GIỚI LÃNH ĐẠO VN THÚ NHẬN CÁC BẤT ỔN VỀ KINH TẾ
Trong ngày khai mạc phiên họp quốc hội, một số quan chức cao cấp của
nhà nước CSVN thú nhận là các bất ổn về kinh tế hiện rất nghiêm trọng,
với mức tăng trưởng tín dụng quá thấp và tỷ lệ nợ xấu quá cao. Cần biết
là nhà cầm quyền VN đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12% trong năm
nay, nhưng trong 4 tháng qua mức tăng trưởng chỉ đạt được 2% dù đã hạ
lãi xuất cho vay xuống mức 11%.
Trong bài phát biểu của mình, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thú nhận
là tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp bị phá
sản hay tự giải thể lên đến cả trăm ngàn. Riêng ông chủ tịch quốc Nguyễn
Sinh Hùng thì ghi nhận là việc "tái cấu trúc ngân hàng và giải quyết
các khoản nợ xấu" vẫn diễn ra một cách ì ạch.
Cần nhắc lại là mức tăng trưởng kinh tế của VN vào năm ngoái chỉ đạt
5%, tức mức thấp nhất kể từ năm 1999. Vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc
tế đã hạ mức tiên đoán về tỷ lệ tăng trưởng của VN từ 5.8% xuống còn
5.2%.
Điếu mỉa mai là trong khi nền kinh tế đang suy thoái nặng nề thì báo
chí nhà nước rầm rộ loan tin là lương bổng của giới quan chức thuộc các
tập đoàn quốc doanh lại ở mức cao ngất ngưỡng. Điển hình như giới lãnh
đạo tập đoàn Vinafood có mức lương lên đến 80 triệu đồng mỗi tháng, tức
vào khoảng 4 ngàn Mỹ kim. Đây cũng là tập đoàn đặc trách thu mua lúa gạo
của nông dân để xuất cảng với giá rẻ mạt, khiến giới nông dân khốn đốn
suốt nhiều năm qua.
KẾT QUẢ CỦA VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP: ẦM Ĩ NHƯNG KHÔNG CÓ GÌ MỚI
Sau nhiều tháng ầm ĩ và tiêu tốn mấy trăm tỷ đồng để quảng bá cho
việc sửa đổi hiến pháp, bản dự thảo mới được đệ trình lên quốc hội vào
hôm qua cho thấy là đảng CSVN vẫn cương quyết giữ nguyên những nội dung
phi dân chủ trong bản hiến pháp cũ, nhưng gia tăng thêm quyền thống trị
của đảng CSVN.
Trái ngược với thông tin trước đây về đề nghị thay đổi tên nước, vào
chiều hôm qua, ông Phan Trung Lý (chủ nhiệm ủy ban pháp luật của quốc
hội), tuyên bố là bản dự thảo sẽ giữ nguyên tên nước hiện nay. Và dĩ
nhiên là vẫn giữ nguyên điều 4, tức trao quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng
CSVN. Hơn thế nữa, dự thảo cũng làm ngơ trước đòi hỏi phải có điều
khoản về trách nhiệm và quyền hạn của đảng cộng sản trong việc lãnh đạo
đất nước.
Về vấn đề quân đội thì bản dự thảo có hơi nhượng bộ khi quy định là
quân đội phải trung thành với "tổ quốc", kế đó là "đảng, nhà nước" rồi
mới đến "nhân dân". Một vấn đề quan trọng khác, có ảnh hưởng đến toàn bộ
xã hội, là quyền sở hữu đất đai vẫn được giữ nguyên bằng cụm từ "sở hữu
toàn dân", một hình thức dẫn đến việc tự do chiếm đoạt đất đai của dân
chúng như đã diễn ra suốt nhiều năm qua.
Một chi tiết khác cũng đáng được lưu ý, dù không ghi trong bản dự
thảo nhưng được đề nghị thảo luận tại quốc hội, là việc chủ tịch nước sẽ
cầm đầu quân đội với chức vụ chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh.
Có nghĩa là việc bổ nhiệm hay cách chức các tướng lãnh cao cấp sẽ thuộc
quyền chủ tịch nước.
Nhận định về bản dự thảo này, nhiều chuyên gia và nhân sĩ trí thức
cho rằng đảng CSVN đã chứng tỏ cho thấy là họ hoàn toàn không có thiện
chí cải tổ chính trị để đưa đất nước thoát khỏi vòng suy thoái hiện nay.
TỔNG THỐNG MỸ SẼ LONG TRỌNG ĐÓN TIẾP TỔNG THỐNG MIẾN ĐIỆN
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ long trọng đón tiếp Tổng thống Thein
Sein của Miến Điện tại tòa Bạch Ốc. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm
1966, nước Mỹ đón tiếp một vị nguyên thủ của Miến Điện.
Chính phủ Mỹ nói rằng việc đón tiếp này là nhằm nhấn mạnh đến sự ủng
hộ của nước Mỹ đối với các cải cách chính trị mà ông Thein Sein đã thực
hiện ở Miến Điện suốt 2 năm qua. Để trấn an dư luận Mỹ về việc đón tiếp
này, chính phủ Obama tuyên bố là cần phải khuyến khích Tổng thống Miến
Điện đẩy mạnh tiến trình cải tổ chính trị và chấm dứt tình trạng xung
đột tôn giáo ở xứ này.
Cần biết là một số chính khách Mỹ tỏ ra dè dặt về sự vững bền của
tiến trình cải tổ chính trị và các xung đột tôn giáo ở Miến Điện, với
hơn 40 người chết trong mấy tháng qua.
ẤN ĐỘ BÁC BỎ ĐỀ NGHỊ CỦA TRUNG CÔNG VỀ BIỂN ĐÔNG
Một nhật báo Ân Độ vào loan tin là Thủ tướng Ân Độ, ông Manmohan
Singh, đã bác bỏ lời đề nghị của Thủ tướng Trung Cộng, ông Lý Khắc
Cường, trong buổi ăn tối và thảo luận nhiều giờ vào tối hôm qua.
Theo tin của tờ The Indian Express thì họ Lý đề nghị Ấn Độ tán thành
quan điểm của Bắc Kinh là giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông theo
hình thức song phương. Nhưng ông Singh cương quyết cho rằng đây là một
vùng biển quốc tế nên cần phải được giải quyết theo công ước quốc tế,
tức đa phương.
Điều này cho thấy rõ thêm là lập trường của Ấn Độ cũng không khác gì
lập trường các nước Nhật, Nam Hàn và Hoa Kỳ. Các quốc gia này đều muốn
ổn định việc tự do lưu thông ở Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế.
No comments:
Post a Comment