Thứ Bảy ngày 04.05.2013
Liên tục chương trình là chuyên mục
“Việt Nam Nhìn Về Tương Lai” do Lm. Nguyễn Hữu Lễ phụ trách. Mời quý
thính giả cùng theo dõi sau đây.
Trong một bài viết được phổ biến rộng rải trên các diễn đàn điện tử
với tựa đề: "Ngày Quốc Hận 30-4-75 và vài bài học quý báu trên thế giới"
giáo sư Nguyễn Thanh Trang, chủ tịch Ủy Ban nghiên cứu sách lược hưng
quốc của LLDTCNTQ đã nhắc lại cuộc trả thù tàn khốc của người cộng sản
đối với thành phần dân tộc bại trận miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm
1975. Điều này đã gây nên sự hận thù ngút trời trong lòng dân tộc Việt
Nam. Để đóng góp vào việc tìm một hướng đi cho Việt Nam trong thời hậu
cộng sản, giáo sư Nguyễn Thanh Trang đề cập tới những bài học lịch sử
quý báu của các dân tộc trên thế giới, và điển hình nhất là cuộc chiến
chống nạn kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi,
Ông Nelson Mandela đã từng bị nhà cầm quyền da trắng cầm tù ngót 29
năm, đến khi chế độ kỳ thị Nam Phi sụp đổ, Mandela được trả tự do và đến
năm 1994,ông trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ông là
một chính trị gia lỗi lạc biết nhìn xa thấy rộng và có lòng bao dung cao
cả. Vốn là người da đen nên ông rất thông cảm sự khổ đau và căm thù của
đồng bào ông đối với thiểu số da trắng từng cai trị Nam Phi theo chính
sách kỳ thị chủng tộc. Nhưng Mandela là một người yêu nước và là một
chính trị gia lỗi lạc, biết nhín xa thấy rộng và có lòng bao dung. Ông
đã ý thức rằng, sau khi dẹp bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc, nếu nhà cầm
quyền trong tay người da đen lại trả thù người da trắng, lấy oán trả oán
thì đất nước Nam Phi sẽ tiếp tục rối loạn và suy yếu vì nạn chia rẽ và
kỳ thị chủng tộc. Do đó, việc làm đầu tiên rất ý nghĩa và khôn ngoan của
Mandela là mời ông De Klerk, vị Tổng Thống da trắng vừa mãn nhiệm ra
làm Phó cho ông. De Klerk đã sát cánh cùng Mandela thực hiện chính sách
đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù để cùng nhau xây dựng đất nước. Dưới sự
lãnh đạo sáng suốt của Mandela, Nam Phi đã vững tiến trên con đường dân
chủ pháp trị. Ông đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1993 và
được xem là biểu tượng của hòa bình thế giới.
Cũng trong ý niệm trình bày cái nhìn về tương lai của dân tộc Việt
nam thời hậu cộng sản, giáo sư Nguyễn Thanh Trang cũng nhắc tới hai bài
học lịch sử khác về sự hàn gắn vết thương trong lòng dân tộc đã từng bị
xâu xé tan nát vì chiến tranh. Tác giả viết: "Trước hết là bài học rút
ra từ cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, kết thúc năm 1865. Khi đoàn quân miền
Nam bại trận đến đầu hàng, họ đã được tiếp đón lịch sự, không phân biệt
kẻ thắng người thua. Không những thế, họ đã được chia xẽ lương thực,
giúp đỡ phương tiện để trở về quê quán. Chính phủ liên bang còn giúp đỡ
tài tiền bạc và công ăn việc làm cho binh sĩ bại trận, giúp họ có thể
nhanh chóng vượt qua những khó khăn do hậu quả của chiến tranh.
Tác giả cũng nhắc tới một biến cố lịch sử gần đây hơn đó là bài học về sự thống nhất của Tây Đức và Đông Đức năm 1990.
"Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh năm 1945, nước Đức bị chia
đôi, Đông Đức trở thành nước Dân Chủ Cộng Hòa Đức (German Democratic
Republic), theo chủ nghĩa Cộng Sản và Tây Đức trở thành nước Cộng Hòa
Liên Bang Đức (Federal Republic Germany), theo thể chế tự do dân chủ.
