Friday, November 15, 2024

Trận ác đấu giữa đại bàng và rồng đỏ

Bàn Ngang Tán Dọc

Sự kiện: Từ việc TT tân cử Donald Trump chọn những nhân vật vào nội các tương lai đến những hoạt động ngoại giao của Tập Cận Bình, báo hiệu một trận ác đấu giữa Chim Đại Bàng và Con Rồng đỏ sẽ rất hấp dẫn....

Kịch Bản:

HS- Chào anh BC và MN. HS đề nghị hôm nay chúng ta tạm gác chuyện cung đình nhà sản tiếp tục đấu đá nội bộ và đàn áp nhân quyền ở VN một kỳ, để nhìn rộng ra thế giới xem có gì hấp dẫn không. Anh chị có đồng ý không?

BC- Chào anh HS và MN. BC đồng ý, nhưng hiện nay trên thế giới có quá nhiều chuyện đáng cho chúng ta bàn đến, vậy theo anh chị thì chuyện nào chúng ta nên nói tới hôm nay?

MN- Chào hai anh. MN nghĩ rằng chuyện nào có ảnh hưởng lớn trên thế giới và ít được nhắc đến thì chúng ta nên tìm hiểu. Hai anh nghĩ sao?

HS- Theo hai tiêu chuẩn MN vừa đề nghị, thì HS thấy có hai sự kiện thích hợp với hai đề nghị ấy, một là HK và TC dàn trận cho một cuộc ác chiến trong tương lai và hai là APEC  họp tại Peru. Anh chị thấy thế nào?

BC- OK. BC thấy hai sự ấy rất gần với nhau, nên chúng ta đồng ý như vậy đi. Trước nhất nói về APEC, đó là chữ viết tắt của Asia-Pacific Economic Cooperation, có nghĩa là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này thành lập năm 1989, bao gồm 21 quốc nằm trên vành đai Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, có các nước lớn như Mỹ, Trung Cộng, Nhật Bản,…9 nước khác có trong nhóm G20.  

MN- Theo các dữ liệu MN có được thì APEC chiếm hơn 38% dân số thế giới, 62% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) và 48% thương mại quốc tế. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Năm 2024 Peru được đăng cai hội nghị lần thứ 21 của APEC. Đây là lần thứ ba Peru đứng tổ chức, hai lần trước là vào năm 2008 và 2016.

HS. Đúng vậy. Từ năm 2023 đến nay, APEC đã có tổng cộng 160 cuộc hội nghị liên quan đến APEC. Hôm nay và ngày mai, 15-16 tháng 11 này, nhiều nguyên thủ quốc gia sẽ tới thủ đô Peru là Lima để tham dự hội nghi, trong ấy có Tập Cận Bình  và cả TT Mỹ là Joe Biden nữa. Đây có lẽ là cuộc gặp nhau vào cuối nhiệm kỳ của TT thứ 46 của Mỹ, trước khi bàn giao chính quyền cho TT tân cử 47 là ông Donald Trump.

BC- Quả thật sự kiện này đáng cho chúng ta lưu ý, vì sau khi ông Donald Trump được tuyên bố đắc cử, ông đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Chỉ cần nhìn vào những người được ông Trump chọn để nắm giữ các chức vụ then chốt, chúng ta cũng đóan được chính sách đối nội, đối ngoại trong tương lai của chính quyền Donald Trump. Đặc biệt là vị trí ngoại trưởng, nếu TNS Marco Rubio được chnẩn thuận.

MN- MN nghĩ rằng với đa số CH ở thượng viện, phần lớn những đề cử của Ông Donald Trump sẽ được thông qua, kể cả những người ít được biết đến như ông Pete Hegseth được đề cử nắm Bộ Trưởng Quốc Phòng, TNS Marco Rubio nắm Bộ Ngoại Giao, DB  Elise Stefanik, đại sứ tại LHQ, ông Mike Waltz cố vấn An Ninh Quốc Gia.... đều là thành phần “diều hâu” và có lập trường cứng rắn với TC cả. Rõ ràng ông Trump đang bày thế trận để đối đầu với TC chứ gì nữa. Hai anh có thấy vậy không?

