Monday, August 1, 2022

Từ khác biệt đến đối lập

Chuyện Nước Non Mình

Các quốc gia dân chủ thông thường dân trí cao hơn, tiến bộ và phú cường hơn các quốc gia CS độc tài vì họ biết chấp nhận ý kiến khác biệt và biết tôn trọng đối lập chính trị.  Trong tiết mục CNNM hôm nay, mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Từ khác biệt đến đối lập” sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp tục chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Phạm Phú Khải

Ngày 21 tháng 7 vừa qua, một tòa án ở Long An đã tuyên án tổng cộng hơn 23 năm tù đối với sáu thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai với cùng cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư bào chữa, chia sẻ rằng ông không bất ngờ gì về kết quả tuyên án nhưng vẫn rất thất vọng.

Dường như luật sư Đặng Đình Mạnh đã bị thất vọng dài dài.

Tự do tôn giáo không có. Tự do dân chủ lại càng không thấy bóng dáng đâu cả. Hơn 47 năm qua dưới sự cai trị của chế độ này, về bản chất, vẫn không thay đổi.

Vậy thì tại sao Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ bỏ tù bao nhiêu người về tội danh hoàn toàn không hiện hữu này?

Giống như cách biện minh của Nga và Trung Quốc, mỗi khi nhận được những báo cáo vi phạm nhân quyền của Mỹ, Úc, Anh, Âu châu, Liên Hiệp Quốc, hay các tổ chức nhân quyền quốc tế, Việt Nam cứ phản đối và phản bác là không hề có vi phạm, và biện luận rằng những báo cáo như thế là sai lệch, chỉ vì động cơ chính trị.

Trong nước thì như thế. Tại hải ngoại, bao nhiêu hội đoàn, đảng phái, cộng đồng lần lượt chia năm xẻ bảy. Tuy có nhiều lý do khác nhau, tôi cho rằng yếu tố chính có lẽ vẫn xoay quanh quan điểm và động cơ. Khác quan điểm thì tất nhiên sẽ khác chủ trương, đường lối. Đây là điều rất bình thường trong môi trường sinh hoạt dân chủ. Nếu khác đến độ không thể ngồi lại chung tay làm việc thì tách ra thôi. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong chính trường và thương trường. Nhưng vì cứ mãi nhắm vào động cơ, nên dù có người đã từng hoạt động sống chết với nhau trước đây, nay vì nghi ngờ rồi quay sang quy chụp nhau, để rồi cuối cùng không thể hàn gắn hay hòa giải gì được.

Rõ ràng kẻ thù lớn nhất của mọi người và mọi tổ chức, trước nay và mai sau, đối với Việt Nam, là độc tài, tham nhũng và bất đức. Cả ba thường đi chung với nhau. Cái ác cứ mãi hoành hành.

Cộng Sản, hay không, chỉ là cái nhãn hiệu bên ngoài. Chế độ hiện nay có bao giờ, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, trở thành cộng sản cả. Điều này đã rõ như ban ngày.

Khi chưa chấp nhận đối lập, những kẻ cầm quyền, trước sau gì cũng trở thành độc tài. Vì thế, những người đang hô hào đấu tranh cho dân chủ mà chỉ nói suôn, không chấp nhận đối lập chung quanh mình, tức các tổ chức khác quan điểm hay có khi đối nghịch với mình, thì tôi e rằng tư duy đó không những không thích hợp mà còn có khả năng đe dọa nền dân chủ về sau này.

Hơn nữa, khi chưa chấp nhận đối lập, người ta dễ dàng phủ nhận luôn chính mình, hủy hoại cả những gì có thể bảo vệ mình, trong một số tình huống, như khi chưa nắm quyền. Nó đưa đến tình trạng các tổ chức chính trị muốn nắm chính quyền bằng mọi cách; và khi có quyền lực trong tay, thì lại tìm cách đàn áp trù dập đối lập. Như chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay.

Nếu đã không chấp nhận đối lập, tất cả những thành phần khác trong xã hội mà có quan điểm khác với kẻ cầm quyền đều dễ dàng trở thành nạn nhân của chế độ. Như đã thấy tại bao quốc gia như Nga, Trung Quốc và Việt Nam v.v…

Có đối lập chưa hẳn có dân chủ. Dân chủ đòi hỏi nhiều hơn thế. Nhưng chưa có đối lập làm nền tảng tư tưởng dân chủ, mọi cuộc vận động dân chủ có lẽ không đi về đâu cả.

Để chấp nhận đối lập thì điều đầu tiên là biết chấp nhận, và tôn trọng sự khác biệt.

Triết lý đối lập trong nền chính trị Úc cũng rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm.

Đối lập tại Úc còn có tên là nội các đối lập (shadow cabinet/ministry), mà hiện nay Peter Dutton là lãnh đạo.

Ở Mỹ, Pháp, hay nhiều quốc gia khác, trách nhiệm kiểm soát và cân bằng quyền lực chủ yếu nằm ở quốc hội, tòa án và truyền thông. Tại Úc cũng vậy. Nhưng quan trọng và tích cực nhất đến từ phía đối lập. Nội các đối lập có cấu trúc gần giống như chính quyền đương nhiệm. Các bộ trưởng đối lập có nhiệm vụ giám sát, nêu vấn đề, đặt câu hỏi v.v… để thủ tướng và mọi thành viên trong chính quyền phải trả lời, trước quốc hội hoặc trước truyền thông. Qua đó, người dân nắm bắt thông tin và hiểu biết tường tận hơn, nếu họ quan tâm và chịu khó tìm hiểu. Ngoại trừ một số vấn đề bí mật quốc gia liên quan đến hoạt động (operations), đối lập cũng được những cơ quan an ninh và tình báo chia sẻ thông tin, khi cần. Cho nên bên đối lập nói riêng, quốc hội nói chung, và giới truyền thông, đều hiểu biết mọi vấn đề quốc gia. Thông tin, kiến thức là quyền lực. Khi quyền lực được chia sẻ rộng rãi trong nhiều thành phần xã hội, độc tài hay độc quyền khó xảy ra.

Đối lập phải biết, và phải giỏi, thì chính quyền mới làm tốt nhiệm vụ của mình. Khi chính quyền không còn được người dân tín nhiệm, phải xuống giữ vai trò đối lập, thì họ cũng nắm thật rõ cung cách điều hành lãnh đạo quốc gia, và do đó đóng vai trò đối lập thật hiệu quả.

Điều đã xảy ra trong cuộc bầu cử 21 tháng 5, đưa đảng Lao Động do Thủ tướng Anthony Albanese lên cầm quyền sau 3 nhiệm kỳ dài 9 năm ở vai trò đối lập (từ năm 2013 đến 2022). Liên đảng Cấp tiến Quốc gia trở lại thế đối lập.

Đây là trò chơi dân chủ đích thực và hiệu quả.

Với tư duy này, mọi tổ chức chính trị, đảng phái phải luôn tập trung vào việc làm sao để có khả năng nhất để trở thành đối lập, và sẵn sàng để thay thế chính quyền khi người dân tín nhiệm. Nó phải là nơi quy tụ nhân tài, vừa tài vừa đức. Cái tâm và cái tầm nằm ở đây. Từ khác biệt đến đối lập, nó là cơ hội để thay đổi vấn nạn độc tài tham nhũng và dối trá.

 

No comments:

Post a Comment