Sunday, May 26, 2013

Tin tức ngày thứ Bảy, 25.05.2013

MỘT TÀU ĐÁNH CÁ VIỆT BỊ 16 TÀU TRUNG CỘNG BAO VÂY TẤN CÔNG

Sau 20 ngày đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị 16 tàu Trung Cộng tấn công và rượt đuổi, xém dẫn đến cái chết của con tàu và 16 thuyền viên vào chiều tối ngày 20/5 vừa qua. Nội vụ diễn ra tại một vùng biển cách tỉnh Quảng Ngãi 130 hải lý về hướng đông bắc.

Thuyền trưởng chiếc tàu Việt, ông Trần Văn Trung, cho biết là trên đường trở về, tàu ông bị một đoàn tàu Trung Cộng lên đến 16 chiếc bao vây và ngăn chận không cho tiến vào bờ tỉnh Quảng Ngãi. Trong lúc né tránh và tìm đường thoát thì một chiếc tàu bọc thép của Trung Cộng mang mã số 246 lao đến húc 3 lần vào tàu của ông Trung. Trước tình thế sinh tử khi nước tràn vào trong tàu, 16 thuyền viên gấp rút mặc áo phao, dùng máy liên lạc với đất liền để cầu cứu, đồng thời gia tăng hết tốc độ để tháo chạy khỏi nanh vuốt của các tàu Trung Cộng.
Đến tối ngày 21/5, chiếc tàu chạy về được và cập cảng Sa Cần thuộc huyện Bình Sơn. Các ngư dân thở phào vì thoát nạn nhưng thân tàu bị vỡ nát nhiều chỗ, phòng lái tàu và một số thiết bị cũng bị hư hỏng nặng. Theo ước tính thì mức thiệt hại vào khoảng 100 triệu đồng, tức gần 5000 Mỹ kim. Và như thông lệ diễn ra suốt nhiều năm qua, giới quan chức huyện Bình Sơn phát biểu với báo chí lề đảng là họ đã báo cáo chuyện này lên cấp trên để xin giải quyết.
Cần nhắc lại là nhà cầm quyền Trung Cộng đã ra lệnh cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông kể từ ngày 16/5 vừa qua, trong khi đó lại điều động hơn 30 tàu cá và chiến hạm của đảo Hải Nam xuống càn quét hải sản ở vùng biển Trường Sa trước sự phản đối chiếu lệ của nhà cầm quyền VN.
Trong một biến chuyển khác có liên quan đến Biển Đông, vào hôm qua Tổng công ty Dầu khí Trung Cộng loan báo là họ đã hoàn thành việc lắp đặt giàn khoan lớn nhất châu Á trên Biển Đông. Giàn khoan này lấy tên là Liwan 3-1, với trọng lượng đến 30 ngàn tấn, có năng xuất khai thác lên đến 12 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tức sẽ cung cấp đến 10% nhu cầu khí đốt của Trung Cộng.

THAY BẬC ĐỔI NGÔI TRONG CHÍNH PHỦ VN: HUỆ XUỐNG, DŨNG LÊN

Vào hôm qua, quốc hội bù nhìn của đảng CSVN đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa ông Tổng kiểm toán nhà nước là Đinh Tiến Dũng lên nắm ghế bộ trưởng tài chánh, thay cho ông Vương Đình Huệ bị bãi nhiệm vì được bộ chính trị điều động về nắm ghế trưởng ban kinh tế trung ương.
Và sau đó thì người được bỏ phiếu bầu vào chức tổng kiểm toán nhà nước là ông Nguyễn Hữu Vạn 57 tuổi, đương kim bí thư tỉnh ủy Lào Cai. Trong lý lịch, ông Vạn khai là có học vị tiến sĩ kinh tế nhưng không ghi rõ là do đại học hay quốc gia nào cấp. Người đề cử ông Vạn là chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cũng thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng.
Một điều lạ lùng là trước đó, quốc hội bù nhìn CSVN đã ra lệnh cấm giới phòng viên lề đảng dự khán các cuộc thảo luận và bỏ phiếu vào các chức vụ nói trên. Lệnh cấm này khiến cho cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết lấy làm thắc mắc và đã có một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ nói rằng, quốc hội luôn yêu cầu nhà nước phải công khai minh bạch nhưng lại cấm báo chí dự khán các thảo luận và phê chuẩn về các chức vụ cao cấp của nhà nước.
Cần nhắc lại là ông Vương Đình Huệ cùng với ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính trung ương, trong cuộc bầu phiếu vào bộ chính trị trong hội nghị trung ương lần thứ 7 của đảng CSVN, diễn ra vào giữa tháng này. Việc thất cử của cả hai được xem là thất bại nặng nề của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và là chiến thắng lớn cho phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đấu đá giành quyền lực giữa hai phe.

