Thứ Sáu, ngày 03.05.2013
Sự khác biệt giữa tồn tại bầy đàn
và hành động dưới cây sào chỉ định của chế độ độc tài với sự tồn tại
mang ý nghĩa nhân sinh, đề cao tính tự do và nhân văn của xã hội dân sự
đích thực nằm ở hai chữ Tự Do, hai chữ này không có trong nhà nước độc
tài . Đây có thể là một nan đề cho Việt Nam nếu như đảng Cộng sản vẫn
còn tiếp tục lộng hành, quấy phá và đè ép con người dưới ngọn roi man rợ
của họ trên mọi hình thức và thủ đoạn. Tuần này, chuyên mục Lá Thư Tuổi
Trẻ xin gửi đến quí thính giả lá thư của Nguyễn Thị Hà Nội, viết thăm
blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, qua giọng đọc Mỹ Linh.
Anh Hải kính mến, không biết giờ này anh đang ở đâu, và người ta cư
xử với anh như thế nào, sức khỏe anh ra sao? Em chỉ biết cầu nguyện và
cầu nguyện, cho anh được bình yên, cho đôi mắt sáng và mạnh mẽ của anh
luôn nuôi giữ ngọn lửa đấu tranh, và em cũng cầu nguyện cho kẻ cường
quyền sớm biết suy nghĩ, biết quay đầu, biết yêu thương người khác, biết
tỉnh thức để nhận ra rằng họ đã đi quá xa trên con dốc trược, họ phải
gượng dậy để nhìn thấy lẽ phải và ý nghĩa của lòng yêu thương!
Vì em nghĩ rằng, một khi con người có đủ yêu thương, người ta sẽ đối
xử tử tế với nhau hơn, người ta sẽ hiểu rằng đã là con người, như Đức
Phật nói, là ai cũng có máu đỏ và nước mắt mặn chát, và ai cũng có lòng
trắc ẩn, lòng bi mẫn. Thế giới là một địa cầu nước mắt, bạn đừng để nước
mắt khô cạn, vì một khi nước mắt khô cạn, thế giới này sẽ chẳng còn là
thế giới loài người nữa, bởi lúc đó bạn chẳng còn nhận ra ý nghĩa và
chân giá trị của con người.
Với em, là một sinh viên ngành y năm cuối, đã qua những khóa kiến
tập, thực tập về bệnh nhân, đã kinh qua những lần thực hành phẫu thuật,
em đã chứng nghiệm được thế nào là vẻ đẹp mong manh của một kiếp người
anh ạ!
Cũng là thân thể, tứ chi, ngũ uẩn, tai, mắt, mũi, miệng, trán...
Nhưng, đến khi phẫu thuật ra, ôi, có gì đâu ngoài một khối thịt đỏ cùng
với những thứ linh tinh kèm theo, lần đầu tiên tham gia thực hành, em
hãi hùng đến mấy ngày, em cứ suy nghĩ miên man, băn khoăn, chẳng biết
nói làm sao. Thậm chí em hơi sốc khi nghĩ rằng con người, nếu xét về mặt
cấu trúc sinh học, đôi khi tệ hơn rất nhiều so với các loài vật khoác
vì con người đã dung nạp quá nhiều chất đạm và năng lượng nên khi chết
đi, tốc độ phân hủy và mức độ gây mùi quá kinh khủng so với các loài vật
khác.
Suy cho cùng, về mặt hình tướng, con người kém xa loài vật. Chỉ có
một thứ duy nhất làm níu kéo con người với cuộc đời và làm con người
thấy yêu đời sống, thấy ý nghĩa của mình mà tồn tại, đó là giá trị tư
tưởng và tâm hồn cao quí. Chính sự cố gắng định vị giá trị tư tưởng và
tự nhuận rửa tâm hồn để mỗi ngày thấy cuộc sống tươi đẹp, mà con người
trở nên đáng sống và đáng yêu trước vạn vật.
