NGUYỄN THỊ PHƯƠNG UYÊN VÀ ĐINH NGUYÊN KHA SẼ RA TÒA VÀO NGÀY MAI
Như tin đã loan trước đây, nữ sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên và anh
Đinh Nguyên Kha sẽ bị áp tải ra tòa án tỉnh Long An vào ngày mai,
16/05/2013, với tội danh mà bạo quyền VN áp đặt lên đầu họ là "tuyên
truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Cần nhắc lại, Phương Uyên là một sinh viên 21 tuổi thuộc Đại học Công
nghiệp Thực phẩm Sài Gòn. Riêng Nguyên Kha là một sinh viên 25 tuổi
thuộc Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Cả hai đã bị bắt sau khi rải
truyền đơn, có in hình cờ vàng ba sọc đỏ, tại khu vực cầu An Sương ở Sài
Gòn vào 6 tháng trước đây. Nội dung truyền đơn lên án những vụ cướp đất
của nông dân, các vụ đàn áp tôn giáo và việc Trung Cộng lấn chiếm hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi bị giam giữ ở
Long An, nữ sinh viên Phương Uyên đã bị công an ép cung và đánh đập một
cách tàn nhẫn.
Tin mới nhất cho biết là gia đình hai thanh niên nam nữ này đã mời 3
luật sư biện hộ cho họ. Luật sư Nguyễn Văn Miếng sẽ bào chữa cho Đinh
Nguyên Kha, và hai luật sư Nguyễn Thanh Lương và Hà Huy Sơn sẽ bào chữa
cho Phương Uyên. Được biết là tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn đã đệ đơn lên
tòa án để xin dự khán phiên tòa này. Nếu bị kết tội thì Uyên Phương và
Nguyên có thể lãnh từ 2 đến 10 năm tù, tương tự như các vụ án đàn áp
những công dân yêu nước trước đây.
32 TÀU ĐÁNH CÁ TRUNG CỘNG ĐANG CÀN QUÉT HẢI SẢN Ở TRƯỜNG SA
Vào hôm thứ Hai 13/5 vừa qua, hải đội gồm 32 tàu đánh cá trọng tải
lớn của Trung Cộng đã tiến vào quần đảo Trường Sa để càn quét hải sản ở
quần đảo này.
Một trang mạng của tỉnh Hải Nam – Trung Quốc cho biết là ngay sau khi
đến nơi, đoàn tàu này đã quăng lưới suốt đêm, dưới sự hỗ trợ của một
tàu tiếp tế có trọng tải lên đến 4000 tấn. Thuyền trưởng chiếc tàu tiếp
tế còn cho biết là tàu này cũng mang theo 11 tàu nhỏ, dài 13 thước rộng 4
thước với sức trọng tải 5 tấn và 4 ngư dân làm việc trên tàu.
Theo dự trù thì 32 chiếc tàu này sẽ càn quét ở quần đảo Trường Sa
trong vòng 40 ngày. Đây cũng là lần thứ nhì mà Trung Cộng đưa hải đội
đánh cá hùng hậu từ tỉnh Hải Nam đến khu vực tranh chấp này. Vào tháng 7
năm ngoái, khoảng 30 tàu cá Hải Nam cũng kéo xuống khu vực này để càn
quét hải sản suốt hơn 1 tháng.
Trước hành động xâm lấn này của Trung Cộng, nhà cầm quyền cộng sản VN
một lần nữa đưa ra lời phản đối rất yếu ớt. Phát ngôn nhân bộ ngoại
giao, ông Lương Thanh Nghị, lặp lại luận điệu cũ kỹ là "VN khẳng định
chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa", vì thế VN phản đối việc
vi phạm nghiêm trọng của phía Trung Cộng. Trong khi đó thì một phát ngôn
nhân hải quân Philippines cho biết là họ đang theo dõi sát sao mọi hoạt
động của đội tàu Trung Cộng và sẵn sàng đẩy lui mọi ý định xâm phạm hải
phận của Phi.
MỨC ĐẦU TƯ NGOẠI QUỐC VÀO MIẾN ĐIỆN GIA TĂNG GẤP 5 LẦN SO VỚI NĂM TRƯỚC
Trong bài diễn văn vào đầu tuần này, Tổng thống Miến Điện, ông Thein
Sein, cho biết là mức đầu tư trong nước và từ nước ngoài đã gia tăng gấp
5 lần so với năm trước. Theo đó thì số tiền đầu tư ngoại quốc đổ vào
Miến Điện trong năm nay đã lên đến 1 tỉ rưởi Mỹ kim, tạo thêm được 80
ngàn công ăn việc làm.
Theo một quan chức thuộc sở thống kê Miến Điện thì có khoảng 94 công
ty ngoại quốc đã thiết lập cơ sở ở Miến Điện, chủ yếu là trong ngành dệt
may. Đa số các công ty này đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Nam
Hàn và Singapore. Chính phủ Miến đã không giấu được nỗi hân hoan trước
làn sóng đầu tư ngoại quốc đối với quốc gia đang trên đường tiến đến một
nền dân chủ đích thực. Sắp tới đây Liên hiệp Ân châu cũng sẽ ấn định
một mức thuế thấp đối với các hàng hóa xuất cảng từ Miến Điện.
Trong một diễn biến khác, giúp gia tăng niềm lạc quan nơi dân chúng
Miến Điện, là Tổng thống Thein Sein sắp đến thăm nước Mỹ trong thời gian
tới. Chuyến công du lịch sử này là hành động khẳng định sự ủng hộ của
nước Mỹ đối với các cải cách về chính trị mà vị tướng lãnh này đã tiến
hành ở Miến Điện trong hai năm qua.
MỘT THỊ TRƯỞNG NHẬT LẠI PHÁT NGÔN BỪA BÃI
Trong một phát biểu bừa bãi, thị trưởng thành phố Osaka của Nhật đang
làm dấy lên một sự phẫn nộ và gây căng thẳng thêm cho mối quan hệ của
Nhật với các nước trong khu vực.
Nội vụ khởi đầu vào tối thứ Hai vừa qua khi ông Toru Hashimoto, thị
trưởng thành phố Osaka, phát biểu trên truyền hình về vấn đề các phụ nữ Á
châu bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật trong thời đệ nhị
thế chiến là "điều cần thiết". Ông Hashimoto, một quan chức lãnh đạo
đaảng Phục hưng Nhật bản, biện hộ rằng: "Vì những binh sĩ có thể hy sinh
mạng sống, nên cần có một hệ thống các phụ nữ giúp cho họ giải trí
trước và sau khi ra chiến trường". Nhưng đây không phải là lần đầu tiên
ông Hashimoto có những tuyên bố bừa bãi nói trên. Lâu nay ông này vẫn
khăng khăng cho rằng đó chỉ là những "bi kịch trong chiến tranh".
Cần nhắc lại là, theo ước tính của giới sử gia, hơn 200 ngàn phụ nữ
Đại Hàn, Trung Hoa, Philippines và một số nước khác, đã bị quân Nhật ép
buộc làm nô lệ tình dục trong thời đệ nhị thế chiến khi họ chiếm đóng
các nước này. Chính phủ Nhật đã lên tiếng xin lỗi về các tội ác mà quân
Nhật đã gây ra, nhưng không thừa nhận việc họ thiết lập các nhà chứa nô
lệ tình dục.
Chính phủ Nam Hàn ngay lập tức đã lên tiếng phản đối lời phát ngôn bừa bãi của ông Hashimoto.
No comments:
Post a Comment