Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1) CỘNG SẢN VIỆT NAM YÊU CẦU NGHỆ SỸ KHÔNG LÀM XẤU HÌNH ẢNH QUỐC GIA KHI Ở NGOẠI QUỐC
Sở Văn hóa–Thể thao thành Hồ vừa ban hành quy chế về quản lý, xét duyện cho công chức, viên chức, các văn nghệ sĩ đi nước ngoài, trong đó yêu cầu người được cử đi phải “gìn giữ hình ảnh quốc gia, dân tộc” và “báo cáo cho lãnh đạo trường hợp ở lại quá thời hạn xin phép.”
Trong quy chế bao gồm 22 điều được Sở ban hành ngày 22/8, có những quy định nực cười như: nghiêm cấm các công chức, nghệ sĩ tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của Sở, không được tự ý ở lại quá thời hạn mà không xin phép, phải giữ gìn hình ảnh quốc gia, hình ảnh dân tộc khi đi ra nước ngoài, không được đưa thân nhân đi công tác trừ trường hợp đặc biệt…
Quy chế được đưa ra sau khi xảy ra vụ hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam bị bắt và vẫn đang trong thời gian bị điều tra về cáo buộc cưỡng hiếp một nữ du khách vị thành niên người Anh trong lúc đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng ở đảo Mallorca của Tây Ban Nha.
https://www.voatiengviet.com/a/6718120.html
2) VỤ ÁN TRỊNH XUÂN THANH: ĐỨC CÁO BUỘC MỘT NGHI PHẠM LÀ GIÁN ĐIỆP
Cuối tuần qua, văn phòng Công tố Liên bang Đức chính thức cáo buộc một người Việt Nam tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017 phạm tội gián điệp.
Thông cáo từ văn phòng này cho biết nghi phạm, một người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là Lê Anh Tú, bị cáo buộc hoạt động mật vụ, hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt tự do của người khác. Vào đầu tháng 6 năm nay, sau khi bị bắt tại Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, nghi phạm này đã bị dẫn độ sang Đức.
Vào ngày 23/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh cựu giám đốc điều hành dầu khí của Việt Nam, bị đưa vào một chiếc xe trên một con phố trung tâm Berlin cùng với người bạn nữ của mình trước khi bị bắt trở về Việt Nam, nơi ông thụ án tù chung thân.
Ông Tú là người Việt thứ hai bị bắt trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Trước đó, một người tên Nguyễn Hải Long đã bị kết tội liên quan đến âm mưu này và bị tòa án Berlin kết án ba năm 10 tháng tù.
3) HẢI QUÂN TRUNG CỘNG BẮT ĐẦU XOÁ BỎ ĐƯỜNG TRUNG TUYẾN Ở EO BIỂN ĐÀI LOAN
Gần 70 năm, một giới tuyến mường tượng chạy dọc eo biển Đài Loan giữa Đài Loan và Trung Cộng đã giúp giữ hòa bình, nhưng “đường trung tuyến” này ngày càng trở nên vô nghĩa trong lúc hải quân hiện đại hóa của Trung Cộng khẳng định sức mạnh của mình.
Trung Cộng chưa bao giờ chính thức công nhận lằn ranh mà một tướng Hoa Kỳ vạch ra hồi năm 1954 lúc cao điểm của sự thù địch trong Chiến tranh Lạnh giữa Trung Cộng với Đài Loan do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Hiện Đài Loan sẵn sàng ứng phó với việc các tàu chiến từ lực lượng hải quân lớn hơn nhiều của Trung Cộng thường xuyên vượt qua giới tuyến này như một phần của các bước mà Bắc Kinh đã thực hiện để phản đối chuyến thăm Đài Bắc đầu tháng này của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
4) CANADA COI NGA LÀ THÁCH THỨC CHIẾN LƯỢC CỦA NATO Ở BẮC CỰC
Khả năng của Nga ở cực Bắc là một thách thức chiến lược đối với NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 26/8, hoan nghênh các khoản đầu tư được công bố gần đây của Canada vào các hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ sau chuyến thăm đầu tiên của ông tới vùng Bắc Cực của Canada.
Theo ông Stoltenberg, tầm quan trọng của cực Bắc đang ngày càng gia tăng đối với NATO và đối với Canada vì có sự tăng cường quân sự đáng kể của Nga ở đây. Ông cho hay Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, sử dụng vùng này để thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới.
Ông cũng cảnh báo rằng Nga và Trung Cộng đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược ở Bắc Cực, thách thức các giá trị và lợi ích của NATO.
Canada bị chỉ trích vì chi quá ít cho quân sự trong tư cách là một thành viên NATO. Nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, Canada vào tháng Sáu loan báo sẽ đầu tư 3,8 tỷ Mỹ kim trong sáu năm tới để hiện đại hóa NORAD, tổ chức quốc phòng chung giữa Mỹ và Canada.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-la-thach-thuc-chien-luoc-c%E1%BB%A7a-nato-o-bac-cuc/6718655.html
5) NGA VÀ UKRAINE TỐ NHAU PHÁO KÍCH XUNG QUANH NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Vào thứ Bảy ngày 27/8, Moscow và Kyiv lại cáo buộc lẫn nhau pháo kích xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine, vốn đã khơi lên lo ngại quốc tế rằng giao tranh trong khu vực này có thể gây ra thảm họa.
Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu, đã bị lực lượng Nga kiểm soát từ đầu tháng 3, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhân viên người Ukraine tiếp tục vận hành nó và trong những tuần gần đây, hai bên đã quy trách nhau về các vụ pháo kích gần nhà máy.
Cơ quan năng lượng nhà nước Energoatom của Ukraine cho biết quân đội Nga một lần nữa pháo kích vào khuôn viên tổ hợp nhà máy trong 24 giờ qua trong khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các lực lượng Ukraine pháo kích vào tổ hợp nhà máy ba lần trong 24 giờ qua.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), muốn đến nhà máy ở miền nam đất nước và người đứng đầu cơ quan Rafael Grossi cho biết hôm thứ Năm rằng họ có thể cử thanh sát viên đến đó.
No comments:
Post a Comment