Thứ Năm, ngày 19.12.2013
Trong khi các chế độ CS, kể cả CSVN
khoác lác rằng, tư bản bóc lột người dân, còn xã hội chủ nghĩa ưu việt
thì bảo vệ người dân lao động. Thực tế dĩ nhiên khác hẳn. Tại các nước
tư bản, không những tây phương mà cả Đông Á, như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật
bản, thì chính phủ chăm sóc phúc lợi người dân, nhất là y tế, gấp vạn
lần chế độ y tế của CSVN. Trách nhiệm này nằm nơi một nhà nước độc tài,
bất tài, giáo điều và vô cùng tham nhũng. Mời quý thính giả nghe phần
Bình Luận của Ngọc Huy với tựa đề: "Bộ Y tế hay bộ Đao phủ" sẽ được Song
Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngành y tế vốn sinh ra để cứu giúp đời, giúp người bằng lương tâm và
trách nhiệm với lời thề cao cả Hypocrate. Ấy vậy mà ở Việt Nam, người
dân lại đang hàng ngày phải đối mặt với tử thần, với những tay đao phủ
mang chiếc áo trắng của bác sĩ và y tá. Theo báo cáo Tổng kết Công tác y
tế năm 2012, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện năm 2013 của Bộ Y tế:
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em gần như không đạt được kết quả
nào đáng chú ý.
Đặc biệt từ khi bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên nhậm
chức từ năm 2011, các chỉ số tai biến và tử vong ở các bà mẹ sau khi
sinh không hề giảm mà còn tăng lên nhanh chóng. Cũng theo bản báo cáo
thống kê số liệu thì số ca tử vong của các bà mẹ trong năm 2010 là 85,
năm 2011 là 69 và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013 đã là 86 trường hợp.
Thật là một tốc độ những cái chết nhanh một cách chóng mặt.
Đặc biệt, trong năm 2013 này, theo thống kê từ báo chí của nhà cầm
quyền cộng sản, đã có rất nhiều trường hợp sản phụ tử vong khi sinh, gây
nên sự phẫn nộ, căm phẩn của thân nhân sản phụ và những người quan tâm.
Đã nhiều lần gia đình sản phụ đã mang xác người chết đến bệnh viện yêu
cầu làm rõ lý do, mang quan tài diễu phố để biểu thị sự oan khuất của
mình. Có thể đơn cử như là trong những ngày gần đây, dư luận hết sức
quan tâm và bất mãn trước việc sản phụ Nguyễn Thị Xuân, 40 tuổi, xã Phúc
Thiệu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong ngày 17/10 trong khi
sinh tại bệnh viện đa khoa huyện.
Bất mãn trước sự tắc trách, bỏ bê của bác sĩ trong ca trực sinh, cụ
thể là ông Lê Văn Định - Phó Giám đốc BVĐK Thiệu Hóa, người trực tiếp
điều hành ca mổ này, gia đình và hàng trăm người dân đã bao vây trước
cổng bệnh viện. Sau đó, thân nhân và cả ngàn người dân đã chở quan tài
diễu hành gần một ngày quanh thị trấn Vân Hà, huyện Thiệu Hóa và đến nhà
riêng của ông bác sĩ Lê Văn Định để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên
nhân cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân. Cái chết này hết sức bất
thường vì trước khi sinh, bác sĩ kết luận rằng thai nhi khỏe mạnh, sản
phụ đủ điều kiện để sinh.
Qua trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Xuân vừa mới tử vong, chúng ta nhìn
lại thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2013, có hàng loạt trường hợp
sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong trong khi sinh. Liệt kê những trường hợp
gần đây, ai cũng thấy hoảng hồn trước những vấn nạn này. Gần hơn nữa có
trường hợp ngày 10/06, sản phụ Trần Thị Vân Anh chết tại Bệnh viện đa
khoa Quảng Ngãi. Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 (hai trường hợp tử
vong mẹ và con) tại Khoa Sản bệnh viện Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến
nay. Và còn, còn rất nhiều những cái chết thương tâm như thế đang ngày
càng tăng như những lưỡi hái tử thần trực chờ những người dân vô tội.
Nguyên nhân tử vong của các sản phụ và thai nhi thực chất là sự vô
trách nhiệm của các y bác sĩ. Có những trường hợp gia đình bệnh nhân cầu
cứu nhưng vẫn không được đội ngũ nhân viên ý tế cứu giúp. Họ thậm chí
còn thờ ơ, bỏ mặc, dù thân nhân sản phụ đã van nài, khẩn cầu cứu lấy bà
mẹ và đứa trẻ đang chuẩn bị sinh. Cho đến khi người sản phụ và trẻ sơ
sinh đã quá nguy kịch, họ mới thực hiện việc phẫu thuật thì đã quá trễ.
Rõ ràng, nguyên nhân lớn nhất cho việc vô trách nhiệm, thờ ơ bỏ mặc của y
bác sĩ trong việc đỡ đẻ cho các sản phụ. Tất cả những sự kiện này chỉ
bắt nguồn từ chố: Gia đình không có "phong bì" cho bác sĩ. Đó là một nỗi
đau của cả xã hội đứng trước những vô cảm, những ác độc mà những người y
bác sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa giành cho người dân.
Một câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm những cái chết thương tâm đó
thuộc về ai? Có lẽ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người y bác sĩ
trực tiếp với bệnh nhân. Vì quá non kém tay nghề hay vì thờ ơ, bỏ mặc
sản phụ dẫn đến cái chết của họ. Ngoài việc phải chăm lo nâng cao khả
năng, tay nghề thì vấn đề quan tâm nhất lại thuộc về y đức, một vấn đề
đã xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây qua vấn nạn "phong bì"
mà bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần thừa nhận. Trách nhiệm
tiếp theo phải thuộc về bệnh viện. Họ phải đưa ra nguyên nhân trung
thực, khách quan cho những cái chết của sản phụ. Không thể đưa ra nguyên
nhân chung chung, gỡ tội cho nhân viên của họ. Đồng thời đền bù cho
thân nhân người chết vài chục đến vài trăm triệu rồi mọi việc lại chìm
xuống. Mạng người gồm một người mẹ và đứa trẻ sơ sinh được coi quá rẻ
mạt!
Tuy nhiên, trách nhiệm cao nhất phải thuộc về Bộ Y tế, mà cụ thể là
bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi nhậm chức Bộ trưởng, bà Tiến
đã hô hào về việc nhận phong bì rằng: "Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì
cho tôi" . Trách nhiệm quản lý cấp dưới bị bà Tiến đẩy sang cho người
dân, trong khi đáng lẽ bà là người phải nhận trách nhiệm về việc này.
Thêm nữa không thể hô hào người dân tố cáo tiêu cực, trong khi tính mạng
của người thân họ lại nằm trong tay y bác sĩ, nhân viên của bà. Đáng
chú ý hơn, sau hàng loạt cái chết của sản phụ gần đây, bà Tiến gần như
im lặng lờ đi, không hề có một phản ứng nào kể cả một lời xin lỗi những
gia đình có nạn nhân bị chết dưới bàn tay vô nhân đạo của bác sĩ dưới
quyền bà Tiến.
Phải chăng bộ y tế dưới chế độ cộng sản đã trở thành bộ đao phủ? Câu
hỏi này có lẽ đã có lời đáp một khi chúng ta vẫn còn chịu tủi hờn dưới
ách độc tài của cộng sản vô cảm và ác độc với nhân dân.
Ngọc Huy
19/12/2013
No comments:
Post a Comment