Thứ Tư, ngày 22.05.2013
Với cái luật đất đai rừng rú do
chính những kẻ xài luật rừng rú đẻ ra thì bao cảnh đời oan khiên đã xảy
ra cho dân chúng khắp mọi miền đất nước. Thành phần dân oan vác đơn đi
kiện tụng quan chức cướp đất, sau vài năm ròng đến bây giờ gần như vô
phương kêu cứu. Ai giải quyết cho họ khi chính kẻ có quyền giải quyết
lại là kẻ cướp. Trong tiết mục góc khuất cuộc đời mời quý thính giả nghe
bài "Gặp những dân oan lây lất giữa Hà Nội" của Đoàn Việt Minh qua sự
trinh bày của Hướng Dương.
Kể từ khi nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp, bắt bớ, đem nhốt rồi lại thả,
cuộc sống của những dân oan trong công viên Lý Tự Trọng tiếp tục rơi vào
khốn đốn và lây lất, rày đây mai đó, bữa đói bữa no, con cái không được
học hành, ốm đau, bệnh tật không có tiền chạy chữa thuốc men. Có thể
nói, giữa thế kỷ 21 văn mình này, họ giống như những người cổ thủy lạc
đàn và cô đơn. Tội nghiệp không thể tả!
Nếu như những ngày còn tá túc ở công viên Lý Tự Trọng hay vườn hoa
Mai Xuân Thưởng, dưới những gốc cây, những lối đi, họ trải bạt và che
tạm vài tấm áo mưa để ngủ, bắc ba hòn gạch để nấu ăn, trời nắng thì ngủ
ngon một chút, lỡ có mưa giữa đêm thì co ro đợi trời sáng, lại vác đơn
đi kiện, ôm biểu ngữ kêu gọi công lý, kêu gọi nhà cầm quyền giải quyết
oan sai cho mình. Nhưng quãng thời gian này không kéo dài được bao lâu
vì liền sau đó, nhà cầm quyền đã dùng công an, vũ khí, xe bịt bùng, bình
hơi cay và còng số 8 để đáp trả những tiếng kêu oan của họ. Họ bị bắt
hoặc phải chạy tứ tán.
Tình cờ, chúng tôi gặp chị Huyền, một dân oan Hà Nội, đang đạp chiếc
xe cũ không còn gì để cũ hơn, dáng bộ mệt mỏi, vừa đi vừa rao hỏi mua ve
chai, đồng nát. Nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình chị dạo này
như thế nào, chị mếu mó khóc và nói rằng chồng chị đang bệnh, tiền thuốc
men khó khăn vô cùng, nhà không có, đất thì đã bị mất, hai đứa con trai
của chị cũng chưa xin được vào trường, mười bốn, mười lăm tuổi mà vẫn
chưa đến lớp, không có gì đau khổ hơn nhìn hai đứa con nhỏ mặt mày cũng
thông minh nhưng lại mù chữ, lang thang đi lượm ve chai, đồng nát bán
kiếm tiền phụ giúp mẹ.
Hỏi thăm về những người cùng tham gia nộp đơn khiếu kiện với chị ở
công viên Lý Tự trọng, đặc biệt là hai mẹ con chị My, đến từ Kiên Giang,
chị Huyền lắc đầu bảo rằng mình rất ít gặp, có lẽ chị My đang đi làm
thuê đâu đó ở Hà Nội để kiếm sống, nuôi con qua ngày, chuyện về quê đối
với chị My có vẻ như rất khó vì điều kiện kinh tế nghèo khổ, đất đai
kiện tụng vẫn chưa được bồi hoàn, đơn nộp vẫn chưa được. Như vậy, về quê
cũng có nghĩa là bỏ cuộc, xem như phung phí gần mười năm trời theo đuổi
kiện tụng tìm công lý...
