Thứ Tư ngày 08.05.2013
Trên một đất nước nghèo nàn, lạc
hậu dưới sự chăn dắt của bầy lũ đỉnh cao trí tuệ ngu dốt CSVN thì thành
phần đói khổ nhất là đồng bào Thượng du Bắc Việt. Dường như họ bị bỏ
quên nơi núi cao rừng thẳm, tình cảnh này càng khốn khổ thêm nếu năm nào
mà ông Trời quên mưa thì coi như cả trời lẫn người đều bỏ rơi họ.
Chuyên mục Góc khuất Cuộc Đời tuần này xin gửi đến quí thính giả ký sự
Gặp những người đói khổ ở Thanh Hóa của Hoàng Xuân Tiến qua sự trình bày
của Hướng Dương.
Mùa khô, năm nào cũng như năm nào, những đồng bào dân tộc Thái Trắng ở
miền núi Thanh Hóa phải đối diện với cái đói. Phần vì nguồn nước khô
cạn, mùa màng thất bát, phần vì nợ nần và thất nghiệp. Có nhiều người
già phải mang bị đi ăn xin, đi bộ cả trăm cây số để xuống đồng bằng làm
thuê, vào rừng hái lá. Đời sống của họ còn ở dưới cả mức đói khổ.
Chúng tôi đến huyện Ngọc Lặc vào lúc 3h chiều, lúc này mọi việc vẫn
diễn ra như bình thường, những nhà trồng luồng thì đánh xe đi khai thác
luồng. Luồng là một giống tre có đường kính lớn, thân rỗng và thẳng
không có gai, người ta dùng nó để sản xuất giấy cao cấp. Ở các huyện
miền núi Thanh Hóa, đi từ ngã ba Voi lên hướng Tây Bắc chừng hai mươi
cây số thì bắt đầu gặp rừng luồng bạt ngàn, xanh ngút tầm mắt.
Thỉnh thoảng, ven đường, dọc các rừng luồng, từng nhóm nhỏ lao động
ngồi nghỉ xả hơi, và cũng dọc các rừng luồng này, người đi đường ghé
nghỉ chân, người đi xin ghé nằm ngủ sau một ngày lang thang kiếm cơm
khắp chốn. Dáng bộ mệt mỏi và chán chường.
Và, cũng gần các rừng luồng này, có những mái nhà tranh lúp xúp, rách
rưới và đen đúa nằm quạnh quẽ như cổ tích, bước vào trong nhà, cảm giác
gió lùa tứ bề, trống hoác, không có thứ gì để mất. Chủ nhân của nó thì
xanh xao, mệt mỏi, ra chào khách với vẻ mặt vui mừng nhưng miệng không
buồn mở lời. Nếu khách chịu khó đi dạo một vòng xuống bếp, cảm giác
trống rỗng sẽ tăng cao khi nhìn thấy một chiếc nồi bằng nhôm nằm chỏng
chơ trên bếp củi, chiếc bếp được kê bằng ba hòn gạch tạm bợ và nhiên
liệu đốt cho nó là vài nhánh củi rừng lượm từ sau vườn mang vào.
