Thứ Ba ngày 14.05.2013
Mị dân, xảo trá, tham lam, đó là ba
đặc tính rất cơ bản của nhà nước Cộng sản. Nhưng chưa dừng ở đó, họ
không những mị dân mà còn lừa đảo ngay cả những đồng đội cũ, những con
người từng có một thời đi theo tiếng gọi của họ, mang xương máu phó thác
cho công nghiệp đánh chiếm miền Nam của Cộng sản... Để rồi, khi có đủ
cái ăn, cái mặc, họ quay lưng với đồng đội, tiếp tục sa đà vào con đường
tội ác. Hiện tại, họ rất tương xứng với câu nói nỏi tiếng của Marx:
"Chỉ có con thú mới quay mặt đi trước nỗi đau đồng loại mà lo liếm bộ
lông của mình". Hình như trước khi viết câu này, Marx đã hình dung được
kết cục của chủ thuyết do mình đề ra! Xin mời quí thính giả nghe câu
chuyện của Những người miền núi Nghệ An đói khổ do Bảo Hân biên soạn qua
sự trình bày của Hướng Dương.
Nghệ An có công viên Hồ Chí Minh, làng Trù, làng Sen, nơi sinh ra,
lớn lên của Hồ Chí Minh và có một khu vườn tâm linh với vài chục nhà
ngoại cảm chuyên tìm mộ liệt sĩ Cộng sản. Sở dĩ chúng tôi giới thiệu như
vậy là có lý do, mới nhìn vào, ai cũng ngỡ dân tỉnh này sẽ may mắn vì
chí ít nó cũng là nơi sinh ra và lớn lên của lãnh tụ Cộng sản, nó là cái
nôi Cộng sản, nhà nhà theo đảng, người người theo đảng, không kể miền
ngược hay miền xuôi. Và đến thời kinh tế phát triển, chắc chắn nơi này
sẽ được ưu tiên nhiều thứ. Nhưng trên thực tế thì không phải thế, người
đói cũng không hiếm.
Chỉ cần đi dọc đường Trường Sơn, ngang qua các huyện Tương Dương, Quế
Phong, Trâu Quì... mới hoảng hồn nhận ra nhân dân còn đói khổ, lem luốc
và lạc hậu đến như vậy. Cả một đoạn đường dài, chỉ toàn nhìn thấy vài
ngôi nhà lợp lá nằm lúp xúp trong các bìa rừng, không thấy cột ăngten
thu sóng cho truyền hình, chúng tôi đoán mò chắc là họ dùng đầu thu vệ
tinh vì ở đây rừng núi hẻo lánh, dùng ăngten không đủ mạnh để xem rõ
hình ảnh. Nhưng khi chúng tôi ghé vào thăm nhà anh Minh ở xã Cắm Muộn,
huyện Quế Phong thì hỡi ôi, anh Minh lắc đầu nói rằng nhà anh chưa bao
giờ biết chiếc tivi là cái gì, quanh năm suốt tháng đi đào vàng thuê, đi
làm rừng, tối về mệt quá thì lăn ra ngủ, bữa nào khỏe đôi chút thì
tranh thủ uống vài ly rượu giải mỏi. Sáng mai, dụi mắt lại bước vào rừng
hì hục kiếm sống. Nếu có tivi cũng chẳng biết để làm gì vì mấy đứa nhỏ
trên núi khờ đặc như con anh, chúng có hiểu gì mà coi tivi. Mua về thì
vui nhà vui cửa nhưng chắc chắn là tốn điện nên thôi khỏi mua cho chắc
ăn. Vả lại, dễ gì dư được vài trăm ngàn đồng để mà mua tivi!
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào các thôn Quang Phong, Châu Thôn, quan
cảnh mỗi lúc càng thêm ủ ê và tơi tả. Nhà cửa nhìn xa trong chắc khác
nào mấy cái chuồng nuôi ngựa trong phim kiếm hiệp Tàu, ghé vào thăm nhà
anh Hồ Quang Thương, trò chuyện một lúc, anh pha nước chè xanh lá rừng
mời chúng tôi, không có ấm tách, anh dùng chung một chiếc ca nhà binh
thời trước 1975 của lính Việt Nam Cộng Hòa mà theo như anh nói là chiến
lợi phẩm của cha anh mang về từ miền Nam. Ca nước được đun sôi trên bếp
và đợi cho chè xanh ngấm nước đủ tới, anh mang ra mời mọi người cùng
uống chung một ca.
