Tuy chuyến thăm viếng Đài Loan của nữ chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Pelosi làm TQ dương oai diệu võ nhưng mục đích thực sự của Tập Cận Bình chỉ là khơi dậy tinh thần dân tộc quá khích hầu củng cố quyền lực cá nhân. Họ Tập sẽ không dám tấn công Đài Loan vì sự thảm bại của bá quyền Nga Sô tại Ukraine đang là bài học nhãn tiền cho CSTQ.
Mời quý thính
giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Trung
Quốc và Mỹ có ‘choảng’ nhau vì Pelosi?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương
trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Không ngoài dự đoán,
Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy
Pelosi để gia tăng áp lực quân sự đối với đảo quốc Đài Loan và công khai thách
thức Hoa Kỳ, đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xuống đáy vực. Bóng ma
chiến tranh ám ảnh hơn bao giờ, nhưng một cuộc xung đột quân sự Trung-Mỹ có
tránh được hay không?
Chủ Tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đang cố chứng tỏ với người dân Hoa Lục rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc
không ngán Hoa Kỳ và sẵn sàng “chơi rắn” để “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ.” Toan tính đó của ông Tập có thể giúp ông củng cố quyền lực của đảng Cộng
Sản, giúp ông giành thêm được nhiệm kỳ thứ ba nhưng đang đặt cả thế giới vào
một tình huống hết sức nguy hiểm.
Quan hệ giữa Trung Quốc
với Hoa Kỳ và Đài Loan ngày càng căng thẳng. Các nhà quan sát cho rằng, hành
động của Bắc Kinh – từ tập trận rầm rộ đến cắt đứt liên lạc – không phải là
phản ứng tức thời với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi mà là một kế hoạch
được chuẩn bị từ lâu, phối hợp nhiều ngành quân sự và dân sự, tính cả việc ngăn
chặn tiếp viện cho hòn đảo. Đến lúc này, Trung Quốc đã lộ bài, các chỉ huy quân
đội Hoa Kỳ, Nhật, và nhiều nước khác đang theo dõi sát để biết chắc Trung Quốc
sẽ làm gì khi nổ ra xung đột vũ trang.
Trong mưu đồ tiêu diệt
khối Cộng Sản Liên Xô, năm 1972, Tổng Thống Richard Nixon và Ngoại Trưởng Henry
Kissinger của Mỹ đã “tháo cũi sổ lồng” cho con cáo già Trung Quốc, kéo Bắc Kinh
ra khỏi tình trạng bị cô lập và chấp nhận một nguyên tắc hết sức tai hại “một
Trung Quốc,” bất chấp ý nguyện của người dân Đài Loan.
Ông Đặng Tiểu Bình, người
sau này lên cầm quyền ở Trung Quốc, là một nhà chính trị thực dụng và có viễn
kiến. Ông khuyến cáo đảng Cộng Sản Trung Quốc giấu mình chờ thời và chính ông
là người đưa ra mô thức “một quốc gia, hai chế độ” khi Hồng Kông được Vương
Quốc Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Ông Đặng muốn dùng trường hợp Hồng
Kông – hợp nhất với Trung Quốc về lãnh thổ nhưng tự trị trong 50 năm – như một
giải pháp thu hút người dân Đài Loan “trở về” với Trung Quốc lục địa.
Quan hệ hai bờ eo biển
Đài Loan ấm lên dưới thời các hai chủ tịch kế nhiệm, ông Giang Trạch Dân và ông
Hồ Cẩm Đào. Hàng ngàn nhà tư bản Đài Loan tới Trung Quốc mở nhà máy, xí nghiệp,
đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Hoa Lục. Hàng triệu
du khách Trung Quốc sang thăm Đài Loan, tận mắt chứng kiến cuộc sống tự do mà
trong nước họ không được hưởng. Năm 1997, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Newt
Gingrich, cùng chức vụ với bà Pelosi hiện nay, đi thăm Đài Bắc, gặp gỡ Tổng
Thống Lý Đăng Huy mà không có vấn đề gì. Hồi đó, ông Gingrich thăm Bắc Kinh
trước, rồi Thượng Hải, rồi Tokyo, Nhật, và “từ đây” bay vào Đài Bắc.
Quan hệ êm thắm giữa Bắc
Kinh và Đài Bắc lên tới đỉnh điểm dưới thời Tổng Thống Mã Anh Cửu của Đài Loan,
khi Quốc Dân Đảng do ông lãnh đạo xóa mối thù truyền kiếp với đảng Cộng Sản
Trung Quốc và nối lại quan hệ. Triển vọng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc
bằng phương thức hòa bình tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm 2012, ông Tập Cận
Bình được bầu làm lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và lập tức đảo ngược đường
lối của ông Đặng Tiểu Bình.
Trung Quốc hiện nguyên
hình là một đế quốc Cộng Sản hiếu chiến, đầy thủ đoạn thâm độc với mục tiêu duy
nhất là trở thành bá chủ thế giới, vượt qua Hoa Kỳ và phương Tây trong mọi lĩnh
vực.
Với Đài Loan, triển vọng
thống nhất trong hòa bình coi như tan vỡ sau khi ông Tập thẳng tay tước đoạt
các quyền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông, vứt bỏ mô thức “một quốc gia,
hai chế độ” vào sọt rác. Người Đài Loan nhìn cảnh ngộ của người Hồng Kông mà lo
sợ. Những chiến dịch cô lập về ngoại giao, chèn ép kinh tế Đài Loan của ông Tập
càng làm cho người dân đảo quốc này chán ghét Cộng Sản Trung Quốc và quyết bảo
vệ quyền sống tự do của mình. Đảng Dân Chủ Tiến Bộ của nữ Tổng Thống Thái Anh
Văn giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc bầu cử từ năm 2016 đến nay phản ánh
nguyện vọng đó.
Dài dòng như vậy để thấy
ông Tập Cận Bình đã bỏ lỡ cơ hội thâu tóm Đài Loan trong hòa bình mà chuyển
sang sử dụng sức mạnh cưỡng bức và đe dọa. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài
Loan như vậy là do mưu đồ bành trướng và tư tưởng thượng tôn vũ lực của ông
Tập, chẳng phải vì Hoa Kỳ và càng chẳng phải vì bà Pelosi. Căng thẳng Đài Loan chỉ
có thể dịu xuống khi nào ông Tập thay đổi quan niệm hoặc một nhà lãnh đạo ôn
hòa hơn lên thay thế ông.
Bây giờ thì Trung Quốc
thực hiện thao diễn quân sự rầm rộ, khoe khoang vũ khí tân tiến để dọa Đài Loan
và Hoa Kỳ. Giới quân sự diều hâu Trung Quốc tin rằng ngày nay Bắc Kinh chẳng
cần phải e dè mà phải biểu dương sức mạnh của một cường quốc bá chủ khu vực.
Có điều, cuộc chiến đang
diễn ra ở Ukraine chứng tỏ trong thế giới ngày nay các nhà độc tài không thể
tùy tiện sử dụng súng đạn để áp đặt ý muốn bành trướng của mình. Đánh Đài Loan,
Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn là được, và hành động diễu võ giương oai của ông
Tập chẳng qua là để thỏa mãn tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân chúng trong nước
hơn là để gây ra một cuộc xung đột quân sự thực sự mà hậu quả sẽ rất thảm khốc
cho cả thế giới.
No comments:
Post a Comment