Saturday, November 23, 2024

Nhà giáo Hà Mai Anh

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một nhà giáo khả kính trong 3 thập niên dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Cụ có lối sống thanh bạch đầy tiết tháo, thể hiện sự cao quý của một nhà giáo tận tâm, đem cả tấm lòng mình ra dạy dỗ học trò trong các môn học, đặc biệt về những bài học đạo đức với nội dung hướng thượng. Ngoài ra, Cụ còn là tác giả của nhiều sách giáo khoa và là dịch giả nhiều cuốn sách phổ biến ở Sài Gòn. Riêng tác phẩm “Tâm hồn Cao thượng” do Cụ chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, đã đi vào lòng người, mãi đến nay vẫn còn in dấu.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhà giáo Hà Mai Anh” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thôi thế là xong nhé bác Hà,

Tâm hồn Cao thượng kiếm đâu ra?

Tuổi Xanh đất Mỹ đành thua thiệt,

Sống Mới trời Nam hẳn xót xa.

Về với gia đình sao vội vã?

Vòng quanh thế giới há lâu la!

Đồng hương, đồng quận, thêm đồng nghiệp,

Giọt lệ như sương khóc bạn già.

Đó là 8 câu thơ khóc bạn Hà Mai Anh của nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo.

Nhà giáo Hà Mai Anh sinh năm 1905 tại Thái Bình, bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học và Sư Phạm, từng làm Hiệu trưởng ở các tỉnh Bắc Kỳ. Cụ đóng góp nhiều bài vở cho các tờ báo đương thời, sự nghiệp văn học của Cụ chủ yếu là sách giáo khoa và các tác phẩm mang tính giáo dục.

Ngay từ năm 1938, cuốn Công dân Giáo dục của Cụ xuất bản tại Nam Định, được Chính phủ Bảo H chấp thuận làm sách giáo khoa. Sau đó, Cụ dịch thuật nhiều tác phẩm, nổi tiếng nhất là cuốn Tâm hồn Cao thượng, đã đoạt Giải thưởng Văn Chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội vào năm 1943 (dịch từ tiếng Pháp). Nguyên thủy cuốn sách này viết bằng tiếng Ý của Edmondo De Amicis. Tại Việt Nam, sách này được xem như một cuốn luân lý giáo khoa thư của thế kỷ 20, và trở thành "kim chỉ nam" của thanh thiếu niên thời bấy giờ.

Các tác phẩm khác do ông dịch lại từ tiếng Pháp: Vô gia đìnhTrong gia đình và Về với gia đình của Hector Malot. Các cuốn Guy Li Ve du ký của Jonathan Swift, Thuyền trưởng 15 tuổi và 80 ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne cũng được nhiều người biết đến.

Năm 1954, Cụ di cư vào Nam làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quý Cáp. Sau đó chuyển sang làm việc trong Ban Tu Thư và Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Cụ được trao tặng Giáo Dục Bội Tinh, Giải nhất giải Dịch thuật Pháp Văn của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa năm 1970.

Sau ngày 30/4/1975, Cụ Hà Mai Anh sang Hoa Kỳ tỵ nạn cộng sản, đến ngày 20/8/1975, Cụ từ trần tại San Berrnadino, hưởng thọ 70 tuổi.

*****

Khi xưa, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mang tâm trạng của một chinh phụ khi chồng là Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa, vì giặc giã, giao thông cách trở và ngày đêm mong chờ, nên đem tâm tư, tình cảm để dệt thành áng văn bất hủ. Sau 2 thế kỷ, nhà giáo Hà Mai Anh cảm nhận được sự cao quý trong tâm hồn, nên chọn tác phẩm Les Grandes Coeurs của nhà văn Ý Edmondo De Amicis để gửi gấm niềm ước mong của mình cho tâm hồn trẻ thơ làm hành trang vào đời. Xin trích một đoạn văn cảm động của người cha gửi cho đứa con trong cuốn Tâm hồn Cao thượng:

An Di ơi,

Mỗi khi bất đắc dĩ cha phải phạt con, thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi, nên cha mới phải làm cho con khóc… Lòng cha vẫn thương con, vì con là niềm hy vọng quý báu nhất đời của cha… Con nên nhớ rằng, lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người… Công cha, nghĩa mẹ muôn đời còn ghi.

Nhà giáo Hà Mai Anh được xem là vị thầy muôn thuở, một nhà giáo dục gương mẫu, một người đã trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Trong giờ dạy sử địa, Cụ thường nhắc nhở học trò về đất nước Việt Nam lấy sự phát triển nông nghiệp làm căn bản. Cụ khuyên học trò nên hướng việc học của mình vào kỹ thuật và nhất là về nông nghiệp. Cụ cho rằng, đó là sự đóng góp cho quốc gia tích cực và thực tiễn nhất.

Thời gian gần đây, rất nhiều con cháu mang giòng máu của nhà giáo Hà Mai Anh đã gióng lên tiếng chuông báo động về đạo đức suy đồi trong xã hội VN, đặc biệt trong nghành giáo dục. Nhiều trường học bắt phụ huynh phải đóng tiền phụ trợ cho thầy cô. Thậm chí, một giáo viên trường Tiểu học Chương Dương ở quận Nhất xin tiền phụ huynh mua laptop không được, liền quay sang chưởi bới với lời lẽ thô tục, không soạn đề cương ôn tập cho học sinh và không giảng bài, chỉ dạy qua loa cho “qua quận”. Và nhất là ông Bộ trưởng bộ Giáo Dục xử “chìm xuồng” vụ ông Thích Chân Quang (không có bằng Tú tài mà có bằng Tiến sĩ) thì giáo viên này cũng “cá mè một lứa” thôi. Mặc dù biết rõ sự việc, nhưng các cán bộ trong guồng máy CSVN vẫn lặng thinh, ngậm miệng cho xong chuyện. Điều này sẽ làm hư hỏng cả thế hệ trẻ.

Thôi thì! Xin gửi một nén hương lòng đến hương linh của nhà giáo Hà Mai Anh, một vị thầy khả kính, trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.

No comments:

Post a Comment