Một người trong nhóm chúng tôi hỏi thăm về đời sống của gia đình anh.
Anh gật đầu tỏ vẻ hài lòng và nói rằng anh may mắn hơn những người hàng
xóm nhiều, vì anh có cơm ăn ba bữa, không phải độn khoai sắn, ngoài ra,
còn có một ít tiền để đi chợ mỗi ngày. Anh khoe rằng trong lúc khủng
hoảng kinh tế như thế này nhưng vợ anh vẫn đi chợ đều đặn mỗi ngày 20
ngàn đồng cho cả gia đình. Mức sống như thế này, làng xóm anh có mơ cũng
không được. Có nhiều nhà hàng xóm của anh, mỗi tuần đi chợ một lần, mỗi
lần đi chợ 50 ngàn đồng cho một gia đình năm, sáu người. Ngày đầu tiên
đi chợ về, họ luộc một miếng thịt heo chừng vài ba lạng để làm tiệc cả
nhà, ăn xong bữa ngon đó, cả nhà lại ăn nhín uống nhịn để cầm hơi qua
tuần. Tuy anh nói chuyện hào hứng, nhưng khi chúng tôi hỏi anh sao không
mua một chiếc tivi về xem giải trí, gương mặt anh trầm lại. Anh nói trớ
sang chuyện làm rừng, chuyện khai thác vàng.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, sang huyện Tương Dương, ở đây, đời sống
có vẻ nhỉnh hơn Quế Phong một chút nhờ vào nguồn rau thu nhập ven các
nông trường. Nghĩa là bà con tranh thủ những khoảnh đất hoang nằm bên
cạnh các nông trường để khai hoang trồng rau xanh, trồng dứa, bí bầu,
đương nhiên là thu nhập từ các khoảnh đất này chẳng là bao và có thể bị
nhà cầm quyền địa phương đến thu hồi đất bất kì giờ nào. Một nông dân
tên Ngô Quý dắt chúng tôi về nhà chơi và giới thiệu các sản phẩm anh thu
được trên khoảng đất kia, đếm đi đếm lại, gồm mười trái bí đao, hai
mươi trái bắp và chừng vài chục ký khoai mì. Với anh Quý, đây là khoảng
dự trữ rất tốt phòng khi đói kém, trong làng anh, có nhiều nhà đang bắt
đầu giai đoạn thiếu đói, giải thích vì sao làng mình thiếu đói triền
miên, anh Quý nói rằng vì đất không có, sống ngay trên rừng vàng biển
bạc nhưng đất lại thuộc về nhà nước, thậm chí những khoảng rừng tốt đã
có dân Trung Quốc sang canh tác, họ cứ nhắm những cánh rừng màu mỡ mà
thuê để trồng rừng, nói là trồng rừng nhưng trên thực tế là chặt trộm
gỗ, sau đó trồng vài thứ cây chẳng có giá trị gì và họ trồng khoai lang,
trồng các loại nông sản đưa về nước họ.
Trong khi đó, bà con trong huyện lại không có đất để canh tác. Nếu có
thì cũng là những khoảng đất khô cằn, thiếu nguồn nước, chỉ canh tác
được vào mùa mưa, mùa khô thì cháy trơ cỏ, gặp mưa lớn thì ngập tràn và
trôi tuột mọi thứ cây... Vì quá khổ, chẳng có cơ hội làm ăn nên phần
đông bà con bỏ nhà đi làm thuê tứ xứ. Mà một khi bỏ nhà, bỏ đất đi làm
thuê thì lại rơi vào cái bẫy của nhà cầm quyền địa phương, họ chỉ đợi ai
đó bỏ hoang đất chừng một mùa là thu hồi và cho thuê. Chính cái vòng
lẩn quẩn này khiến cho bà con miền núi Nghệ An luôn giữ kỷ lục thiếu đói
một cách âm thầm và đói trong một tư thế luôn giữ thể diện vì mình là
con nhà nòi Cộng sản, là cháu bác Hồ.
Họ không hề hay biết rằng họ đã bị lợi dụng quá lâu và cuộc đời họ đã
bước hẳn vào thế giới của người nguyên thủy trong lúc nhân loại ngày
càng tiến bộ. Có được như thế cũng nhờ ơn đảng, ơn Bác vậy!
Bảo Hân
No comments:
Post a Comment