Sunday, December 8, 2013

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 08.12.2013   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Cách đây hai tuần, chuyên mục của chúng ta có nói đến việc cái gọi là "Quốc hội Việt Nam" tiêu tiền dân một cách vô tội vạ, vô trách nhiệm. Quốc hội Việt Nam hoàn toàn chỉ là một cơ quan che đậy cho bản chất độc tài của chế độ và thực thi những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định.

Chỉ sau chuyên mục đó ít hôm, chính cái quốc hội đó đã có hai động thái khẳng định thêm cho những nhận định vừa kể của chúng ta: thứ nhất, ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm văn phòng quốc hội, phân bua rằng "Quốc hội Việt Nam" không tiêu đến 1 tỷ đồng cho một ngày họp, vì là thế này, vì là thế kia. Nhưng ông Phúc không cho biết số tiền thực tiêu là bao nhiêu và ông ta cũng hoàn toàn lờ đi việc mời các chuyên gia kiểm toán độc lập vào quốc hội để kiểm chứng. Thứ hai, cái "quốc hội Việt nam" lại vừa tiếp tục thông qua một bản hiến pháp phản động, phản lại lợi ích dân tộc, hoàn toàn chỉ nhằm gia cố thêm cho sự ngoan cố độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng trong chuyên mục hôm nay chúng ta hãy tạm gác cái "quốc hội" đó lại. Hôm nay chúng tôi muốn được chia sẻ thêm với quí vị, quí bạn một vấn đề chúng ta vừa đề cập trong chuyên mục tuần trước, đó là vấn đề: Tam quyền phân lập.
Thưa quí vị, quí bạn, theo dõi trên truyền thông của nhà nước độc tài hiện nay, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe, lại thấy những lời kêu gọi, huấn thị từ ông chủ tịch nước, từ ông thủ tướng hay một quan chức to nào đó về những việc đại loại như phải tăng cường cải cách tư pháp, phải nâng cao ý thức pháp luật hay thậm chí phải tập trung điều tra vụ án nọ, phải nghiêm minh xử lý vụ án kia. Chúng ta cũng biết rõ, vị trí chủ tịch nước từ thời ông Trần Đức Lương, qua ông Nguyễn Minh Triết, rồi tới ông Trương Tấn Sang hiện nay, đều kiêm chức trưởng ban cải cách tư pháp quốc gia.
Nhưng xét trên quan điểm Tam quyền phân lập của Mông-tét-ki-ơ, những huấn thị, cải cách tư pháp như thế đều vô giá trị, không thể tạo ra được tiến bộ thực cho công lý, công bằng trong xã hội. Bởi một điều đơn giản, nền tảng của Tam quyền phân lập không dựa trên những lời kêu gọi hay ý chí, ý thiện của con người, mà dựa trên việc tạo ra được tính độc lập cho ba cấu trúc quyền lực chính của nhà nước: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Riêng nghành tư pháp - hệ thống quyền lực nhà nước có chức năng giám sát pháp luật và phân định đúng sai trong xã hội – nếu muốn có tiến bộ và công minh thì ít nhất nghành tư pháp phải được độc lập về mặt tổ chức và được toàn quyền trong hoạt động không phải chịu sự điều khiển, chi phối của ai ngoài nó.
Nhưng quí vị, quí bạn có thể hỏi lại: để cho nghành tư pháp tự hoạt động mà không chịu điều khiển, chỉ đạo của ai thì có giống với việc để mặc cho nó làm sai, xử án sai và quyết định sai hay không?
Đây là một câu hỏi rất hay, nhưng thưa quí vị, quí bạn, thuyết Tam quyền phân lập cũng đã dự tính cho trường hợp này rồi. Một nghành tư pháp độc lập không có nghĩa những sai sót, sai phạm của nó bị bỏ qua mà bản thân nghành tư pháp đã tự động chịu sự cạnh tranh, ước chế, giám sát thường xuyên của ít nhất là hai nghành quyền lực kia là chính phủ và quốc hội, nếu như chính phủ và quốc hội cũng được độc lập không chịu sự kiểm soát điều khiển của ai, ngoại trừ công chúng, dư luận nói chung.
Giả sử một tòa án độc lập đưa ra một phán quyết thiếu công bằng thì sẽ có viên chức chính phủ và có thể cả trong quốc hội độc lập lên tiếng chất vấn. Ngoài ra một nền báo chí tư nhân và độc lập trong một chế độ dân chủ chân chính còn là một "đệ tứ quyền", giám sát và đưa ra công luận những sai trái của nghành tư pháp hoặc cá nhân một thẩm phán.
Như vậy, khi áp dụng Tam quyền phân lập, những người trong nghành tư pháp-toà án – sẽ xem xét, cân nhắc trong việc định đoạt sự đúng-sai chỉ dựa trên các chứng cứ, sự thật và phải tự chịu trách nhiệm trước công luận mà không phải bắt buộc chờ đợi chỉ thị, hướng dẫn của ai như hiện nay họ vẫn phải chờ và chấp hành chỉ thị từ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam – những kẻ vừa không có chuyên môn vừa không có tính khách quan.
Dĩ nhiên, những người làm việc trong nghành tòa án, tư pháp cũng là con người, họ cũng có thể thiên vị hoặc sai lầm trong khi quyết định. Nhưng khi được độc lập, không còn bị Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nữa, họ sẽ không còn bị trói buộc vào một tác động thiếu khách quan nữa. Khi đó họ chỉ còn phải đối diện với chính lương tâm, tài năng và trách nhiệm của họ thôi. Và chỉ khi đó sự công bình trong các phiên tòa ở Việt Nam mới có cơ may được cải thiện. Bằng không, nếu vẫn để cho Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm và lãnh đạo nghành tư pháp như hiện nay thì tất cả những cải cách tư pháp quá tốn kém hay những lời kêu gọi, huấn thị có vẻ nghiêm khắc, nghiêm túc về tư pháp của các lãnh đạo cộng sản đều chỉ là những việc làm, lời nói vô nghĩa, vô bổ cho công lý, công bằng.
Cách đây ít hôm ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng ban nội chính của Đảng Cộng sản Việt Nam – đã hùng hồn cho công luận biết vụ Vinalines và vụ "Bầu Kiên" sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 12 này. Nhưng với cơ chế độc đảng toàn quyền như hiện nay, chúng ta không thể trông đợi tiến bộ hay công lý trong những phiên tòa đại hình đó, ngoại trừ đó chỉ là những sen kịch xoa dịu dân chúng hoặc đó là những thủ đoạn dằn mặt nhau trong nội bộ của tập đoàn cầm quyền hiện nay thôi.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(8/12/2013)

No comments:

Post a Comment