Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Vân Hà và Hải Vân
1/SƯ MINH TUỆ NGỪNG KHẤT THỰC LẦN THỨ HAI VÌ AN NINH
Sau lần bị cưỡng bức ngừng khất thực đầu tiên xảy ra vào tháng 6 vừa qua, sư Minh Tuệ một lần nữa phải gián đoạn việc tu tập, lần này được cho là “tự nguyện”.
Thông tin sư Minh Tuệ ngừng khất thực được báo chí lề đảng loan tin vào hôm qua 17/11. Lá thư viết tay của sư Minh Tuệ, có chữ ký của vị tu sĩ này, cho biết lý do ngưng khất thực là vì điều kiện “an ninh trật tự và an toàn chính trị” không được bảo đảm.
Đây là lần thứ hai việc tu tập của sư Minh Tuệ bị gián đoạn.Khi đó giới báo chí lề đảng kết hợp với ban tôn giáo nhà nước ra thông báo là ông Lê Anh Tú, tên thật của sư Minh Tuệ, đã “tự nguyện” dừng hoạt động khất thực. Tuy nhiên những người đi theo sư Minh Tuệ cho biết họ bị công an bố ráp và cưỡng bức dừng khất thực, khi đang dừng chân tại tỉnh Thừa Thiên.
Vị tu sĩ này sau đó biến mất trong một thời gian, làm dấy lên nhiều lo ngại về sự an nguy của ông. Một thời gian sau xuất hiện thông tin sư Thích Minh Tuệ về tỉnh Gia Lai để tiếp tục tu tập, nhiều người ủng hộ ông đã kéo đến nhà để tìm gặp.
Hiện tượng sư Minh Tuệ đã thu hút dư luận cả nước trong năm 2024.Vị tu sĩ Phật giáo độc lập được chú ý bởi lối tu hành theo 13 Hạnh Đầu-đà, đòi hỏi người thực hành phải đi khất thực hàng ngày và ngoài đồ ăn ra thì từ chối mọi hình thức cúng dường khác.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức nhà nước hậu thuẫn nhằm mục đích quản lý đạo Phật, đã nhiều lần tuyên bố sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thich-minh-tue-khat-thuc-gia-lai-11172024111523.html
2/ VĂN BÚT MỸ GHI NHẬN LÒNG DŨNG CẢM CỦA BÀ PHẠM ĐOAN TRANG
Bà Phạm Đoan Trang, nhà báo đang thọ án 9 năm tù tại Việt Nam, đã được tôn vinh tại buổi lễ do Văn bút Hoa Kỳ tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Nhà văn bị cầm tù diễn ra hàng năm vào ngày 15/11.
Trong thông cáo báo chí đưa ra trong cùng ngày, Văn bút Hoa Kỳ cho biết là năm nay họ nêu bật trường hợp Phạm Đoan Trang, một nhà văn Việt Nam bị cầm tù, nhằm ghi nhận lòng dũng cảm và cam kết của bà đối với quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, ăn bút Hoa Kỳ cũng qua đó kêu gọi trả tự do cho các nhà văn đang bị giam giữ.
Rủi ro đến với mình bất cứ lúc nào là điều Phạm Đoan Trang biết trước. Trong một đoạn video được chiếu tại buổi hội luận, bà Trang cho biết là khi làm báo mà không theo định hướng là có hậu quả nặng nề. Và khi trở thành nhà đấu tranh thì hậu quả còn ghê gớm hơn nữa.
Cũng tại hội luận này, ông Dinaw Mengestu, tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Ethiopia, đồng thời là phó chủ tịch văn bút Hoa Kỳ,cho biết đây là cách thức mà Văn bút Hoa Kỳ nhắn gửi đến các nhà văn bị cầm tù trên thế giới là tổ chức này vẫn sát cánh cùng quý vị.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an Việt Nam bắt giữ vào năm 2020 và bị tuyên án 9 năm tù vào năm 2021. Bà cũng tham gia viết những báo cáo song ngữ về tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam mà nổi bật là Báo Cáo Đồng Tâm viết về vụ công an cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội vào năm 2020 gây phẫn nộ trong dư luận.
Bà đã nhận nhiều giải thưởng về các hoạt động nhân quyền của thế giới.Tại đêm trao giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey 2024 vào hôm 16/5 ở New York, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ vinh danh bà và gọi bà là “nhà văn, nhà hoạt động tiêu biểu trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác ở Việt Nam”.
