Thursday, November 28, 2024

Bộ máy cồng kềnh hành dân là chính

Chuyện Nước Non Mình

Tạo ra “vòng xoáy chạy giấy tờ” của thủ tục hành chánh với mục đích hành hạ dân chúng là mánh khóe để được tham nhũng lót tay, quà cáp của bạo quyền cs VN.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Bộ máy cồng kềnh hành dân là chínhcủa tác giả Châu Nam Việt đăng trên VN Thời Báo sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Châu Nam Việt / VN Thời báo. 

Theo nhiều đánh giá, thủ tục hành chính ở Việt Nam phức tạp và kém hiệu quả hơn so với nhiều nước trong khu vực, dù chi phí quản lý, vận hành rất lớn và tốn kém. Khi bộ máy hành chính hoạt động kém hiệu quả, thiệt hại đầu tiên đối với Nhân dân và doanh nghiệp chính là thời gian.

Để xin các giấy phép kinh doanh, thông thường một doanh nghiệp phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, chỉ vì những quy trình quan liêu không mang lại lợi ích thực tế. Người dân cũng phải xếp hàng hàng giờ, thậm chí chờ đợi nhiều ngày, chỉ để hoàn thành một thủ tục hành chính đơn giản.

Điều này dẫn đến sự lãng phí khổng lồ về nguồn lực. Thay vì dành thời gian để sản xuất, sáng tạo và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp và người dân bị kéo vào vòng xoáy “chạy giấy tờ”. Hậu quả là nguồn lực quốc gia bị tiêu tán, làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng.

Theo số liệu được công bố, 70% chi ngân sách quốc gia được dùng để duy trì bộ máy hành chính, trong khi chỉ có 30% dành cho đầu tư phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư quan trọng như hạ tầng, giáo dục, và y tế đều bị thu hẹp nghiêm trọng.

Hậu quả là, các dự án quan trọng như bệnh viện, trường học và hệ thống giao thông không được đầu tư đúng mức. Việt Nam, thay vì vươn lên cạnh tranh với các nước trong khu vực, thì lại bị kìm hãm bởi một bộ máy hành chính cồng kềnh, tiêu tốn nhiều nguồn lực mà không mang lại hiệu quả tương xứng.

Những kinh nghiệm trực tiếp về sự quan liêu của bộ máy hành chính khiến người dân dần mất niềm tin vào khả năng quản lý của nhà nước. Cảm giác bị “hành là chính” trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Niềm tin suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần xã hội mà còn làm tăng nguy cơ tham nhũng, khi người dân buộc phải “lót tay” để công việc được giải quyết nhanh hơn.

Không khó để đơn giản hoá các bộ máy hành chính. Nếu thực sự muốn tinh gọn các cơ quan nhà nước thì cần phải loại bỏ‌ những chức danh được “cơ cấu” theo kiểu “con quan rồi lại được làm quan”. Nếu không dẹp được tệ‌ nạn đó thì chẳng bao giờ tinh gọn được bộ máy tổ chức. Bộ máy thì cồng kềnh, tuy nhiên người có năng lực không phải “con ông, cháu cha” lại không có cơ hội làm việc, vào biên chế nhà nước.

Trên thực tế, nhà nước cộng sản Việt Nam đã có nhiều đợt cải cách hành chính từ những năm 1990, nhưng bộ máy hành chính vẫn phình to và hoạt động kém hiệu quả. Điều này là do các đợt cải cách hành chính thường chỉ tập trung vào việc thêm hoặc bớt các quy trình mà không giải quyết tận gốc vấn đề. Khi nhu cầu quản lý nhà nước tăng theo cấp số nhân, nếu chỉ cải cách theo kiểu “cộng trừ”, thì sự phình to biên chế là khó tránh khỏi. Thay vì tinh gọn bộ máy và tối ưu hóa quy trình, nhà nước lại bổ sung thêm các vị trí và thủ tục mới, dẫn đến hiện tượng “lạm phát biên chế”.

Bên cạnh đó là sự thiếu minh bạch trong quy trình và trách nhiệm cũng khiến việc cải cách trở nên khó khăn. Không có cơ chế giám sát hiệu quả, các cơ quan hành chính dễ dàng sa vào tình trạng trì trệ. Điều này lại tạo điều kiện cho tham nhũng và các hành vi tiêu cực nảy sinh, khiến hệ thống càng thêm rối ren.

Muốn khắc phục tình trạng này thì chỉ cần cắt giảm các vị trí không cần thiết và tối ưu hóa quy trình làm việc. Công nghệ số cần được áp dụng triệt để để giảm bớt sự can thiệp của con người, tăng tính minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, cân đối lại ngân sách, chuyển phần lớn nguồn lực từ chi tiêu hành chính sang đầu tư phát triển. Việc đầu tư vào hạ tầng, giáo dục và y tế sẽ mang lại lợi ích lâu dài, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo các cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm trước người dân và nhà nước. Việc minh bạch hóa quy trình và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm là yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy. Việc cải cách bộ máy hành chính không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà cần hành động thực tế và quyết liệt. Chỉ khi nào bộ máy nhà nước thực sự tinh gọn và hiệu quả, Việt Nam mới có thể vươn lên trở thành một quốc gia phát triển và thịnh vượng.

 

No comments:

Post a Comment