Hết loa phường tại Hà Nội ngàn năm văn vật, lại đến đốt tranh của họa sĩ bản xứ tại Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông. Hình như Nguyễn Phú Trọng và các đàn em thân tín âm mưu tiêu diệt dân trí và văn hóa Việt Tộc hầu dễ sát nhập vào tổ quốc Hán Tộc của CSVN.
Mời quý thính
giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Đốt
tranh – trò mới của CSVN” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương
trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Người dân và giới nghệ sĩ
trong nước mấy hôm nay bàng hoàng và phẫn nộ khi Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố ở
Sài Gòn (UBND) ra quyết định phạt 25 triệu đồng và “tiêu hủy” tác phẩm của một
họa sĩ chỉ vì đương sự tổ chức triển lãm tranh mà không xin phép.
Truyền thông trong nước
đưa tin ngày 9 Tháng Tám, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND, ký quyết định
số 2696/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính với đối với họa sĩ Bùi Quang
Viễn, vì ông “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức triển lãm tại
Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra
ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại phòng tranh Alpha Art Station địa
chỉ số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, mà không có giấy
phép theo quy định.”
Quyết định xử phạt ghi
rõ: “Ông Bùi Quang Viễn bị xử phạt hành chính với số tiền là 25 triệu đồng theo
quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị Định số 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, ông Bùi
Quang Viễn bị yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh đã triển lãm theo quy định tại Điểm
c Khoản 8 Điều 19 Nghị Định số 38/2021/NĐ-CP.”
Họa sĩ Bùi Quang Viễn là
người không xa lạ với bộ máy kiểm duyệt văn hóa ở Sài Gòn. Ông làm thơ với bút
danh Bùi Chát, là một trong vài thành viên chính của nhóm các nhà thơ trẻ có
tên Mở Miệng, là người sáng lập và chủ trì nhà xuất bản Giấy Vụn – một cơ sở
xuất bản “chui,” không có giấy phép hoạt động của nhà cầm quyền. Các tác phẩm
“ngoài luồng” mà Giấy Vụn xuất bản cũng không có giấy phép kiểm duyệt như sản
phẩm của các nhà xuất bản quốc doanh.
Thơ của nhóm Mở Miệng
thật ra không được biết tới nhiều trong một xã hội “văn chương rẻ như bèo.”
Nhưng Mở Miệng bỗng trở nên nổi tiếng năm 2013 khi các tờ báo lớn của nhà nước
xúm vào đánh hội đồng nhóm thơ này, buộc cho các tác giả những tội lỗi tày trời
“mượn văn thơ để làm chính trị” nhân có cô sinh viên Đỗ Thị Thoan, tức nhà văn
Nhã Thuyên, trình một luận văn thạc sĩ có tên “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành
thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa,” tại khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm
Hà Nội.
Luận văn của cô Nhã
Thuyên và đòn đánh hội đồng của các giáo sư, nhà phê bình văn học ở Hà Nội đã
ầm ĩ một thời gian dài, càng làm cho công chúng biết nhiều hơn tới những sáng
tác có phần khó đọc, khó hiểu của nhóm Mở Miệng.
Trước đó, việc nhà thơ
Bùi Chát, với tư cách người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn, được
Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế (The International Publishers Association –
IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất Bản năm 2011, lại càng khiến ông trở thành
cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Khi ông Bùi Chát đến thủ đô của Argentina nhận
giải và trở về nước thì bị cơ quan an ninh câu lưu thẩm vấn đến hai ngày. Ông
cũng từng phải làm việc nhiều lần với cơ quan an ninh văn hoá vì các sáng tác
thơ của mình nhưng chưa từng bị xử phạt.
