Sunday, August 28, 2022

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 28.08.2022

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị Mỹ Linh

Bảo Trân: Thưa anh HD, anh có ghi nhận gì trước việc bạo quyền VN tiếp tục sách nhiễu lễ tưởng niệm các nạn nhân tôn giáo là sao?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Hàng chục cộng đồng tôn giáo ở VN đã tổ chức lễ tưởng niệm quốc tế về các nạn nhân bị “bạo hành vì tôn giáo”, tuy nhiên chính họ đang trở thành nạn nhân của sự bạo hành đến từ bạo quyền Hà Nội.

Từ năm 2019, LHQ đã lấy ngày 22/8 mỗi năm để làm lễ tưởng niệm quốc tế cho các nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo. Ngày này biến thành ngày có ý nghĩa đối với các giáo phái độc lập không nằm trong sự kiểm soát của bạo quyền VN.

Trong khi đó tại tỉnh An Giang, công an Long Xuyên vào buổi sáng 20/8 đã đến hương đạo Cao Đài ở phường Bình Khánh để buộc những người đang tập trung tại nhà của chánh trị sự Nguyễn Thị Thu Cúc phải giải tán. Vào lúc 8 giờ sáng, khi mọi người đang giăng biểu ngữ thì một nhóm công an khu vực kéo đến và yêu cầu ngưng tổ chức buổi lễ nói trên.

Tại Cao nguyên Trung phần (Tây nguyên) cũng xảy ra các vụ sách nhiễu tương tự đối với cộng đồng Tin Lành. Riêng Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu của giáo hội Phật giáo VN Thống nhất ở tỉnh Bà Rịa, cho biết là ông biết rất rõ về ngày 22/8 nhưng không thể tổ chức vì bị đàn áp trong nhiều năm qua.

Theo trang mạng của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc tổ chức BPSOS, trong tuần qua có hàng chục cộng đồng tôn giáo ở miền Trung, Cao nguyên Trung phần ((Tây Nguyên) và miền Nam tổ chức thành công việc tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp tôn giáo, bao gồm cộng đồng Hoà Hảo thuần tuý, Cao Đài chơn truyền, Tin Lành, và Công giáo.

Bảo Trân: Vào hôm 25/8 vừa qua, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị tuyên án 9 năm tù giam. Anh vui lòng nhắc lại việc này để quý thính giả đài được tường tận hơn?

Hướng Dương: Đúng như chị vừa nói!

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị tuyên y án 9 năm tù giam trong phiên phúc thẩm sáng 25/8 tại Hà Nội. Mặc dù được thông báo là xét xử công khai nhưng mẹ và anh ruột của Phạm Đoan Trang đều không được vào tham dự. Đại diện một số cơ quan ngoại giao như Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), các Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hoà Séc, Đức, và Thuỵ Sĩ đều phải đứng ngoài dù trước đó đã có đơn đề nghị vào quan sát phiên xử. Tư gia của những người bất đồng chính kiến tại Hà Nội bị canh gác chặt chẽ nhằm ngăn chặn họ đến khu vực tòa án.

Các luật sư cho biết, bà Trang tinh thần vững vàng nhưng sức khỏe suy yếu trầm trọng. Nữ nhà báo gần như giữ thái độ im lặng, tỏ ra không quan tâm đến việc mình đang bị xét xử. Bà không nhận tội và yêu cầu tòa cứ “xử sớm và phán quyết thế nào thì cứ tuyên thế”.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, tác giả của nhiều cuốn sách và báo cáo nhân quyền như Cẩm nang nuôi tù, Chính trị bình dân, Báo cáo Đồng Tâm… Bà cũng được trao nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế vì những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền và tự do ở Việt Nam.

Bảo Trân: Trước thông tin nhà báo Đoan Trang bị án tù 9 năm thì cộng đồng quốc tế có lên tiếng gì trước việc này không anh?

Hướng Dương: Theo như tôi được biết Liên minh Châu Âu (EU), Chính phủ Hoa Kỳ, Đặc ủy Nhân quyền Đức và tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) đồng loạt lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam ngay sau khi toà án cộng sản bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Đoan Trang và giữ nguyên bản án chín năm tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 25/8.

Chỉ vài giờ sau khi phiên toà phúc thẩm kết thúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc y án tù đối với bà. Thông cáo nhấn mạnh tình trạng sức khoẻ tồi tệ của bà Trang và thúc giục Việt Nam cung cấp dịch vụ chữa trị y tế, thuốc men và cho phép tiếp cận để đánh giá tình trạng của nhà báo này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội phóng thích bà và cho phép mọi người ở Việt Nam được thực hành quyền tự do biểu đạt như được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký.

EU gọi tội danh mà bà Trang bị tòa án tuyên là “mơ hồ” và “các vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế.”

RSF kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, trong đó có EU và Hoa Kỳ, sử dụng các hiệp định thương mại với Hà Nội để gây sức ép, buộc Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang, người được tổ chức này trao giải Tự do Báo chí năm 2019.

Đặc ủy về Chính sách nhân quyền và Hỗ trợ nhân đạo của Chính phủ Liên bang Đức Luise Amtsberg bày tỏ sự phẫn nộ, nói bản án phúc thẩm đối với bà Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục là một bước thụt lùi nghiêm trọng về nhân quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam.

Bảo Trân: Trong tuần qua dư luận trong nước đang xôn xao bàn tán trước việc nữ streamer khá có tiếng trên mạng xã hội tại Việt Nam đang bị công an truy tìm sau khi đưa ra những lời bình luận được cho là “xúc phạm lãnh đạo” trong một buổi phát hình trực tiếp trên nền tảng Facebook Gaming. Anh vui lòng nhắc lại việc này?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Milona được xem là một nữ “hot streamer” trong game Liên Minh Huyền Thoại, với kênh YouTube hơn 1 triệu người theo dõi và một lượng fan đông đảo. Cô được cho là nói trong một clip:

“Những người xem phim 18+ nhiều thường hơi hói. Ok không? … chắc mấy bác chủ tịch nước ở nhà chả làm cái mẹ gì suốt ngày ở nhà xem phim 18+ nên là bác ấy hói hết, đầu… còn tóc luôn, vài cọng lơ hơ hiểu không? Tại làm ăn… gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+…”

 

Vào chiều 26/8, đại diện Cục An ninh mạng, thuộc Bộ Công an, xác nhận với báo chí về việc đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer trên để phục vụ cho việc điều tra về những phát ngôn “xúc phạm lãnh đạo cấp cao” của cô.

Kể từ khi Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, rất nhiều người dùng mạng xã hội đã bị xử phạt từ hành chính đến phạt tù vì những nội dung trên đăng trên mạng của họ.

 

 

No comments:

Post a Comment