HS- Việt Nam ta có câu “vỏ quít dày, có móng tay nhọn”, hay “cua có gọng, bớp có gan”. Tính toán là một chuyện, còn thực hành lại là một chuyện khác à. TC cũng đâu có vừa, cứ nhìn vào thực lực quân sự, kinh tế thương mại, ngoại giao của Tàu Công hôm nay thì rõ. Về quân sự, mặt kỹ thuật có thể còn thua Mỹ, nhưng về số lượng lục quân, hải quân và cả không quân nữa thì TC đã bỏ xa Mỹ rồi. TC đã sản xuất được các chiến đấu cơ tàng hình, vận tải cơ cỡ lớn, và sắp sản xuất hàng loạt máy bay thương mại nữa đấy. Điều đáng nói là tất cả kỹ thuật này đều đến từ Âu Mỹ cả đấy!

BC- Về mặt ngoại giao, TC vẫn khống chế vùng Đông Nam Á, hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, đang đẩy mạnh khai thác vùng Bắc Cực. Còn Phi Châu thì khỏi nói, hơn một nửa số quốc gia ở Phi Châu chịu sự ảnh hưởng của Tàu Cộng. Liên Âu vẫn không dám rời xa TC. Tại sao? Đăc biệt vùng Mỹ Châu La Tinh, là sân sau của Mỹ, hiện nay những nước lớn như Brasil, Argentina, Peru và nhiều quốc gia trong vùng đã ngả theo TC đấy. Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh có nguồn tài nguyên dồi dào sẽ giúp TC phát triển cả kinh tế lẫn quân sự đấy!

MN- Đúng như hai anh phân tích. Hôm qua, 14/11/2024 đích thân Tập Cận Bình cùng TT  Pêru là Dina Boluarte khánh thành cảng biển nước sâu Chancay, chỉ cách thủ đô Lima 80 KM. Cảng trị giá hàng tỷ đô do tập đoàn Cosco Shipping Ports của TC đầu tư và xây dựng. Cảng có thể tiếp nhận các tầu hàng lớn nhất thế giới, vận chuyển đến 24 ngàn container. Với cơ sở này, thời gian vận chuyển từ TC đến Nam Mỹ chỉ mất 20 ngày thay vì một tháng. Và TC không phải lệ thuộc vào cảng Rio Grande của Mỹ và các cảng khác ở Bắc Mỹ nữa.

HS- Còn về mậu dịch thì giữa TC và các nước trong vùng đã tăng gấp 35 lần từ năm 2002, để đạt  500 tỷ đô vào năm 2022, như thế Bắc Kinh đã qua mặt Washington trở thành đối tác kinh tế hàng đầu tại chín quốc gia vùng nam Mỹ, trong đó có Brazil, Argentina và Peru. Trao đổi thương mại sẽ đạt mức 700 tỷ đô vào năm 2035. Với sự bành trướng của TC như thế, chẳng lạ gì Hoa Kỳ phải tăng tốc để bảo vệ vị trí hàng đầu của HK chứ.

BC- Đó chỉ là một phần trong chính sách đối ngoại thôi, còn những hồ sơ khác thuộc nhưng khu vực địa chính trị, như cuộc khủng hoảng giữa Do Thái-Iran và các nhóm võ trang do nước này tài trợ ở Trung Đông. Cuộc xâm lược Ukraine. Sư căng thẳng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Bất đồng giữa Liên Âu và Hoa Kỳ về nhiều hồ sơ, rồi vai trò của NATO, rồi nhóm BRICS mới nổi, muốn làm suy yếu đồng Dô La của Mỹ  v.v. .. Chắc chắn chính quyền của ông Donald Trump không thể giải quyết tất cả những khó khăn vừa nêu ra một lần được, nên phải chọn ưu tiên số một là nhắm vào TC trước hết là như thế.

MN- Đối ngoại đã vậy, đối nội cũng sẽ gặp vô số chông gai trước mắt. Coi bộ đề tài này chúng ta có thảo luận cả tháng cũng không hết đâu. MN có việc phải đi, nên đề nghị chúng ta tạm dừng tại đây hôm nay được không?

HS- OK. Lần tới chúng ta sẽ bàn đến thế trận của Con Rồng Đỏ để xem cuộc chiến giữa Đại Bàng và Rồng Đỏ diễn tiến ra sao. Chắc chắn sẽ vô cùng hấp dẫn anh chị ạ!

 

No comments:

Post a Comment