Và, đỉnh cao của loài người, giá trị của loài người lại nằm ở chỗ tự
do và phẩm hạnh. Nói ra nghe hơi nghịch tai vì đó là chuyện đương nhiên,
tại sao còn phải nhắc lại. Nhưng trên thực tế, ở một số quốc gia trên
thế giới này, trong đó có Việt Nam, ý nghĩa trọn vẹn của hai chữ Tự Do
của loài người còn kém xa so với loài vật, và giá trị về phẩm hạnh của
loài người bị đè ép xuống thấp hơn nhiều so với loài vật. Em cũng xin
nói thêm, đó là so sánh loài người với loài vật tự do và loài vật ở các
nước tiến bộ, chứ lấy người Việt Nam mà so mức độ tự do với loài vật
nuôi ở Việt Nam thì cần phải xét lại, vì một khi chủ của nó không có tự
do, nó cũng bị mất tự do liên lụy, nó cũng khổ sở không kém đâu!
Ở một đất nước mà con người không được nói lên chính kiến của mình,
phần nhà nước thì lo toa rập đảng phái, phe nhóm để trục lợi, phần tập
đoàn doanh nghiệp thì sợ sệt và cũng tìm cách gần gũi, vuốt ve, thậm chí
nịnh bợ kẻ có quyền để trục lợi, để tàn phá thiên nhiên, vô tâm với bất
kì nỗi đau nào của con người. Đơn cử như chuyện phá rừng, mỗi cánh rừng
bị chặt phá, sẽ kéo theo hàng loạt tai họa do lũ quét, sạt lở núi, và
nhiều cánh rừng bị san bằng thì nguy cơ nước lũ cuốn cả đồng bằng ra
biển là chuyện rất có thể. Đó là chưa nói đến thi nhau làm đập thủy điện
vô tội vạ, chẳng cần biết nhân dân đói no, nguy kịch ra sao. Cuối cùng,
phần lợi vẫn chỉ dành cho một nhóm thiểu số vài chục con người, tai
ương thì đổ lên đầu toàn thể nhân dân.
Và đến khi tai ương đổ sập lên nhân dân, nhà cửa tiêu điều, tan
hoang, màn trời chiếu đất, lúc này, chính những kẻ làm hại nhân dân để
thu lợi lại bỏ ra vài đồng lẻ trong số lợi nhuận khổng lồ họ thu được do
tán phá thiên nhiên để mua vài gói mì tôm, vài ký gạo đến làm từ thiện,
đến cứu trợ. Nhân dân phải khum tay đón nhận và mang ơn họ mà không hề
hay biết là mình đang bị hại đến đường cùng. Nhưng, nếu ai biết điều
này, nói ra, người đó sẽ bị hại.
Anh cũng là một người bị hại tương tự, anh không những nói ra cái sai
của một nhà nước không biết lo an toàn sinh mệnh của nhân dân mà anh
còn chỉ cho cộng đồng thấy được nguy cơ mất nước, nguy cơ bị Tàu hóa,
nguy cơ bị xóa sổ cả một dân tộc. Và, kết cục, người ta tìm cách ghép
tội anh, tìm cách ám hại anh và mang anh giấu biệt tăm biệt tích như một
con thú giấu mồi.
Thử nghĩ, cách hành xử này giống thứ gì? Và, điều họ làm có chính
đáng hay không? Liệu họ có thể giấu được giá trị tư tưởng, ý nghĩa tự do
mà anh đã thực thi và truyền đạt? Họ có thể làm anh mất tích những họ
có thể chôn được vết nhơ về cách hanh xử giữa con người với con người
nhưng còn lém hơn cả thú vật đối đãi với nhau?
Ước gì, họ, những người đang nằm trong guồng máy quyền lực có một lần
suy ngẫm về cái chết và giá trị đích thực của con người vượt lên trên
những khối thịt di động mà họ đang đeo mang, thì họ sẽ nhận ra ý nghĩa
làm người. Đương nhiên, mong ước của em nghe hơi viễn vông, vì cái ác đã
ăn lậm vào não trạng của họ rồi. Nhưng dẫu sao, mình vẫn có quyền mong
ước, vì điều ước của mình hướng thiện và đi đến một thế giới con người
tử tế với nhau hơn, lòng yêu thương và sự tôn trọng giá trị tự do được
mở rộng hơn... Mình vẫn có quyền mong ước và cầu nguyện cho họ được tỉnh
thức đúng không anh?
Cầu chúc anh sức khỏe, bình an và sớm gặp lại gia đình, bạn bè anh nhé!
Em
Nguyễn Thị Hà Nội.
No comments:
Post a Comment