THỦ TƯỚNG NHẬT CÔNG DU MIẾN ĐIỆN ĐỂ THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ

Thủ tướng Nhật bản, ông Shinzo Abe, đã đặt chân lên đất Miến Điện, trong chuyến viếng thăm chính thức ở cấp cao nhất của nước Nhật tại Miến Điện, kể từ 36 năm nay. Tháp tùng trong chuyến đi là một nhóm doanh nhân hàng đầu của nước Nhật để thảo luận về vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Cần nhắc lại, Nhật Bản từ nhiều năm qua vẫn là nguồn tài trợ chính yếu cho Miến Điện, kể cả trong thời kỳ tập đoàn quân phiệt cầm quyền ở đất nước này. Vào năm 2012, chính phủ tiền nhiệm của ông Abe cũng đồng ý xóa bỏ món nợ 3.7 tỷ Mỹ kim mà Miến Điện đã vay của Nhật.
Người ta tin rằng ông Abe sẽ thông báo với chính phủ Miến về ngân khoản hỗ trợ phát triển lên đến 1 tỷ Mỹ kim trong chuyến viếng thăm này. Ngoài ra ông Abe cũng sẽ gặp gỡ thủ lãnh đối lập Miến, bà Aung San Suu Kyi. Giới quan sát viên nhận định là ông Abe muốn bảo đảm rằng các công ty Nhật sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng cơ sở ở Miến.

NHÀ CẦM QUYỀN SYRIA ĐỒNG Ý THAM DỰ CUỘC ĐÀM PHÁN VỀ HÒA BÌNH

Chính phủ Nga vừa loan báo là nhà cầm quyền Syria đã đồng ý trên nguyên tắc về việc tham dự cuộc đàm phán quốc tế để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã diễn ra ở nước này suốt 2 năm qua. Bộ ngoại giao Nga
đã loan báo tin này nhưng nói thêm là hiện vẫn chưa ấn định được ngày giờ và địa điểm diễn ra cuộc hội nghị này.
Cần biết là trước đó hai chính phủ Mỹ và Nga đưa ra đề nghị nhóm họp vào tháng tới ở thành phố Geneve của Thụy Sĩ. Vào thứ Hai tới đây, Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ sẽ sang Paris để thảo luận với Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga về hội nghị này.
Trong khi đó thì một thủ lãnh thuộc phe đối lập Syria cũng đưa ra một đề nghị mới cho nhà cầm quyền Syria.
Theo đề nghị của ông Moaz al-Khatib, thủ lãnh của nhóm đối lập mạnh nhất Syria, thì ông al-Assad có thời hạn 20 ngày để dàn xếp cuộc chuyển giao quyền hành cho vị phó tổng thống hay thủ tướng và ra đi. chính phủ chuyển tiếp này sẽ điều hành đất nước trong vòng 100 ngày để cải tổ quân đội và tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Nhà cầm quyền Syria chưa có phản ứng gì về đề nghị này, nhưng ông al-Assad đã nhiều lần khẳng định là ông không chấp nhận từ chức hay ra đi.

No comments:

Post a Comment