Lần này thì nhà cầm quyền
quyết ra tay, giáng cho ông họa sĩ kiêm nhà thơ, nhà xuất bản sách Bùi Chát một
đòn chí tử bằng lệnh tiêu hủy 29 tác phẩm hội họa của ông, khiến ông “hoàn toàn
choáng váng, quá bất ngờ, mình không thể tưởng tượng được,” như lời ông thổ lộ
với đài Á Châu Tự Do.
Việc đòi tiêu hủy 29 bức
tranh đã được triển lãm và nhận được sự tán thưởng của công chúng gợi nhớ lại
những ngày đen tối sau Tháng Tư, 1975. Sau khi Sài Gòn thất thủ, chính quyền
quân quản tổ chức một chiến dịch quy mô lớn, “bài trừ văn hóa phẩm phản động
đồi trụy” – cái nhãn mà bên thắng cuộc dán lên những thành tựu về văn hóa nghệ
thuật của miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm kể từ ngày chia đôi đất nước.
Nhưng âm mưu tàn độc đó
không thể thành công. Bốn mươi năm sau, nhiều tác phẩm bị đốt trong ngọn lửa
ngu muội ngày đó lần lượt được xuất bản trở lại do sự thúc ép của công chúng
cần có những tác phẩm văn nghệ nhân bản. Nhạc bolero, và cả những bản nhạc lính
của người chiến sĩ VNCH bị cấm ngặt suốt mấy mươi năm nay đã sống lại, được ca
vang từ các bến xe, bến phà đến các sân khấu đài truyền hình, trở thành dòng
chủ đạo của âm nhạc trong nước.
Những trường hợp đó chứng
minh rằng, tác phẩm văn hóa nghệ thuật nếu thực sự có giá trị thì có sức sống
riêng của nó, không ai có thể tiêu hủy hay bức tử nó bằng những biện pháp hành
chính thô bạo.
Bài học đó không hề mới.
Hơn hai ngàn năm trước, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng, sau khi chiếm được thiên
hạ đã thực hiện chính sách “phần thư, khanh nho” – đốt sách, chôn sống học trò.
Mưu đồ của Tần Doanh Chính là xóa sạch lịch sử và ký ức của nhân dân, bắt đầu
một thời đại mới, thiên thu trường trị mà ông là ông vua đầu tiên, là “thủy
hoàng đế”… Nhưng cây độc không sinh trái ngọt. Do nhiều chính sách tàn ác khiến
người dân oán hận, nhà Tần chỉ tồn tại được 15 năm (221-206 trước Công Nguyên)…
Lệnh tiêu hủy tranh của
họa sĩ Bùi Quang Viễn không phải là một trường hợp ngẫu nhiên, không chỉ là
“bước lùi về quản lý văn hóa” như nhận định của một trí thức trong nước mà nằm
trong chuỗi chính sách cầm quyền thủ tiêu tự do ngôn luận, bóp nghẹt sáng tạo
nghệ thuật để ngu dân của nhà cầm quyền Việt Nam.
Đảng Cộng Sản thâu tóm
toàn bộ các tổ chức giáo dục, báo chí, xuất bản, văn hóa nghệ thuật, đã kiểm
soát chặt truyền thông xã hội trên mạng Internet và sẵn sàng trừng trị những ai
bước ra ngoài vòng cương tỏa của họ. Với việc xử phạt họa sĩ Bùi Quang Viễn thì
sau “phần thư” (đốt sách) đã có thêm “phần họa” (đốt tranh), tất cả cho thấy
không khí ngột ngạt của môi trường nghệ thuật trong nước.
Ông Viễn cho biết ông sẽ
kiện quyết định xử phạt ông, nhưng kiện cáo trong một xã hội luật rừng như Việt
Nam thì có rất ít hy vọng. Nếu kiện không thành thì việc ông Viễn tiêu hủy
tranh và nộp phạt – công khai trên mạng cho mọi người biết – có thể biến thành
sự kiện gây tiếng vang, và nhà cầm quyền sẽ nhận được cái mà họ muốn: Sự khinh
bỉ.
No comments:
Post a Comment