Wednesday, August 3, 2022

Đả hổ diệt ruồi

Bình Luận

Dưới con mắt của Tập Cận Bình thì Nguyễn Phú Trọng giống như con khỉ nhỏ chỉ biết bắt chước và bắt chước rất kém cỏi. Chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng chỉ là một phiên bản vụng về kém cỏi của chiến dịch “Đả Hổ diệt ruồi” của họ Tập mà thôi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lynn Huỳnh với tựa đề: “Đả hổ diệt ruồi” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Lynn Huỳnh

Cụm từ “đả hổ diệt ruồi”, do nghe như ngôn ngữ truyện kiếm hiệp, dễ tạo nên cảm giác “dễ dàng” về cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Dường như Đảng Cộng sản Việt Nam đang học theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chống tham nhũng ‘thân hữu’.

Câu chuyện của năm 2016

“Báo cáo tham nhũng ở Trung Quốc” năm 2016 của tổ chức chống tham nhũng trong kinh doanh mang tên GAN nêu ra những nguyên do của tham nhũng ở Trung Quốc gồm: Hệ thống tư pháp đem lại nguy cơ cao cho việc kinh doanh. Theo đó, các công ty báo cáo rằng hệ thống tư pháp vừa không hữu hiệu trong việc giải quyết các tranh chấp, vừa thách đố các quy định…

Vấn đề kế tiếp, nạn tham nhũng trong cảnh sát. Theo các công ty, cảnh sát không đáng tin trong việc chống lại tội phạm và thực thi luật pháp. Hai phần ba số doanh nghiệp cho biết họ phải chi cho lực lượng an ninh.

Về vấn đề tham nhũng trong dịch vụ công, thì các thăm dò cho thấy hơn 1/3 số công ty được hỏi cho biết có đút lót cho lĩnh vực dịch vụ công.

Một lãnh vực khác cho thấy rất tương đồng với Việt Nam, đó là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai. Ngành địa chính được xếp hạng là lĩnh vực có nhiều tham nhũng nhất… Các vụ tranh chấp liên quan tới bất động sản phổ biến và thường xảy ra do sự thông đồng của các quan chức địa phương với các nhà phát triển bất động sản để đền bù ít ỏi hoặc không bồi thường cho người phải di dời.

Các dự án quy mô lớn của chính phủ và việc chiếm đoạt bất hợp pháp đất đai của chính quyền địa phương diễn ra và không được kiểm soát.

Việc cấp phát các tài nguyên thiên nhiên không minh bạch để lại một khoảng trống đáng kể cho tham nhũng. Ngành khai thác mỏ, một khu vực được nhà nước quy định rất cao, lại rất dễ bị gian lận, hối lộ. Việc khai mỏ của Trung Quốc thiếu sự giám sát và minh bạch: điều này chủ yếu là do các báo cáo của chính phủ thiếu minh bạch.

Ngoài ra, thuế vụ và hải quan là hai lĩnh vực có nguy cơ cao cho giới kinh doanh…

Ở trên chỉ là một vài trích dẫn trong số vô vàn các nghiên cứu về tham nhũng ở Trung Quốc. Chính nhờ chịu “nhìn thẳng, nhìn trúng”, “nói thẳng, nói thật” mà Trung Quốc đã có những tiến bộ trong việc chống tham nhũng, cụ thể là đã lên được hạng 79/176 trên bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016.

Việt Nam vẫn kém Trung Quốc trong chống tham nhũng

Với Việt Nam, cũng trong năm 2016. Ngày 25-1-2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Theo đó, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Như vậy, lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ ở mức 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015. Khi ấy, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam – tin rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Nhà nước và xã hội.

Mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch, điểm số 33/100 năm 2016 cho thấy Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Kết quả này cũng tương đồng với nhận định của Chính phủ và ý kiến đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 2016 của Chính phủ.

Vào đầu năm nay, chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2021 là 39/100 điểm, tăng 3 điểm từ mức 36/100 điểm năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012-2021. Trong 10 năm này, nhìn chung chỉ số CPI của Việt Nam được cải thiện từ mức thấp nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021.

Chỉ số CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ nhận thức của họ về tham nhũng trong khu vực công trên thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch). Chỉ số CPI trung bình toàn cầu không thay đổi ở mức 43 trong năm thứ 10 liên tiếp và 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ đạt điểm dưới 50.

Chỉ số CPI của Trung Quốc trong năm 2021 là 45/100 điểm, đứng thứ 66 cùng với Romania, Sao Tome và Principe và Vanuatu.

Tuy nhiên cái đáng ngại là nói như nhận định của Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học: “Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (ở Việt Nam). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều áp lực, khó khăn, mọi người nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Ở Trung Quốc, ‘linh hồn’ này là Tập Cận Bình.

Như vậy chỉ cần rủi ro xảy ra với ông Nguyễn Phú Trọng, coi như việc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ trở lại nguyên trạng như ban đầu, khi mà tham nhũng qua “nhóm thân hữu” vẫn là vấn nạn của thể chế chính trị độc đảng toàn trị của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment