Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ PHẦN LAN TẠM NGƯNG CẤP THỊ THỰC CHO CÔNG DÂN VN
Chính phủ Phần Lan vào ngày thứ Năm 11/8 đã ra thông báo ngưng cấp nhập
cảnh cho các công dân VN mang sổ thông hành mới xanh tím than có series P, với
lý do là sổ này không có ghi nơi sinh.
Trong thông cáo đưa ra vào hôm qua, tòa đại sứ Phần Lan tại VN nêu rõ là
từ ngày 1/7, sổ thông hành mới này không có thông tin về nơi sinh, một quy định
bắt buộc để xác định danh tính cá nhân và giải quyết các đơn xin thị thực cũng
như giấy phép cư trú của Phần Lan. Với lý do này, tòa đại sứ Phần Lan sẽ không
nhận đơn xin thị thực cho đến khi có thông báo mới sau khi làm việc với các
nước Âu châu để giải quyết vấn đề.
Trước đó hai nước Đức và Tiệp đã
ngưng cấp thị thực vào khối Schengen với cùng lý do nói trên. Quyết định của
Đức đưa ra vào hôm 27/7 và mấy ngày sau thì đến phiên Tiệp với lý do là các sổ
thông hành này không đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO.
Cần biết ICAO là tổ chức hàng không quốc tế thuộc LHQ, chịu trách nhiệm
soạn thảo các quy định về hàng không trên thế giới. Trong hướng dẫn mới nhất
của ICAO, có quy định về chi tiết nơi sinh.
2/ SỐ NGƯỜI BỊ NHIỄM DỊCH VŨ HÁN Ở VN TĂNG GẤP 3 LẦN
SO VỚI THẾ GIỚI
Sau thời gian tạm
lắng, số người bị nhiễm dịch Vũ Hán ở VN đã gia tăng gấp 3 lần chỉ sau một
ngày, khiến nước này bị đưa vào danh sách 4 nước có số người bị nhiễm cao nhất
thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Số liệu của bộ y tế
VN cho thấy là vào hôm qua, VN ghi nhận gần 7 ngàn trường hợp mới, so với 2
ngàn chỉ một ngày trước đó. Cũng theo bộ
y tế, trong những ngày đầu tháng 8 này, số người bị nhiễm ở VN chỉ xấp xỉ 2
ngàn ca mỗi ngày.
Với con số tăng nhanh như vậy, lần đầu tiên VN được Tổ chức
Y tế Thế giới nêu tên là một trong 4 nước có số trường hợp bị nhiễm cao nhất
trong một tuần, chỉ đứng sau Nhật, Mỹ và Nam Hàn. Tuy nhiên theo giải thích của
bộ y tế VN, số người bị nhiễm tăng cao là vì tỉnh Nghệ An bổ sung thêm hơn 4
ngàn trong ngày 11/8.
Tuy nhiên khác với
đỉnh dịch vào năm ngoái, tính đến hôm qua VN không ghi nhận thêm số tử vong
nào.
3/ GẦN HAI NGÀN
CÔNG NHÂN ĐÌNH CÔNG 6 NGÀY ĐÃ QUAY LẠI LÀM VIỆC
Vụ đình công kéo
dài từ ngày 5 đến ngày 10/8 của gần hai ngàn công nhân Ivory VN tại thị trần Hậu
Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã kết thúc với công nhân trở lại làm việc.
Lý do đình công là
vì đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, với nhiều công nhân cho biết
là mức lương hiện nay của họ thấp hơn so với người khác. Sau 3 ngày đình công,
vào sáng 8/8, đại diện công ty Ivory đã mở cuộc đối thoại với công nhân và đồng
ý tăng thêm 200 ngàn đồng, tức chưa đến 10 Mỹ kim, cho toàn thể công nhân. Công
ty cũng đồng ý trả lương cho 6 ngày đình công.
Tuy nhiên các công
nhân vẫn chưa đồng ý vì cho rằng còn có nhiều yêu cầu khác chưa được đáp ứng.
Nhưng đến ngày 10/8, công nhân vẫn trở lại làm việc sau khi nhà cầm quyền địa
phương đến trấn áp. Ivory VN là công ty may mặc do Nam Hàn làm chủ nhân.
4/ CHỦ TỊCH TỈNH
GIA LAI VÀ NHIỀU QUAN CHỨC CHỦ CHỐT BỊ KỶ LUẬT
Ủy ban Kiểm tra
Trung ương đảng CSVN đã đề nghị thi hành kỷ luật ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch tỉnh
Gia Lai, cùng với hàng loạt quan chức chủ chốt khác trong nhiệm kỳ từ năm 2016
– 2012 và từ năm 2021 - 2026.
Các sai phạm bị
trưng dẫn là vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ”, quy chế làm việc, thiếu
trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để ủy ban tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi
phạm quy định của đảng, pháp luật nhà nước về đất đai.
Trong khi đó thì
ông Phạm Xuân Thăng, bí thư tỉnh ủy Hải Dương, cùng một số quan chức bị dính
líu đến vụ án công ty Việt Á, nên bị xem xét kỷ luật.
Nội dung thông cáo
của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng CSVN được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 18,
dưới sự chủ trì của chủ nhiệm Trần Cẩm Tú, diễn ra vào ngày 11/8. Theo thông
cáo thì các việc lem nhem do đích thân ban thường vụ tỉnh ủy, mà cầm đầu là ông
Phạm Xuân Thăng, gây ra khiến thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, nguồn lực của
xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và nhà nước.
No comments:
Post a Comment