Chọn đại diện nhân dân có quyền nêu ý kiến về mọi sách lược của nhà cầm quyền chỉ là một trong nhiều trò của “thủ thuật dân chủ” của đảng cs VN. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:"Vấn ý và loại “nhân dân” nào được quyền nêu ý kiến?" của Trân Văn qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Trân Văn.
Góp ý của Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Kiến trúc sư
(PGS TS KTS) Nguyễn Quang Minh, làm việc tại Khoa Kiến trúc và Quy hoạch của
trường Đại học Xây dựng Hà Nội về Dự án xây dựng Nhà hát Opera ở Hồ Tây chỉ tồn
tại trên trang web của tờ Lao Động chừng mười phút rồi bị xóa sạch dấu vết.
Dẫu chưa rõ vì sao ông Minh bị bịt miệng (do
tờ Lao Động tự ý đục bỏ hay do những áp lực từ bên ngoài và từ… bên trên khiến
một cơ quan truyền thông chính thức phải trở gót) nhưng chuyện đục bỏ góp ý của
một cá nhân như ông Minh cho thấy việc tổ chức “lấy ý kiến nhân dân”
(1), kêu gọi “nhân dân góp ý” vẫn chỉ là… “thủ thuật dân chủ”!
***
Trong bài viết gửi cho tờ Lao Động và được tờ
báo này giới thiệu trên mục Bạn đọc hôm 25/7/2022 với tựa “Chuyên gia ‘mổ
xẻ’ hàng loạt bất cập về Dự án xây dựng Nhà hát Hồ Tây”, ông Minh nêu ra và
phân tích dự án có tới mười điểm bất cập về: Luật pháp, Quy hoạch, Kiến
trúc, Xây dựng, Cảnh quan, Môi trường, Sinh thái, Văn hóa, Lịch sử, Xã hội.
Ông lưu ý: Còn biết bao công việc
thiết yếu đối với dân sinh vẫn đang ngổn ngang, bao năm qua chưa được khắc
phục như tắc đường, ngập úng, ô nhiễm,… việc xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây
hoành tráng quả thực là một quyết định chưa hợp lòng dân, có thể đào sâu khoét
rộng những mâu thuẫn lợi ích đang tồn tại đâu đó trong xã hội. Khi mức thu nhập
và phẩm chất cuộc sống của người dân Thủ đô sau này bằng nửa Singapore ngày hôm
nay thì việc xây dựng Nhà hát Opera có lẽ sẽ không ai phản đối.
Đồng thời nhấn mạnh: Xây dựng ở đâu
thì xây dựng, hãy tránh xa Hồ Tây và những khu vực tương tự có giá trị lớn về
nhiều mặt cần phải được gìn giữ và bảo tồn, tôn tạo. Quỹ đất ở Hà Nội hãy còn
và không thiếu những địa điểm thích hợp cho những dự án văn hóa quy mô lớn như
thế!..
Giờ, muốn biết toàn bộ ý kiến của ông Minh thì
chỉ còn một cách, tìm trên mạng xã hội. Cỡ như ông Minh – một PGS TS KTS đang
giảng dạy tại Khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Xây dựng Hà Nội – mà còn
bị bịt miệng như thế thì việc công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực
trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó có Nhà hát nằm trên hồ Đầm Trị sát Hồ
Tây để… “lấy ý kiến nhân dân” là… thiệt hay giả?
***
Hạ tuần tháng rồi, cùng lúc với việc công
bố Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, trong
đó có Nhà hát nằm trên hồ Đầm Trị sát Hồ Tây để… “lấy ý kiến
nhân dân”, chính quyền thành phố Hà Nội còn công bố “Chiến lược phát
triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội”.
Lõi của chiến lược vừa đề cập là việc tái lập
hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn xóm – hệ thống mà dân chúng
Việt Nam vẫn ví von là… “loa phường”. Trong khi chính quyền thành phố Hà Nội
biện bạch, tái lập hệ thống loa phường nhằm “nâng hiệu quả công tác tuyên
truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội” thì dân chúng nghĩ khác,
muốn biết họ nghĩ như thế nào, cứ dùng Google là rõ.
Rồi vì “chiến lược” bị chỉ trích kịch
liệt, một số viên chức hữu trách bắt đầu… “tự bào chữa” theo kiểu họ đã từng“tự
bào chữa” cho các chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án trước đó… “hầu hết
người dân trên địa bàn đều có ý kiến tích cực” vì “qua hệ
thống loa truyền thanh họ nắm bắt được thông tin cần thiết, hữu ích”….
Không chỉ dân chúng nổi giận, nhiều cơ quan
truyền thông chính thức cũng nổi giận. Chẳng hạn báo điện tử Một Thế Giới giới
thiệu… “Đề nghị ưu tiên lắp loa phường công suất lớn gần nhà cán bộ thủ đô”.
Tuy nhiên giống như góp ý của PGS TS KTS Nguyễn Quang Minh về Dự án xây
dựng Nhà hát Hồ Tây, góp ý “ưu tiên lắp loa phường công suất lớn
gần nhà cán bộ thủ đô” đã bị đục bỏ.
***
Cam kết tôn trọng và thực thi “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” khai sinh việc tổ chức “lấy ý kiến nhân
dân”, mời gọi “nhân dân đóng góp ý kiến” cho đủ thứ chủ trương,
chính sách, kế hoạch, dự án nhưng thực tế ứng xử và tiếp nhận chứng minh tất cả
chỉ là… “thủ thuật dân chủ” của xứ “dân chủ gấp vạn lần tư bản”,
nơi rất thạo việc phân loại nhân dân để chọn… đại diện nhằm… “lắng nghe”.
No comments:
Post a Comment