Chị Huyền cho biết thêm là có lần, chị nhìn thấy hai mẹ con chị My
đang rửa chén bát trong một quán ăn, dáng bộ xanh xao, gầy gò, đứa con
gái chị My vừa rửa chén vừa nhai vội ổ bánh mì, có lẽ nó đã đói bụng
chịu hết nổi vừa vì công việc nặng nhọc, vừa buồn tẻ vì không hợp với độ
tuổi của nó. Kể xong, chị Huyền thở dài, nói thêm rằng phần đông những
dân oan vẫn bám trụ ở lại Hà Nội, họ bằng mọi giá phải nghĩ kế sinh
nhai, người thì đi buôn ve chai, đồng nát, người thì đi rửa chén bát,
đàn ông thì đi phụ hồ, đi làm thuê được chăng hay chớ theo từng ngày,
thậm chí nhiều người phải đi dọn vệ sinh bồn cầu hoặc đi múc cống rãnh
thuê để tồn tại.
Nghe chị Huyền kể xong, chúng tôi chỉ biết buồn và lo cho những đứa
bé con nhà dân oan, thật là tội nghiệp cho chúng, cha mẹ của chúng không
còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải để chúng làm lụng vất vả phụ
với mình. Vì suy cho cùng, giữa Hà Nội hào nhoáng, tiêu tiền như vứt lá
qua cửa sổ như vậy, nếu chỉ cần không có tiền một ngày thôi là xem như
đói kéo dài. Cũng có lúc chúng tôi từng đặt câu hỏi với chị Huyền hay
chị My rằng vì sao các chị lại để các cháu bé phải cùng theo cha mẹ đi
khiếu kiện mà không đi một mình, để chúng ở nhà học hành, cả hai chị đều
nói rằng việc xin vào trường của con họ là rất khó, một phần vì trễ
nãi, phần khác muốn con cái học hành thời bây giờ thì phải có tiền, bản
thân các chị vừa nghèo khổ, vừa bị bóc lột đến không còn miếng đất cắm
dùi thì lấy gì mà cho con ăn học. Đó là chưa muốn nói đến chuyện các con
của dân oan khó mà đến lớp vì chịu nhiều tác động, ép chế của nhà cầm
quyền địa phương.
Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng rất nhiều dân oan vốn tá túc ở
công viên Lý Tự Trọng và vườn hoa Mai Xuân Thưởng tại quận Ba Đình, Hà
Nội để chờ nộp đơn kiện đòi công lý hầu như không còn chốn dung thân.
Lúc còn ở vườn hoa, họ bị công an xua đuổi ra khỏi vườn hoa, họ chuyển
sang công viên Lý Tự Trọng, lại bị công an đến bắt bớ, đánh đập, cướp tư
trang mang đổ bãi rác, thậm chí nhốt tù. Vừa khổ nhọc, đau đớn, vừa
phải chịu đựng mưa nắng để chờ đợi tiếng nói của công lý. Rất tiếc, công
lý không có trong chế độ Cộng sản, công lý nằm trong tay kẻ mạnh và
cường quyền chính là công lý của họ.
Cho đến thời điểm này, hàng trăm dân oan có mặt thường xuyên ở Hà Nội
để nộp đơn khiếu kiện đã tan tác mỗi người mỗi ngả vì bị công an xua
đuổi, bắt bớ, đánh đập. Họ tìm cách duy trì sự sống bằng nhiều kiểu kiếm
cơm khác nhau. Và một tương lai vô cùng u ám đang chờ đón họ bởi tiếng
nói yếu ớt kêu gọi công lý của họ đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam
bỏ ngoài tai nhằm bảo vệ quyền lợi phe nhóm.
Nếu như trước đây, những dân oan trải bạt dưới đất, ngồi thành nhóm
kết nghĩa một nhà để chia xẻ chén cơm, manh áo cho nhau, người ở công
viên hô khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền bất công, người đi làm kiếm cơm
trưa... Thì bây giờ, nghe ra, chén cơm lưu lạc của những dân oan khắp
ba miền đất nước đặt giữa thủ đô Hà Nội chan đầy nước mắt và lòng uất
hận! Chỉ có nhà nước Cộng sản mới đủ tàn bạo để đẩy nhiều gia đình ra
đường, trắng tay như vậy mà thôi! Bao giờ còn Cộng sản, thì người dân
còn nếm đủ oan khiên!
Đoàn Việt Minh
No comments:
Post a Comment