Hỏi thăm chủ nhà, một người Thái Trắng 61 tuổi nhưng nếu ông không
giới thiệu thì chúng tôi sẽ nghĩ ông chừng 85 tuổi với mái tóc bạc
trắng, da nhăn nheo, hai hốc mắt sâu hoắm, mờ đục, ông cho biết cả tháng
nay nhà ông không có gì ăn, lương thực dự trữ như bắp, sắn và một ít
gạo chỉ đủ để cầm hơi. Sáng ra, cả nhà quây quần bên nồi cơm độn sắn
lát, phần sắn lát cho người lớn, phần cơm trắng dành cho trẻ con, ngày
nào cũng như ngày nào, một hũ mắm chuột dùng để chấm với cà pháo núi. Kể
xong, ông lắc đầu than thở rằng hủ mắm chuột cũng sắp hết, mà dạo này
người ta thi nhau đi bắt chuột, nhà nghèo thì bắt làm mắm, nhà khá giả
một chút thì bắt để ăn, không còn chuột để mà bắt, cá ngoài suối cũng
không còn mấy con vì cả làng xúm ra suối, thi nhau mà lặn ngụp, làm gì
còn thứ gì, rau rừng cũng hết sạch vì nắng to, cây cỏ còn chết khô huống
gì cây rau! Nói đến đây, gương mặt ông gần như méo xệch mặc dù ông
không khóc.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, lúc này đã xế chiều, trời vẫn còn nóng
hầm hập, hai bên đường cây rừng đứng im vì không có gió, một cụ bà người
Thái Trắng mang chiếc bị đi xiêu v ẹo trong bóng chiều, một chiếc xe
hơi Camri màu đen đi ngược chiều , chạy vèo qua, để lại một vệt bụi phía
sau, cụ bà ngồi xuống che mũi, có lẽ bà làm thế để dành năng lượng cho
những bước đi kế tiếp, bà ngồi thụp xuống, người xệp như một chiếc nón
lá úp bên đường. Chúng tôi chào bà, bà nghe được tiếng Kinh nhưng nói
không rõ tiếng Kinh lắm. Bà cho biết là đang trên đường về nhà, bà đã đi
bộ từ ngã ba Voi để về nhà, lúc nào đói bụng, bà ghé đến một quán ven
đường để mua gói mì tôm và xin nước sôi, mượn bát đũa của chủ quán mà
nấu ăn lót dạ. Bà tên H. Minh.
Bà H. Minh cho biết năm nay bà 70 tuổi, bà không có con cái vì sau 30
tháng Tư năm 1975, bà rời lực lượng thanh niên xung phong của đảng Cộng
sản thì tuổi cũng tương đối cao, không còn tha thiết gì đến chuyện
chồng con nữa, bà ở vậy từ đó đến giờ, hằng ngày ra rừng làm thuê đủ
thứ, trồng sắn trồng khoai để sống, bà không có chế độ lương bổng hay
bất cứ một quyền lợi nào của nhà nước dành cho. Chính vì thế, nỗi lo lớn
nhất và thường xuyên nhất của bà là miếng ăn.
Bà nói mấy tháng nay bà đi giúp việc cho người dưới xuôi, dành dụm
được một ít tiền để về che chắn lại mái lá và ăn uống trong mùa mưa. Bà
còn cho biết thêm là bà thuộc vào số người may mắn nhất trong số phụ nữ
nghèo đồng bào thiểu số vì họ không có cơ hội đi làm thêm cho người
Kinh.
Người kinh ít ai dám thuê đồng bào thiểu số ở đợ cho dù người thiểu
số có lấy thù lao thấp bằng nửa hoặc thấp bằng một phần ba những ô sin
người Kinh. Vì lẽ, do khác nhau về cách sống, ngôn ngữ, văn hóa, nhất là
ẩm thực, với thói quen ăn uống kham khổ, dùng mắm chuột, thịt chuột và
những loại thực phẩm rừng rú khác, hơn nữa, cách nấu nướng cũng khác xa
người Kinh, nên đôi khi người Kinh rất ngại để cho đồng bào thiểu số làm
ô sin cho mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người
thiểu số miền núi rất khó xin việc dưới xuôi, đâm ra mặc cảm, sống co
rút, tự cung tự cấp.
Bà H. Minh đã đi suốt ba ngày đường dưới cái nắng như thiêu như đốt
để về nhà tận trên Quan Hóa. Bà nói rằng đi như vậy mỏi lắm nhưng không
thể đi xe vì đi xe sẽ tốn mất một số tiền lớn, không còn để về nhà cất
dành.
Chúng tôi tiếp tục ghé vào thăm nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở
Quan Hóa, hoàn cảnh chung mà chúng tôi chua xót nhận ra ở đây là: đồng
bào thiểu số có đời sống quá khó khăn, nghèo đói, không lối thoát, họ
sống ngay trên rừng phì nhiêu được mệnh danh là "rừng vàng biển bạc"
nhưng chỉ làm thuê cho chủ rừng, cá nhân họ không có mét rừng nào cho ra
hồn. Có một điều là họ vẫn phải đóng thuế hằng ngày, vì trên đất nước
này, không có thứ hàng hóa, nhu yếu phẩm nào mà không có thuế, mua có
nghĩa là gián tiếp đóng thuế cho nhà nước, vậy thôi!
Sống chết mặc bây!
No comments:
Post a Comment