Hỏi: Ông Trần Điền (Huế): Theo dõi tin tức, tôi được
biết các Ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên đã tuyên bố
từ bỏ Đảng CSVN. Có một điểm chung tôi ghi nhận là cả 3 người này đều
là đảng viên đảng CS gốc trong Nam. Sự kiện này theo Đài Đáp Lời Sông
Núi thì có ý nghĩa gì không, hay đây chỉ là một sự ngẫu nhiên?
Đáp: Thưa Ông Trần Điền, chúng tôi không nghĩ đây là
một sự ngẫu nhiên mà nó nói lên sự khác biệt cơ bản giữa những cán bộ,
đảng viên có gốc gác ở trong Nam so với ở ngoài Bắc. Ngoài Bắc vì Đảng
đã ngự trị gần 70 năm nên tính chất ngoan cố, bảo thủ đã bám rễ xâu hơn
và chặt hơn so với trong Nam. Vì vậy cái bóng ma của Đảng vẫn còn che
phủ, vẫn còn đe dọa và ám ảnh nặng nề, mạnh mẽ, khiến cho người dân, đặc
biệt là các đảng viên e dè, sợ sệt hơn so với dân chúng và đảng viên
trong Nam. Nhưng cũng cần nói thêm là một khi những con người vốn chịu
sự áp bức thường trực và mạnh mẽ, như dân chúng và đảng viên ngoài Bắc,
nếu họ vùng lên thì sự vùng lên này lại mạnh mẽ và quyết liệt hơn sự
phản kháng trong Nam!
Hỏi: Ông Lê Văn Như (Sơn Tây): Nghe các buổi phát
thanh của Đài tôi được biết trong mấy ngày qua đã có những tổ chức mới
ra đời mà mục tiêu rõ ràng là đòi hỏi nhân quyền, hay bảo vệ nhân quyền.
Ví dụ như tổ chức "Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam" và "Hội Bầu Bí Tương
thân". Xin Đài giải thích nguyên do sự ra đời của các tổ chức này.
Đáp: Thưa ông Lê Văn Như, đây chính là đòn "gạy ông đập lưng ông" mà
những chiến sĩ dân chủ khai dụng nhân việc đảng CSVN vận động thành công
để VN được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ
2014-2016. Gọi là "gạy ông đập lưng ông" vì khi xin vào HĐNQ này, CSVN
đã cam kết thi hành những quy định nhân quyền căn bản, trong đó có việc
lập hội, nhất là đây là những hội trên danh nghĩa chỉ thuần túy lo về xã
hội và nhân quyền,không dính dấp gì đến chính trị. Do đó, CSVN đàn áp
các hội này thì rất "khó ăn khó nói" với thế giới. Nhưng nếu không dẹp,
không ngăn chận thì Đảng biết rất rõ rằng hoạt động của các hội này sẽ
khiến cho đảng mất ăn, mất ngủ. Có lẽ không lâu, chúng ta sẽ thấy các
thủ thuật của Đảng để cố tháo gỡ thế kẹt này!
Hỏi: Bà Lê Hoa (Đà Nẵng): Nghe tin Trường đại học
Công nghệ Thực phẩm đã không cho cô Nguyễn Phương Uyên tiếp tục theo
học, mà tôi sôi máu vì sự hèn hạ của chế độ. Đây là một sự trả thù rất
lộ liễu và đày tính chất tiểu nhân, thấp kém. Tôi đề nghị Đài ĐLSN đứng
ra lập một quỹ học bổng để trợ cấp cho Phương Uyên tiếp tục việc học.
Tôi nghĩ chắc chắn có những trường đại học tư nhân, nhất là những trường
đại học do ngoại quốc quản lý sẽ chấp nhận cho Phương Uyên theo học!
