Thứ Hai ngày 06.05.2013
Ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5, từ
Âu sang Á đã có những cuộc biểu tình, mỗi nhóm biểu tình đều có mục
tiêu riêng của họ, nhưng tất cả đều qui vào một điểm chính đó là tự do
bày tỏ ý kiến của mình cho người khác thấy. Mời quý thính giả nghe Quan
Điểm của LLDTCNTQ qua bài viết có tựa đề: “Biểu Tình Là Một Quyền Căn
Bản Của Con Người” qua giọng đọc của Hải Nguyên để kết thúc chương trình
phát thanh tối hôm nay.
Hiện nay Ngày Lao Động Quốc Tế 1 tháng Năm được hơn 80 quốc gia trên
thế giới chọn là ngày nghỉ lễ. Cách thức biểu lộ ngày nghỉ lễ ở mỗi quốc
gia có khác nhau về chi tiết, nhưng đều có chung một ý nghĩa, là dành
ra một ngày để vinh danh người lao động đã vất vả làm ra của cải cho con
người hưởng dùng.
Lịch sử ngày 1 tháng 5 đã có từ rất lâu, dựa vào lịch trong cổ sử, đó
là thời điểm mùa xuân qua và bước sang hè, thời điểm mùa hoa mãn khai,
và thời gian hoàn tất việc gieo hạt nơi đồng áng. Đặc biệt trong Ki-Tô
Giáo, ngày đầu tháng Năm cũng là ngày kính thánh Giuse Thợ, được chọn
làm đấng bảo trợ cho người lao động. Tháng Năm cũng là tháng dành để tôn
vinh Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, nên các quốc gia Ki-Tô Giáo mừng ngày
này khá rầm rộ.
Từ cuối thế kỷ 18 sang thế kỷ 19, khi nền kỹ nghệ phát triển mạnh ở
Âu Mỹ, thì sự cách biệt giữa chủ và thợ mỗi lúc mỗi lớn dần, người công
nhân phải làm việc vất vả nhiều giờ trong hãng xưởng, mà không được
hưởng quyền lợi tương xứng với sản phẩm họ làm ra. Song song với trào
lưu dân chủ chớm nở từ Anh, Mỹ, Pháp. Đức dẫn đến sự bất mãn của giới
lao động, từ đó phát sinh đòi hỏi phải cắt bớt giờ làm việc từ 16 giờ
hay 14 giờ một ngày xuống còn 8 giờ. Cuộc tranh đấu cắt ngắn giờ làm
việc khởi đầu và đã thành công từ Hoa Kỳ, và nó trở thành phong trào
"ngày làm việc 8 giờ" lan rộng sang Âu Châu.
Lúc đầu ngày 1 tháng 5 thường là ngày biểu tình, đình công phản đối
chủ nhân, đòi quyền lợi cho công nhân, cải thiện điều kiện làm việc, rồi
ngày ấy được thừa nhận là ngày nghỉ lao động toàn quốc, và lần hồi đã
trở thành ngày lao động quốc tế, từ đó có truyền thống xuống đường biểu
tình của người lao động ở nhiều nơi. Tùy vào hoàn cảnh chính trị, kinh
tế và xã hội ở mỗi quốc gia mà người lao động nhắm đến qua các thông
diệp họ gửi cho chính quyền, hay tạo sự chú ý của quần chúng.
Khi Phong Trào Cộng Sản phát triển, thì các cuộc biểu tình của giới
lao động được đặc biệt khai thác và điều hướng cho mục tiêu chính trị
của đảng. Có thể nói rằng phong trào cộng sản quốc tế thành công lớn nhờ
vào truyền thống biểu tình ngày 1 tháng Năm đã sẵn có từ nhiều năm
trước đó.
Biểu tình trong ngày lao động đã trờ thành truyền thống, nên không
còn là vấn đề phải bàn cãi, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến quyền biểu
tình của người công dân trong một quốc gia phải được tuyệt đối tôn
trọng. Trong hiến pháp của hầu hết các nước trên thế giới đều nhìn nhận
quyền biểu tình là một quyền quan trọng được luật pháp bảo vệ. Trong
hiến pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, điều 69 cũng xác định
công dân có quyền biểu tình, nhưng lại thòng thêm cái đuôi "theo qui
định của pháp luật". Điều ấy có nghĩa là người dân không được biểu tình.
Hay nói đúng hơn, chỉ khi nào đảng CS cần đến người dân đóng kịch, để
đạt được mục tiêu nào đó có lợi cho đảng, thì đảng sẽ tổ chức và đạo
diễn cuộc biểu tình, còn mọi hình thức biểu tình, tập họp, kể cả ngồi
trong sân nhà mình cũng bị cấm đoán. Điển hình là những cuộc biểu tình
chống Trung Cộng xâm lược của người dân trong những năm qua, đều bị ngăn
cấm và đàn áp dã man.
Phong trào CS đã lợi dụng các cuộc biểu tình của giới lao động để thủ
lợi, sau khi cướp được chính quyền thì trở mặt cấm biểu tình, điều ấy
nói lên bản chất độc đoán, lọc lừa, bất tín và kiêu căng cố hữu của họ.
Vì biểu tình là động thái công khai bày tỏ ý nghĩ của mình, đó chính
là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, là phơi bày sự thật, là nêu lên
những sai trái của kẻ cầm quyền, là đóng góp cho việc xây dựng xã hội.
Để ngăn cấm người dân xuống đường biểu tình, CSVN ngụy biện rằng biểu
tình là bất ổn xã hội, gây nhiễu loạn dân sự, là khuấy động cuộc sống
an vui của người dân! Thật ra, đó chính là chủ trương bóp nghẹt tự do,
là bịt miệng người dân, coi người dân như trâu ngựa, chỉ được nghe và
làm những gì đảng cho làm mà thôi.
Hãy nhìn các quốc gia tân tiến như Anh, Pháp, Đức quanh năm có bao
nhiêu cuộc biểu tình, vậy nước họ có gì thua kém VN chăng? Ngay sát cạnh
Việt Nam là Thái Lan, đã tưng có những cuộc biểu tình rầm rộ nhiều ngày
của phe áo đỏ, áo vàng, ấy thế mà cuộc sống của người dân Thái có thua
kém Việt Nam hay không? Trong lãnh vực kinh tế lợi tức bình quân của
người Thái gần gấp đôi lợi tức bình quân của người Việt Nam, chỉ có dưới
300USD mỗi tháng, mặc dầu đất nước đã thống nhất gần 40 năm. Vậy người
Việt Nam có gì để tự hào, để hãnh diện về chính quyền độc tài và thể chế
CS lỗi thời của mình đây?
Tóm lại chừng nào đảng CS còn cai trị đất nước thì chứng ấy VN vẫn
lạc hậu, vẫn chậm tiến, người dân vẫn bị tước đạt các quyền căn bản, vì
vậy chúng ta hãy chủ động dành lại các quyền mà chúng ta đã có, không
cần xin ai, quyền bày tỏ ý muốn, quyền xuống đường biểu tình là quyền
thiêng liêng quan trọng, không ai ngăn cấm được.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment