Thứ Tư, ngày 01.05.2013
Trước những tội ác ngập trời, suốt
chiều dài của gần một thế kỷ của các chế độ CS, mà nhiều nhà trí thức
vẫn bị lừa gạt. Tại Sao? Muốn trả lời câu hỏi hóc búa này... Mời quý
thính giả nghe phần Bình Luận của Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề:
"Trí Thức và Độc Tài" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương
trình phát thanh tối hôm nay.
Đọc lịch sử các chế độ độc tài, từ độc tài phát xít với những Hitler
và Mussolini đến độc tài cộng sản với những Stalin, Mao Trạch Đông, Pol
Pot, Nicolae Ceauşescu, Kim Chính Nhật (bây giờ là Kim Chính Ân) hay độc
tài quân phiệt với những Saddam Hussein, Muammar Gaddafi, Robert
Mugabe... chúng ta không thể không ngạc nhiên.
Có rất nhiều điều để ngạc nhiên.
Thứ nhất, tất cả các tên độc tài, dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, đều
vô cùng tham lam và độc ác. Chúng thâu tóm toàn thể quyền lực trong tay
và với quyền lực vô tận ấy, giết vô số người, từ những kẻ thù thực sự
đến những kẻ thù tưởng tượng, trong đó phần lớn là chính dân chúng ở
nước chúng.
Thứ hai, tất cả đều mắc bệnh huyễn tưởng, tự xem vị thế và quyền lực
của mình như một thứ gì thuộc về thiên mệnh; và vì thiên mệnh, chúng nằm
ngoài hoặc nằm trên những luật pháp mà còn trên cả các nguyên tắc đạo
lý thông thường của con người. Giết người, thậm chí, giết vô số người,
với người khác, là tội ác; với chúng, là thiêng liêng và cao cả.
Thứ ba, vì căn bệnh huyễn tưởng ấy, rất nhiều nhà độc tài trở thành lố bịch, không khác những tên hề.
Thứ tư, tất cả đều giả dối, đều sử dụng vô số huyền thoại láo khoét
để biến mình thành thần tượng, thành những lãnh tụ anh minh, đầy viễn
kiến, mở ra những chân trời mới cho đất nước hoặc cho cả nhân loại.
Nhưng cả bốn điều "đáng ngạc nhiên" trên đều không đáng ngạc nhiên bằng hai điều này:
Một, mặc dù tham lam, độc ác, mắc bệnh huyễn tưởng và giả dối như
vậy, những tên độc tài ấy lại cầm quyền, hơn nữa, cầm quyền một cách
tuyệt đối, trong thời gian rất dài, có khi cả đời hoặc nhiều đời, hết
đời con đến đời cháu, chắt.
Hai, dù đầy khuyết điểm như vậy, những tên độc tài ấy vẫn được nhiều
người, kể cả giới trí thức, thậm chí là trí thức xuất sắc ở Tây phương,
ngưỡng mộ và hết sức bênh vực cũng như góp phần tuyên truyền cho chúng
một cách nhiệt tình.
Trong hai điều trên, điều thứ hai quan trọng hơn. Giải thích điều thứ
nhất, người ta có thể nói: Bởi các nhà độc tài đã xây dựng được một bộ
máy tuyên truyền hữu hiệu đủ để nhồi sọ tất cả mọi người và một bộ máy
quyền lực mạnh mẽ đủ để nghiền nát bất cứ người nào dám chống đối. Nhưng
không có một bộ máy xã hội và chính trị nào có thể tồn tại độc lập. Vấn
đề chính là ở con người, tức ở khía cạnh thứ hai, chúng ta vừa nêu ở
trên: Tại sao người ta lại khiếp sợ và ngưỡng mộ các tên độc tài đến như
vậy? Tại sao người ta lại để cho các tên độc tài dễ dàng lừa dối mình
đến như vậy?
Trên thế giới, cũng có nhiều người từng ngạc nhiên như vậy. Có thời,
những kẻ như Hitler, Mussolini, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel
Castro, thậm chí, Kim Chính Nhật đã trở thành thần tượng của nhiều trí
thức và văn nghệ sĩ Tây phương. Đạo diễn Oliver Stone khen Fidel Castro
là một kẻ "rất vị tha và đạo đức. Một trong những người khôn ngoan nhất
trên thế giới". Một đạo diễn khác, Steven Spielberg, cho "gặp gỡ Fidel
Castro là tám giờ quan trong nhất" trong cuộc đời của ông.
Trước đó, ở Ý, Gabriele D'Annunzio, một nhà thơ lớn, cũng như nhiều
nhà thơ thuộc trường phái Vị Lai khác, từng là những kẻ ủng hộ nhiệt
thành Mussolini. Ở Đức, Hitler không thiếu người ngưỡng mộ, kể cả một
trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ, Heidegger, một trong những
họa sĩ lớn nhất của thế kỷ, Salvador Dali, một trong những nhà thơ lớn
nhất của thế kỷ, Ezra Pound. Nhà văn Na Uy từng đoạt giải Nobel năm
1920, Knut Hamsun, cũng rất ủng hộ Hitler.
Đối với các nhà độc tài cộng sản, số trí thức ngưỡng mộ nhiều hơn
hẳn. Nhà văn Anh George Bernard Shaw (1856-1950) suốt đời ủng hộ Lenin,
Stalin, và cả Hitler nữa. Cả Andre Gide và Doris Lessing đều từng ủng hộ
Stalin tuy cả hai, sau đó, tự nhận là mình lầm. Picasso, Bertolt
Brecht, Pablo Neruda, W.E.B. Du Bois, Graham Greene, v.v. cũng đều ủng
hộ Stalin; trong đó, có người vừa ủng hộ Stalin vừa ủng hộ Mao Trạch
Đông.
Jean-Paul Sartre cũng từng là người ủng hộ Stalin và chế độ cộng sản
rất nồng nhiệt. Trước năm 1975, trong chiến tranh Việt Nam, ông là người
tích cực ủng hộ miền Bắc và lên án Mỹ một cách gay gắt. Sau năm 1975,
chứng kiến thảm cảnh của người Việt Nam vượt biển, ông lại lên tiếng phê
phán chính quyền Việt Nam và kêu gọi chính phủ Pháp cứu giúp người tị
nạn.
Chúng ta lại phải tự hỏi: Tại sao nhiều người trí thức lại dễ dàng bị
các nhà độc tài lừa bịp đến như vậy? Tại sao họ lại nhẹ dạ và cả tin
đến như vậy?
Nhớ, trước đây, trong những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều văn
nghệ sĩ và trí thức ở miền Bắc. Nhiều người kể lại, trước phong trào đổi
mới, đặc biệt, trước năm 1975, họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới
lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hóa, họ lắng
nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi
chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính. Sau này, cũng theo lời họ,
đọc lại các cuốn sổ tay cũ, họ thấy những ý kiến trong ấy rất hời hợt,
thậm chí, ngô nghê. Họ tự hỏi: Tại sao thời ấy họ lại xem những ý kiến
ấy như những lời vàng ngọc như vậy? Chính họ, họ cũng không biết rõ câu
trả lời. Tất cả đều cho: Đó chỉ là hậu quả của việc nhồi sọ.
Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về
thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam
không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ
khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi
cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen "chính quyền cách
mạng" thực tâm hòa giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối
với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người
bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một
quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù
trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)
Trí thức trong nước bị nhồi sọ. Nhưng còn trí thức ngoài nước thì sao?
Trong lúc loay hoay tìm cách trả lời cho câu hỏi ấy, cũng như câu hỏi
về sự nhẹ dạ và cả tin của trí thức thế giới nói chung, tự dưng tôi nhớ
đến mấy câu thơ của Nguyễn Quốc Chánh trong bài "Tao là đứa bé ngoẻo
trên lưng Linda Lê":
"Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, lương thiện & cộng sản.
Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh."
Những câu thơ ấy ám ảnh tôi đến độ tôi không thể nghĩ tiếp được nữa.
Đành dùng chúng thay cho lời kết luận của bài viết.
Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment