông mới làm được điều này. Ông đủ quyền lực và chức năng để thực
hiện hành động lương thiện này. Nghĩa là, khi nghĩ về những cuộc đời đau
khổ, vật vờ ở miền Trung vì lũ, ít ra ông cũng thử một lần kinh lý vào
ngay khu vực rốn lũ, để cảm nghiệm mọi sự khổ sở, đau đớn mà đồng loại
của ông đang nếm trải. Và một khi đã trải nghiệm được cảm giác kinh
hoàng này, ông sẽ ngưng tay ký quyết định thi công các dự án thủy điện
đang nằm đầy trên bàn làm việc của ông.
Thưa ông, tôi biết, tiền ông không thiếu, quyền lực ông không thiếu,
sự thành đạt ông không thiếu, ngay cả sự thành đạt của con cái và người
thân ông cũng không thiếu. Thậm chí, cái điều mà ông đang dư thừa nhất
hiện tại là cái chép miệng tủi thân, đau khổ của những người dân nghèo
đang tuyệt vọng vì những dự án, những công trình luôn làm họ thiệt thòi,
mất mát nhiều thứ. Và, cái mà ông thiếu nhất, thiếu đến độ khủng hoảng,
đó chính là nụ cười viên mãn trên gương mặt nhân dân khi nói về ông.
Vì sao tôi lại nói thế? Vì sự hiện diện đầy quyền lực của ông, sự bặt
thiệp và tự tin của ông, luôn cho nhân dân thấy hình ảnh của một Thủ
tướng có bản lĩnh trước các chính khách nước ngoài. Nhân tướng và dáng
bộ của ông cũng ưu tú hơn rất nhiều so với nhiều cán bộ cấp Trung ương
hiện tại. Nếu so sánh giữa họ và ông, thì ông vượt xa họ, ông oai phong
hơn, thông minh hơn và mạnh mẽ, dõng dạt hơn. Ông không bị lù khù, nhìn
vẻ mặt lúc nào cũng lơ mơ, ngái ngủ giống như họ. Đó là điều đáng mừng.
Nhưng, sự hiện diện oai vệ của ông lại không giúp cho dân nghèo, nếu
không nói rằng chính ông đã gián tiếp hại hàng triệu dân nghèo miền
Trung. Tôi biết ông không muốn vậy, làm một con người bình thường đã
không muốn thế, huống gì ông đang nắm cương vị Thủ tướng một quốc gia!
Thế nhưng, mọi chữ ký quyết định của ông, mọi tràn vỗ tay tán thưởng sau
phát pháo khởi công xây dựng thủy điện của ông đều mang tính chất ám
hại nhân dân ông ạ!
Vì ông thấy đấy, trước đây, miền Trung cũng có lũ lụt, cũng bị thiên
tai nhưng mức độ không giống như bây giờ. Ít ra, mưa liên tiếp hai tuần
hoặc hai trận áp thấp nhiệt đới liên tiếp như năm 1999, 2007 hoặc 2010
thì lượng nước mới đủ nhiều để tạo nên lũ lụt. Trong khi đó, trận lụt
năm nay, mưa cũng chẳng là bao, chưa đầy ba ngày mưa lớn, lúc mưa lúc
ngưng, sau đó cộng thêm hai ngày mưa nhỏ nhưng nước tràn về xối xả, mang
theo bùn đất đặc sệt. Nước cuốn xoáy như thác. Một trận lụt kinh hoàng,
các ông gọi là lũ lịch sử.
Vì đâu? Vì các thủy điện đồng loạt xả lũ để bảo vệ đập, vì các con
đập xây dựng cũng không mấy an toàn bởi nó đã bị rút ruột quá nhiều, và
vì một nguyên nhân tế nhị khác là hiện tại, các thủy điện bị tình trạng
tham khi đói ói khi no. Nghĩa là mùa khô thì thi nhau tích nước, trên
một con sống có đến cả chục thủy điện treo móc trên đó, chúng như những
con đỉa thi nhau hút vào mạch máu, mạnh con nào con nấy hút cho căng
bụng. Đến khi có mưa lũ kéo về thì mọi việc trở nên cập rập, hối hả, vội
vã và bất chấp.
Vì nếu như trước đây, các dự án thủy điện thiết lập qui trình điều
tiết nước căn cứ trên lưu lượng nguyên thủy của các con sông, thì hiện
tại, lưu lượng của các con sông đã hoàn toàn thay đổi vì rừng đầu nguồn
bị triệt phá, tàn hại, lớp đệm điều tiết nước đã mất hoàn toàn. Nên chi,
thay vì trước đây, dự tính xả đập theo lưu lượng nước vốn không dữ,
được điều tiết bởi lớp rừng già, mỗi đập xả bao nhiêu nước, giữ bao
nhiêu nước... Thì bây giờ, với lượng nước ồ ạt kéo xuống, thay vì vài
ngày mới xả, đằng này, chỉ vài giờ đồng hồ thì nước đã đầy đập, thủy
điện phải xả.
Thì cũng đúng qui trình cả đấy thôi! Xả bao nhiêu, giữ bao nhiêu,
nhưng cái khác là thời gian và lưu lượng xả để cứu đập thay vì trước đây
là qui trình điều hòa, bây giờ thành qui trình cứu đập. Điều này do đâu
mà có? Do rừng đầu nguồn đã bị tàn phá, phần do thủy điện khai thác lấy
lòng hồ, phần do lâm tặc khai thác bán cho cá đại gia, trọc phú, bán
cho Trung Quốc. Nói không phải, thưa ông Thủ tướng, không chừng bàn ghế,
tủ, sàn nhà, cầu than và cái giường ngủ bằng gỗ quí của gia đình ông
cũng có gốc gác từ gỗ rừng đầu nguồn miền Trung!
Đau lắm ông Thủ tướng ạ! Ông cố gắng suy nghĩ về nỗi khổ của bà con
miền Trung, cố gắng ngừng ký quyết định làm đập thủy điện, và nếu được,
ông hãy ra một quyết định để điều tra, bồi thường thiệt hại cho nhân dân
miền Trung, vì thủy điện hưởng lợi nhưng bà con phải trả giá cho cái
lợi đó, ông phải có hành động đúng nghĩa tình và cương vị của một Thủ
tướng!
Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe, bình an!
Phan Nguyễn Mỹ Linh.
No comments:
Post a Comment