Đáp: Thưa Bà Lê Hoa, chúng tôi nghĩ những ai có
lương tri cũng đều có cùng cảm nghĩ như Bà. Cái quyết định ngày 29 tháng
11 năm 2013 của trường Trường đại học Công nghệ Thực phẩm thành phố Sài
Gòn buộc Nguyễn Phương Uyên thôi học là một vết nhơ trong lịch sử của
trường này. Và người ký tên quyết định, hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn, sẽ
phải cúi mặt vì đã đánh mất cái danh dự của người trí thức! Về việc lập
qũy học bổng giúp Phương Uyên theo học tại các trường tư, theo tin tức
chúng tôi ghi nhận thì đang có một số người nghiên cứu thực hiện.
Hỏi: Bà Cẩm Vân (Mỹ Tho): Xem đoạn video ghi lại
cảnh hàng trăm người công khai trộm bia giữa ban ngày của một xe tải chở
bia gặp tai nạn hôm 4 tháng 12 vừa qua tại Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng
Nai, tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai đất nước. Với tình trạng xã hội
như vậy, đất nước ta sẽ đi về đâu? Xin Đài cho ý kiến về sự việc này.
Đáp: Thưa Bà Cẩm Vân, vâng chúng tôi rất chia sẻ nỗi
ưu tư của Bà. Đúng vậy, hiểm họa mất văn hóa, mất đạo đức, như đã thể
hiện một phần qua sự việc tranh nhau cướp giựt bia giữa thanh thiên bạch
nhật trong video Ba nêu, là một nguy cơ to lớn mà đất nước đang phải
đối đầu. Đánh giá nó là to lớn vì một là nó khó ngăn chận, hai là hệ lụy
của nó vô cùng nguy hại. Đây là hệ quả của việc áp đặt một chủ nghĩa
ngoại lai lên dân tộc, kéo dài nhiều thập niên làm hủy hoại tận gốc rễ
các giá trị đạo đức. Cộng thêm với một guồng máy cai trị dùng phỉng gạt,
dối trá và vũ lực để duy trì quyền lực. Để giải quyết nguy cơ này,
trước hết phải tháo gỡ bộ máy cai trị thoái hóa, sau đó phải kiến tạo
lại xã hội. Nếu bước đầu, thay đổi thể chế chính trị có thể thành tựu
nhanh chóng, thì bước kế tiếp, kiến tạo xã hội, cải thiện con người là
một công cuộc lâu dài, khó khăn, có thể phải trải qua nhiều thế hệ mới
hy vọng hoàn tất!
Hỏi: Cô Đỗ Thu Nguyệt (Sài Gòn): Nghe Đài Đáp Lời
Sông Núi mỗi ngày, cháu rất xúc động nghe đọc tên những người đang bị
nhà nước bắt cầm tù vì họ đòi nhân quyền, dân chủ và chống sự xâm hấn
của Trung Quốc. Cháu hoan hô sáng kiến này của Đài ĐLSN! Cháu đề nghị
bên cạnh việc vinh danh các anh hùng đó, Đài cũng nên hàng ngày đọc tên
những tên công an ác ôn, hà hiếp dân lành, những quan chức thối nát tham
nhũng. Cháu tin là Đài sẽ dư sức có danh sách những kẻ bất lương này để
đọc hàng ngày. Nhưng nếu Đài cần, cháu sẽ tự nguyện sưu tâm để cung
cấp..
Đáp: Thưa Đỗ Thu Nguyệt, cám ơn lời khen ngợi của
Cô. Chúng tôi thấy có trách nhiệm phải nêu tên những tù nhân chính trị
đang bị CS giam cầm để toàn dân biết và luôn nhớ đến sự hy sinh cao cả
của họ. Đề nghị đọc trên Đài tên những công an ác ôn, những quan chức
thối nát để toàn dân cùng biết, cùng phỉ nhổ, là ý kiến độc đáo. Chúng
tôi xin ghi nhận để nghiên cứu và sẽ tiếp xúc riêng với Cô nếu cần sự
phụ giúp.
Nhắn tin: Đài đã nhận được thư của Ông Bảo Nguyễn, Đồng Nai và đã chuyển thư đến nơi ông nhờ.
No comments:
Post a Comment