Saturday, August 6, 2022

“Trùng Quang Đế”

Danh Nhân Nước Việt

Trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ 15, vị hoàng đế thứ 2 của nhà Hậu Trần tận tâm, tân lực chống giặc xâm lược, nhưng vì cô thế ông bị giặc bắt, trên đường bị áp giải về Tàu, ông nhảy xuống sông tự tử. Ông là người đã gióng lên khúc “hùng ca bi tráng” cuối cùng của hào khí Đông A. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ca ngợi ông là “Quốc quân chết vì xã tắc”.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Trùng Quang Đế của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối nay.

Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa,

Trịnh trọng rày nhân vẳng khúc ca.

Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ,

Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.

Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ,

Khương quế thêm cay tính tuổi già.

Việc nước một mai công vẹn ngõ,

Gác Lân danh tiếng dõi lu xa.

Đó là bài thơ đầy cảm khái của Trùng Quang Đế đọc khi tiễn Sứ thần Nguyễn Biểu sang Tàu.

Trùng Quang Đế tên húy là Trần Quý Khoáng, con của Trang Định Vương Trần Ngạc, là cháu nội của vua Trần Nghệ Tông. Ông sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội.

Khi nhà Minh đưa quân xâm lấn, Trần Quý Khoáng được 2 tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đón vào Nghệ An tôn làm vua vào ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409). Ông lấy vương hiệu là Trùng Quang Đế và lập căn cứ địa tại vùng này.

Tháng 7 năm 1409, Trùng Quang Đế giao cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy nghĩa quân tiến ra Bắc chiếm lấy vùng Hạ Hồng, Chí Linh, đẩy quân Minh vào thế bị động ở nhiều nơi. Vua Minh phải sai tướng Trương Phụ đem 10 vạn quân sang cứu viện.

Tướng Đặng Dung chận đánh quân tiếp viện của Trương Phụ ở cửa Hàm Tử, nhưng vì địch quân quá đông nên thất trận, phải rút vào vùng Nghệ An cố thủ.

-Đến giữa năm 1410, Trùng Quang Đế cùng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tiến quân ra đánh Hạ Hồng, Bình Than, phá tan quân của Giang Hạo. Nhưng vì lực lượng yếu thế phải rút v giữ Thanh Hóa, Nghệ An.

-Tháng 4 năm 1413, nghĩa quân chuyển ra Vân Đồn, Hải Đông, chận đốt đoàn thuyền chở lương thực của quân Minh xong rồi lại rút v Nghệ An.

-Tháng 12 năm 1413, nghĩa quân tiến đánh quân Minh ở Ái Tử, Quảng Trị. Mặc dầu lực lượng chênh lệch, nghĩa quân vẫn tập kích Bộ chỉ huy của quân Minh vào lúc nửa đêm, chiếm được thuyền chỉ huy, tuy bắt hụt tướng Trương Phụ, nhưng gây thiệt hại trầm trọng cho quân Minh về nhân mạng, nhiều chiến thuyền và vũ khí bị thiêu hủy.

Đầu năm Giáp Ngọ (1414), Trùng Quang Đế và các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy bị quân Minh mai phục bắt giữ ở Sa Bồ Cán và áp giải về Yên Kinh. Trên đường di chuyển, Trùng Quang Đế Đặng Dung đã nhảy xuống sông tự tử.

*****

Việt Nam là một nước duy nhất ở phương Nam chận đứng được quân xâm lược phương Bắc và là một nước có độc lập tự chủ thật sự. Tinh thần độc lập từ đời Lý, qua đời Trần, Lê, đã khiến Việt Nam là nước duy nhất trong giòng Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử không bị Hán hóa.

Tuy Trùng Quang Đế không đạt được chí nguyện giải cứu sơn hà xã tắc, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc, nhưng các trận đánh của nghĩa quân đã khiến cho quân Minh bất an, không thể bình định Đại Việt, tạo cơ hội về sau cho các lực lượng kháng chiến khác nổi dậy khắp nơi, trong đó có nghĩa quân Lam Sơn dưới trướng của Bình Định Vương Lê Lợi. Và 14 năm sau, đức Lê Lợi chiến thắng quân Minh, lên ngôi xưng là Lý Thái Tổ, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt, sáng lập nhà Hậu Lê, một triều đại tồn tại lâu dài trong sử Việt.

Trùng Quang Đế không phải là người nổi tiếng trong sử Việt, cũng không phải là người hùng bách chiến bách thắng. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh không còn cái hào khí thuở đánh quân Nguyên - Mông của cha ông để lại. Quân thì chỉ có một đạo, tướng lãnh chỉ có vài người, đánh trận thì lúc thắng lúc thua. Nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện sứ mạng cứu dân cứu nước bằng sức lực của mình, để rồi kết thúc bằng sinh mạng của bản thân và các tướng sĩ. Quả đúng như Đặng Dung viết trong bài thơ Cảm Hoài, thể hiện ý chí sắt đá của một anh hùng bất phùng thời:

Việc nước chưa xong, tuổi đã già,

Đất trời lồng lộng, khúc cuồng ca.

Gặp thời, bần tiện thành công dễ,

Lỡ vận, tài danh hận đến già.

Giúp chúa, những mong xoay trục đất,

Rửa dòng, không lối kéo Ngân Hà.

Bạc đầu, thù nước còn chưa trả,

Mấy độ mài gươm, bóng nguyệt tà.

Không như Giản Định Đế, đang lúc chống giặc mà giết tướng tài, Trùng Quang Đế được biết đến như một vị vua sáng suốt và độ lượng, luôn trải lòng thành đối xử với tướng sĩ. Danh tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, văn thần Nguyễn Biểu đã hết lòng liều chết vì ông cũng một phần nói lên điều này.

Tóm lại, Trùng Quang Đế cùng đạo quân của mình đã hiên ngang chiến đấu và ra đi như những ngôi sao rực sáng rồi vụt tắt trong một thời kỳ đầy loạn lạc của lịch sử dân tộc.

Ai hay quốc vận còn hưng phế,

Chớ đem thành bại luận anh hùng.

 

 

No comments:

Post a Comment