Sunday, July 4, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 04.07.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh NgọcNguyên Khải

1) NHÀ BÁO MAI PHAN LỢI BỊ BẮT VỚI CÁO BUỘC TRỐN THUẾ

Công an thành phố Hà Nội vừa bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi với cáo buộc trốn thuế theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự. Ông từng là Phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật thành Hồ tại Hà Nội.

Vào năm 2016, ông Lợi bị thu hồi thẻ nhà báo sau khi tiến hành một cuộc thăm dò trên một diễn đàn trên Facebook về vụ máy bay CASA 212 của quân đội Việt Nam mất tích.

Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi, Bộ này cáo buộc ông Lợi đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo.”

Nhà báo Mai Phan Lợi cũng là người thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (nhóm Góc nhìn Báo chí – Công dân) với các chuyên gia trong nước về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Ông còn là một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội vào tháng 5 năm 2016.

Cộng sản Việt Nam hay sử dụng cáo buộc trốn thuế để giam cầm người bất đồng chính kiến và nhà báo dám nói trái ý nhà cầm quyền. Trong số nạn nhân có blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu cày) và luật sư Lê Quốc Quân.

2) NETFLIX GỠ SERIES PHIM TÌNH BÁO ÚC VÌ CÓ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ THEO YÊU CẦU CỦA VIỆT NAM

Sau khi Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử của Việt Nam bày tỏ bất bình về việc trong series phim truyền hình “Pine Gap” của Úc có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp của Trung Cộng ở Biển Đông thì hãng Netflix loại bỏ bộ phim nhiều kỳ này ra khỏi danh mục trình chiếu ở Việt Nam. Netflix cho biết thêm là bộ phim vẫn được chiếu ở các quốc gia còn lại trên thế giới.

Trong bộ phim gồm 6 tập, hình ảnh “đường lưỡi bò” thể hiện yêu sách đơn phương của Trung Cộng ở Biển Đông xuất hiện thoáng qua trong 2 tập có những cảnh quay cho thấy các màn hình trong một phòng điều khiển tại một căn cứ do thám. Hình ảnh bản đồ được gắn với bối cảnh là có các tuyên bố chủ quyền hàng hải trong khu vực.

Đây là lần thứ ba liên tiếp trong vòng 12 tháng qua, Netflix bị phát hiện phân phối phim và chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

3) ĐƯA TIN SAI VỀ CÚM VŨ HÁN, BA NGƯỜI Ở LÂM ĐỒNG BỊ PHẠT 30 TRIỆU ĐỒNG

Ba Facebooker ở Lâm Đồng đã bị nhà cầm quyền địa phương phạt hành chính 30 triệu đồng với lý do đưa tin không đúng sự thực về đại dịch cúm Vũ Hán.

Truyền thông nhà nước đưa tin Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phạt 3 người mỗi người 10 triệu đồng vì vi phạm Nghị định số 15/2020 về hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Họ bị cho là đã đăng thông tin không chính xác về những người nhiễm F1 trên Facebook vào ngày 26/6.

Từ đầu năm nay, Lâm Đồng đã xử phạt nhiều công dân địa phương trong 250 trường hợp đưa tin “không đúng” về đại dịch với tổng số tiền phạt hành chính lên đến 220 triệu.

4) SAUDI ARABIA CẤM NGƯỜI NHẬP CẢNH TỪ VIỆT NAM DO LO NGẠI VỀ CÚM VŨ HÁN

Truyền thông quốc tế đưa tin Saudi Arabia sẽ hạn chế việc đi lại và nhập cảnh đối với những người đến từ Việt Nam, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Afghanistan do lo ngại về cúm Vũ Hán.

Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 4/7 và sẽ áp dụng đối với bất kỳ ai đã ở Việt Nam và 3 quốc gia nêu trên trong vòng 14 ngày gần nhất.

Trang Facebook chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam cho biết rằng tính từ đầu đại dịch, Việt Nam có 19.043 người bị nhiễm, bao gồm 11.312 người đang điều trị và 84 người tử vong.

Trong một diễn biến khác liên quan đến trường hợp nhiều nữ công nhân Việt bị mắc kẹt vào tình cảnh cùng quẫn tại một trung tâm tạm trú ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu các công ty tuyển dụng lao động trong nước nhanh chóng giải quyết sự việc.

Bước đi này phản ánh sự gia tăng chú ý từ các nhà quản lý lao động trong nước vài tháng sau khi nhiều nạn nhân tuyệt vọng kêu cứu trên mạng xã hội vì thỉnh cầu giúp đỡ của họ không nhận được hồi đáp qua các kênh chính thức.

5) HOA KỲ THÊM CHẾ TÀI, TĂNG ÁP LỰC LÊN QUÂN ĐỘI MYANMAR

Vào thứ Sáu ngày 02/7, Hoa Kỳ tăng áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar để đáp trả việc quân đội chiếm quyền hồi tháng Hai năm nay bằng việc thêm vào danh sách đen 4 công ty mà Hoa Thịnh Đốn xem là hỗ trợ cho quân đội Myanmar và áp đặt chế tài lên các giới chức quân sự chủ chốt.

Hoa Kỳ cùng với nhiều nước phương Tây khác lên án quân đội Myanmar kể từ khi quân đội chiếm quyền vì cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái.

Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ có nhiều hành động nhắm vào quân đội Myanmar và gây thiệt hại lên ban lãnh đạo chính quyền quân sự của Myanmar  cho đến khi nào họ đảo ngược tiến trình.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho hay đã áp đặt chế tài lên 7 thành viên chủ chốt của quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng lực lượng sát thương chống lại người biểu tình, chỉ định chế tài 15 thân nhân của các giới chức quân đội Myanmar từng bị đưa vào danh sách chế tài trước đây.

Bốn công ty mới bị bổ sung vào danh sách đen bị các chế tài thương mại có liên quan tới lĩnh vực khai thác mỏ đồng và các dịch vụ vệ tinh, theo loan báo của Hoa Thịnh Đốn.

No comments:

Post a Comment