Wednesday, November 27, 2024

VICEM SẢN XUẤT XI MĂNG ĐỂ XÂY MỒ CHÔN MÌNH

Chuyện Nước Non Mình

Xi măng vốn là thứ vật liệu gắn kết vững chắc các công trình xây dựng, nhưng có vẻ như trong trường hợp của Vicem, xi măng chỉ đang gắn kết thêm những khoản nợ khổng lồ.

Trong chuyên mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài “VICEM SẢN XUẤT XI MĂNG ĐỂ XÂY MỒ CHÔN MÌNH” của tác giả CHÂU NAM VIỆT đăng trong Trang nhà VIỆT NAM THỜI BÁO, do Ngọc Sương trình bày sau đây...

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) – từng được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế quốc gia. Giờ đây lại trở thành một minh chứng sống cho sự lao dốc đầy bi thương của nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Vicem là một trong những doanh nghiệp xi măng lớn nhất cả nước, hiện phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tài chính nghiêm trọng do các khoản đầu tư không hiệu quả. Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính mới đây cho thấy Vicem đã phải trích lập dự phòng gần 1.600 tỷ đồng cho các dự án dài hạn không mang lại hiệu quả, trong đó nổi bật là những dự án đình trệ kéo dài nhiều năm. Năm 2023, 14/31 khoản đầu tư dài hạn của Tổng công ty Xi măng lỗ với tổng số tiền 1.610 tỷ đồng, còn lại 17/31 công ty lãi chỉ 186 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Công ty mẹ – Tổng công ty Vicem tại thời điểm 31/12/23 đã đầu tư vào 31 công ty với tổng số tiền là 13.973 tỷ đồng, chiếm 93% vốn góp chủ sở hữu. Trong đó, Tổng công ty đã đầu tư vào 3 công ty con 100% vốn điều lệ với số tiền 3.927 tỷ đồng, đầu tư vào 14 công ty con cổ phần số tiền 7.698 tỷ đồng, đầu tư 10 công ty liên doanh, liên kết số tiền 2.005 tỷ đồng và đầu tư vào 4 công ty khác số tiền 342 tỷ đồng. Về hiệu quả hoạt động đầu tư dài hạn, năm 2023, có 17 công ty có kết quả kinh doanh lãi là 186 tỷ đồng, có 14 công ty có kết quả kinh doanh lỗ số tiền 1.610 tỷ đồng (trong đó, Xi măng Hạ Long có số lỗ lớn nhất là 647,8 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có 15 Công ty lỗ lũy kế đến 31/12/2023 với số tiền là 7.923 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ góp vốn Công ty mẹ – Tổng công ty tại từng công ty là 5.895 tỷ đồng, bằng 85,3% vốn công ty mẹ đã đầu tư tại các công ty này. Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp lỗ có đến 8/10 công ty con sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, số tiền lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 là 6.702 tỷ đồng.(1)

Xi măng vốn là thứ vật liệu gắn kết vững chắc các công trình xây dựng, nhưng có vẻ như trong trường hợp của Vicem, xi măng chỉ đang gắn kết thêm những khoản nợ khổng lồ. Tình trạng thua lỗ nặng nề không chỉ gây áp lực, thâm hụt cho ngân sách nhà nước mà còn đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh mô hình quản trị và chiến lược vận hành. Khi một doanh nghiệp nhà nước có bề dày truyền thống và vốn tư lớn rơi vào vòng xoáy thua lỗ, thì vấn đề không chỉ đến từ yếu tố thị trường, mà chủ yếu đến từ sự lãng phí và quản lý yếu kém, thiếu minh bạch.

 

Áp lực tái cấu trúc Vicem đã trở thành bài toán đau đầu cho các cơ quan quản lý nhà nước. Tái cấu trúc – một cụm từ được nghe nhiều nhưng lại đầy tính phức tạp. Tại sao một doanh nghiệp với quy mô lớn như Vicem, từng nắm trong tay nguồn vốn nhà nước và quyền lực mạnh mẽ, lại cần phải tái cấu trúc liên tục? Phải chăng đó là “nghệ thuật” để biến cái cũ thành cái mới, ve sầu thoát xác, hay bình mới rượu cũ, để rồi cuối cùng cũng chỉ là thua lỗ?

Việc tái cấu trúc chiến lược cho Vicem dường như chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn, hoặc đơn giản là bơm nhiều tiền ngân sách hơn,… Đây là một cách chuyển đổi từ “khủng hoảng” sang “khủng hoảng có kế hoạch”. Nếu không có sự thay đổi thực chất, thì việc tái cấu trúc sẽ chỉ là vỏ bọc, che đi sự đổ nát bên trong việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước.

Những lời giải thích về biến động thị trường hay chi phí đầu vào cao có thể nghe hợp lý, nhưng liệu có đủ để che đậy những vấn đề nội tại bên trong Vicem. Bản chất sâu xa của sự thua lỗ này nằm ở yếu tố quản trị yếu kém, lãng phí, thiếu minh bạch và không có tầm nhìn xa. Vicem đã “thấm” được bao nhiêu bài học từ những khoản đầu tư không hiệu quả, hay đơn giản vẫn vận hành theo lối “tư duy tiêu tiền nhà nước” – một tư duy đầy nguy hiểm và cần phải chấm dứt.

Vicem, giống như một chiếc bè lớn bị lỗi, sẽ không bao giờ tiến xa được nếu tiếp tục chấp vá bằng những chiến lược nổi bề mặt và thiếu hiệu quả bên dưới. Thực tế, điều cần thiết hơn cả là cần đối phó với thất bại và thực hiện cải tiến chiều sâu tổ hợp từ gốc rễ. Điều này bao gồm việc thay đổi toàn bộ quản trị, xây dựng lại hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của người dân.

Câu chuyện của Vicem không chỉ là bài học cho riêng ngành xi măng, mà còn là lời cảnh tỉnh cho hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác: sự quản trị yếu kém và thiếu trách nhiệm không thể tồn tại mãi mãi trong một xã hội tiến bộ và minh bạch. Vicem cần phải nỗ lực để xây dựng lại nền móng vững chắc cho chính mình – và ngăn chặn việc tự chôn mình trong khối bê tông nợ nần./.

 

No comments:

Post a Comment