Friday, November 29, 2024

Càng tinh gọn càng cồng kềnh nặng nề thêm!

Quan Điểm

Hôm 25/11/2024 ông Tổng Bí thư Tô Lâm lại nhấn mạnh đến chủ trương tinh gọn hệ thống chính trị của nhà nước CSVN. Việc này đã được nói đến từ lâu, liệu lần này ông có làm được hay không? Mời quí thinh giả theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về chủ trương này, qua sự trình bày của Hải Nguyên

Thưa quí thính giả,

Hôm Thứ hai, 25/11/2024, bản tin VNExpress có đoạn như sau, (xin trích) Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại Hội Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 12, Trung Ương đã ban hành Nghị Quyết số 18 về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. (Hết trích).

 Ông Tô Lâm cũng cho biết: (xin trích)  "đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động.

Nói như thế, nhưng có thực hiện được hay không lại là một chuyện khác. Trước hết là sự chồng chéo giữa hai cơ cấu song hành, là đảng CS cầm quyền, cơ quan tối cao đưa ra chính sách, đường lối để chính quyền hay nhà nước thi hành. Thứ hai, hãy nhìn vào tổ chức nhà nước hiện nay với với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Trong ấy ở thượng tầng chính phủ là 1 thủ tướng với 5 phó thủ tướng. Mỗi bộ có 1 bộ trưởng và có từ 3 đến 5 thứ tưởng nữa. Mỗi bộ lại có các ban ngành hết sức rườm rà chồng chéo đan xen vào nhau rất phức tạp. Nếu muốn tinh gọn, nói nôm na là cắt tỉa bớt cành, bớt nhánh đi, không phải là chuyện dễ. Đúng như ông Tô Lâm nói việc này đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại Hội Đảng rồi, nhưng đâu lại hoàn đấy!

Nhìn sâu hơn, chúng ta thấy hiện nay, hệ thống chính trị của Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề chồng chéo và bất cập giữa các cơ quan và quy định pháp luật. Một số lĩnh vực trong hệ thống pháp luật có sự trùng lặp và xung đột giữa các quy định, làm giảm hiệu quả trong quản lý và điều hành. Điều này thấy rõ ở các quy trình lập pháp, việc phải sửa đổi và bổ sung luật liên tục dẫn đến tình trạng bất nhất và gây hiểu nhầm khi thi hành. Ngoài ra, một số địa phương còn có hiện tượng ban hành văn bản trái với quy định của luật, khiến chính quyền trung ương phải tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ, để tránh các vi phạm.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, việc quan trọng là phải tách bạch hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam khỏi hệ thống hành chính nhà nước. Tất nhiên đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi thay đổi căn bản trong hệ thống chính trị của Việt Nam; vì hiện tại, Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo duy nhất, qui định bởi Điều 4 Hiến Pháp, và Đảng giữ vai trò chỉ đạo trực tiếp hệ thống hành chính nhà nước ở các cấp. Muốn tách rời, ắt phải chấp nhận một cuộc cách mạng toàn diện, mà trở ngại lớn nhất, vẫn là điều 4 Hiến Pháp.

Sau quá trình cai trị lâu dài của đảng CS, VN hiện khó nổ ra một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, vì vậy khuynh hướng tiệm tiến là giải pháp đang được một số người nói đến. Những bước tiệm tiến được đề nghị gồm:

1.   Rà soát và tổ chức lại bộ máy hành chính: Xác định và loại bỏ các vị trí, cơ quan có chức năng nhiệm vụ trùng lặp.

2.      Thực hiện phân quyền và tăng cường tự chủ ở các địa phương: Chính quyền địa phương nên được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong quản lý và quyết định chính sách, giảm bớt sự phụ thuộc vào các cơ quan cấp trên.

3.      Xây dựng một hệ thống pháp luật rõ ràng, thống nhất: Tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy định hiện hành trong luật pháp Việt Nam đang gây ra nhiều khó khăn trong thực thi.

4.      Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước: Giúp chuyển đổi số trong quản lý sẽ cải thiện tính minh bạch và hiệu quả hoạt động.

5.      Đổi mới cơ chế giám sát và đánh giá cán bộ: Cần có các tiêu chuẩn giám sát và đánh giá hiệu quả công việc minh bạch, khách quan.

6.      Thực hiện mô hình thí điểm và đánh giá định kỳ: Có thể tiến hành các mô hình thí điểm tinh giản và đánh giá định kỳ hiệu quả của các mô hình mới trước khi áp dụng rộng rãi. Việc này sẽ giúp xác định các giải pháp hiệu quả, phù hợp với từng địa phương và cơ quan

7.      Trả lại quyền hạn của Quốc Hội theo như điều 69,70... Hiến Pháp 2013: Đây làđiểm then chốt của việc cải tổ, vì Hiến Pháp không thể đứng sau Nội Qui của đảng CS được!  

Theo đề nghị trên thì Quốc Hội phải có quyền tối thượng trong việc soạn thảo luật, kiểm soát chính phủ, phê duyệt ngân sách, giám sát việc thực hiện các dự án, và đặt ra các tiêu chuẩn trách nhiệm cao hơn đối với các cơ quan hành pháp...vân vân. Hiện nay, Quốc Hội có quyền giám sát các hoạt động của Chính phủ, song mức độ giám sát và thẩm quyền còn rất giới hạn.

Muốn trả lại quyền của Quốc Hội theo đúng Hiến Pháp, phải có tự do bầu cử và ứng cử, để các đại biểu quốc hội là đại diện của mọi khuynh hướng, phản ảnh ý nguyện của toàn dân. Thế nhưng, để đạt được điều mục tiêu này thì phải hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp.Đồng thời cũng phải thả tất cả các tù nhân chính trị bị giam giữ vì phản đối điều khoản phi lý, phản dân chủ này.

Đây là một thách thức đối với đảng CSVN hiện nay, nhưng chắc chắn là điều mà tuyệt đại đa số người dân VN mong muốn.

Chắc chắn ông Tô Lâm đã nhìn thấy cái nút thắt ấy ở chỗ nào, và cũng đã nghĩ đến những phương cách tháo gỡ cái nút thắt ấy.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu ông Tô Lâm và Bộ Chính Trị đảng CSVN thật tâm muốn phục vụ đất nước và dân tộc này như các ông vẫn huênh hoang lâu nay, thì đây là một cơ hội tốt để tiến hành một cuộc đổi mới thật sự, hầu mở ra một trang sử mới cho tương lai của VN. Các ông có dám làm hay không? Trái banh đang ở trong chân các ông đấy!

Cảm ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

 

No comments:

Post a Comment