3/ NGA TẤN CÔNG DỒN DẬP VÀO MẠNG LƯỚI NĂNG LƯỢNG UKRAINE
Sáng sớm hôm qua 17/11, quân Nga đã phóng 120 phi đạn và 90 drone tấn công mạng lưới cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine.
Đây là vụ tấn công quy mô nhất từ nhiều tháng qua khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Thủ đô Kiev cũng bị tấn công và ít nhất 3 vùng của Ukraine bị mất điện. Trận không kích ồ ạt đến mức nước láng giềng Ba Lan phải điều chiến đấu cơ để chuẩn bị nghênh chiến.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân Nga đã huy động nhiều loại drone cũng như các loại phi đạn tầm xa và phi đạn bắn từ máy bay. Tất cả các vùng ở Ukraina đều bị nhắm đến, từ thủ đô Kiev đến cảng Odessa ở miền nam cũng như các vùng miền tây và miền trung.
Nga vẫn oanh kích các công trình năng lượng của Ukraine khi mùa đông tới để buộc người dân chịu đựng giá rét. Vụ tấn công ồ ạt lần này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Zelensky cho biết muốn kết thúc chiến tranh bằng đường lối ngoại giao vào năm 2025.
Trước loạt tấn công lần này, Nga phóng drone tự sát trong suốt nhiều tuần, chủ yếu để làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine nhằm chuẩn bị cho những cuộc tấn công mạnh bạo nói trên.
Thiệt hại vẫn đang được đánh giá trên cả nước nhưng chắc chắn là có nhiều nạn nhân. Tại thủ đô Kiev, nơi phải hứng chịu hai đợt tấn công, còi báo động kéo dài suốt hơn 5 tiếng và có hai người bị thương cùng nhiều thiệt hại vật chất.
Lực lượng phòng không Ukraine cho biết đã bắn hạ 140 drone và phi đạn. Chính quyền Kiev cũng cảnh báo Nga đã tích trữ đủ phi đạn để tiến hành nhiều vụ ấn công khác có quy mô như lần này.
Đợt tấn công ồ ạt của Nga nhắm vào Ukraine đã buộc chiến đấu cơ của Ba Lan và các đồng minh xuất kích để bảo vệ không phận Ba Lan. Để tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, lãnh đạo nhóm G7, hiện do Ý giữ chức chủ tịch luân phiên, ra thông cáo chung ngày 16/11, nội dung tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga thông qua kiểm soát xuất cảng và nhiều biện pháp khác.
4/ QUÂN ĐỘI NHẬT SẼ HUẤN LUYỆN VỚI ÚC VÀ MỸ Ở CẢNG DARWIN
Mỹ, Úc và Nhật Bản đã thắt chặt hợp tác quân sự để đối phó với mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép ở trong vùng. Vào ngày 17/11 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Úc Richard Marles cho biết quân đội Nhật Bản sẽ được triển khai thường xuyên ở miền bắc Úc trong khuôn khổ hợp tác quân sự ba bên.
Trong buổi họp báo trực tuyến sau đối thoại 3 bên lần thứ 14, ông Richard Marles cho biết một lữ đoàn triển khai nhanh của Nhật sẽ đến Úc, cụ thể là hải cảng Darwin.
Cảng Darwin, thủ phủ miền bắc nước Úc, đã đón khoảng 2 ngàn thủy quân lục chiến Mỹ mỗi năm.Việc quân đội Nhật triển khai ở cảng Darwin cũng có ý nghĩa đặc biệt vì Darwin là căn cứ chính của lực lượng đồng minh trong Thế chiến II và đã bị quân Nhật ném bom dữ dội.
Về phía Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, tin rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Úc các năng lực được nêu trong thỏa thuận AUKUS, trong đó có tàu ngầm hạt nhân. Ông cũng trấn an các đồng minh là bộ quốc phòng Mỹ đang tập trung vào quá trình chuyển tiếp suôn sẻ cho chính quyền của tổng thống tân cử Donald Trump.
Cần biết là cả ba nước đều lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vào tháng 9 vừa qua, quân đội Trung Cộng đã phóng một phi đạn liên lục địa ở Thái Bình Dương, khiến nhiều nước trong vùng quan ngại.
Tại cuộc họp ba bên gần đây nhất ở Singapore vào tháng 6 vừa qua, Nhật, Úc và Mỹ đều bày tỏ quan ngại về an ninh ở biển Hoa Đông và phản đối mọi hành động đơn phương gây bất ổn và cưỡng ép.
No comments:
Post a Comment