Sau 45 năm chia cắt, do chủ trương và đường lối khác biệt giữa hai thể
chế chính trị tự do dân chủ và độc tài chuyên chế đã khiến cho Tây Đức
càng ngày càng giàu mạnh trong khi Đông Đức ngày càng suy yếu và thua xa
Tây Đức.
Hai tuần sau khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ vào giữa tháng 11 năm
1989, Thủ Tướng Tây Đức Helmut Kohl đã đưa ra một chương trình 10 điểm
đề nghị Đông Đức bắt tay hợp tác với Tây Đức để thống nhất đất nước. Vì
đã thấy rõ chủ nghĩa Cộng Sản độc tài đảng trị là nguyên nhân đã khiến
cho Đông Đức ngày càng suy yếu, kiệt quệ, do đó các nhà lãnh đạo Cộng
Sản Đông Đức đã sáng suốt chấp nhận giải thể chính quyền Đông Đức để hội
nhập với Tây Đức và thống nhất dưới cái dù của Cộng Hòa Liên Bang Đức
trong hòa bình và ổn định kể từ ngày 3-10-1990.
Với các kinh nghiệm từ ba quốc gia Hoa Kỳ, Nam Phi và Đức quốc, chúng
ta có thể rút ra được một số bài học quan trọng cho tương lai Việt Nam.
Vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay của chúng ta là làm sao để có thể
nhanh chóng dẹp bỏ chế độ Cộng Sản để mang lại tự do, dân chủ cho toàn
dân và cứu nguy tổ quốc thoát họa xâm lăng từ phương Bắc."
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang kết luận:
"Sau 38 năm nước ta thống nhất, chỉ trừ một thiểu số đảng viên Cộng
Sản và thương gia xu thời đã làm giàu nhờ thế lực và tham nhũng, đa số
dân Việt Nam, nhất là nông dân và lao động vẫn sống trong cảnh nghèo
túng, cơ cực. Hiện nay đất nước ta đang lâm vào tình trạng nguy khốn vì
phải đối đầu với thù trong và giặc ngoài.
Muốn cứu nguy tổ quốc, trước hết phải loại trừ chế độ độc tài phản
dân hại nước để xây dựng đoàn kết và nội lực dân tộc ngõ hầu có thế đối
đầu với giặc ngoại xâm. Tình hình Việt Nam hiện nay cũng đang tiến dần
đến giai đoạn chín muồi cho cơn bão tố chính trị. Trên tờ nhật báo New
York Times số ra ngày 24-4-2013, ký giả Thomas Fuller cho rằng CSVN đang
đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của người dân về sự trược dốc của
nền kinh tế. Và cũng trong cùng bài báo, một thương gia ngoại quốc đã
từng sống lâu năm tại Việt Nam, ông Peter R. Ryder, Giám Đốc quỹ đầu tư
Indochina Capital cũng đã nhận xét: "trong vòng 21 năm sống ở đất nước
nầy, tôi chưa bao giờ thấy sự bất mãn của trí thức và doanh nhân đối với
chế độ lại lên cao đến mức như hiện nay". Đó là dấu hiệu báo trước nguy
cơ sụp đổ của chế độ CSVN trong một tương lai không xa.
Kính thưa qúy thính giả và toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài
nước. Tôi muốn dùng tư tưởng của giáo sư Nguyễn Thanh Trang trong bài
viết "Ngày Quốc Hận 30-4-1975 và vài bài học qúy báu trên thế giới"để
gởi tới toàn thể đồng bào nhận định sau đây. Ngày tàn của chế độ phản
dân hại nước CSVN đã quá hiển nhiên, chỉ còn là vấn đề của thời gian.
Nhưng vai trò của dân tộc VN không dừng lại ở đó. Điều quan trọng tiếp
theo là phải xây dựng lại tinh thần dân tộc bằng một chính sách khôn
ngoan, hiểu biết và bao dung dựa vào các bài học của các dân tộc nhìn xa
thấy rộng trên thế giới. Đó là điều mà các bậc thức giả và các nhà
chính trị phải nghĩ tới ngay từ lúc này. Và đó cũng là chủ đích trong
chương trình Việt Nam Nhìn Về Tương Lai của đài Đáp Lời Sông Núi.
Lm Nguyễn Hữu Lễ
No comments:
Post a Comment