Thursday, July 29, 2021

Dư âm từ hai sự kiện diễn ra ở Bắc Kinh

Bình Luận

Tư cách tôi đòi khúm núm của TBT/CSVN Nguyễn Phú Trọng, khi yết kiến thiên triều hoàng đế Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 6 tháng 7 vừa qua là một niềm quốc nhục khó phai mờ trong lịch sử dân Việt.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Lý Nhuệ với tựa đề: “Dư âm từ hai sự kiện diễn ra ở Bắc Kinh” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Lý Nhuệ

Ngày 6/7/2021, trước màn hình trực tuyến, với hàng trăm nhóm tự xưng là các “chính đảng”, Chủ tịch Tập Cận Bình múa đại đao “lục lâm thảo khấu”. Ông lớn tiếng kêu gọi các đảng chính trị trên thế giới tập hợp nhau để chống lại một quốc gia (ám chỉ là Hoa Kỳ) đang tiến hành “phong toả công nghệ” đối với Trung Quốc và dám coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ. Trong khi Tổng thống Joe Biden công cán châu Âu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nền dân chủ cùng chí hướng, bao gồm cả Liên minh châu Âu lẫn Nhật Bản để phối hợp lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sự cam kết và ủng hộ từ các quốc gia được cho là thân thiện với mình như Bắc Hàn và Serbia. Khẩu hiệu tập hợp lực lượng lần này là đấu tranh chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền.

Một tuần lễ trước đó, ngày 1/7/2021, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của ĐCSTQ, từ quảng trường Thiên An Môn, ông Tập cũng lớn giọng răn đe: “Ai có ý định bắt nạt Trung Quốc sẽ phải húc đầu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép, rèn đúc từ máu thịt của hơn 1.4 tỷ người dân Trung Hoa…”

Chủ đề xuyên suốt hai bài diễn văn chỉ cách nhau một tuần lễ – mồng 1/7 dành cho “thần dân” và mồng 6/7 dành cho bọn “bạch quỷ” – thống nhất ở một nội dung: ông Tập cố chứng minh tính vượt trội của mô hình chuyên chế Trung Hoa (autocracy) so với các chế dộ dân chủ ở các nước phương Tây (democracy).

Đối với cả hai sự kiện trên, đặc biệt là đối với Hội nghị Thượng đỉnh, mọi tờ báo “lề Đảng” ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ, từ báo viết đến báo mạng, đều “lên đồng tập thể” nhất loạt ngợi ca, thậm chí chạy tít chữ to trên trang nhất các báo: “Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới”. Cứ như là có một Hội nghị thượng đỉnh thực sự, với sự tham dự của 10.000 đại biểu (ảo) đến từ hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới. Than ôi, tất cả chỉ là ảo và ảo.

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sản phẩm qua bảy lần Đại hội của Đệ Tam quốc tế, thực tế đã lụi tàn trước cả sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội thế giới cách đây hơn 20 năm từ thế kỷ trước. Nay không nhẽ một đại cường như CHND Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ do ông Tập cầm đầu và trên lý thuyết sẽ làm Chủ tịch nước suốt đời (sau khi đã sửa Hiến pháp), lại chỉ “vò võ một mình” dưới gầm trời này mà không có đồng minh, đối tác hay bạn hữu.

Đấy mới là nguyên nhân sâu xa khiến ông Tập và dàn cố vấn nghĩ ra cái gọi là “Thượng đỉnh” đặc biệt. Điều trớ trêu là tại diễn đàn ấy, TBT Nguyễn Phú Trọng đã “chúc mừng nồng nhiệt” những thành tích của ĐCSTQ, cảm ơn Trung Quốc đã viện trợ để Việt Nam đánh Pháp và đánh Mỹ. TBT Việt Nam hiển nhiên không nhắc gì đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979, cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và vụ thảm sát trên đảo Gạc Ma năm 1988. Những sự kiện đau lòng này được TBT Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của ĐCSTQ. Đọc những lời ông Trọng tâng bốc Trung Quốc lên mây xanh, con dân nước Việt của ông chắc chắn không hề biết rằng, tại lễ kỉ niệm sinh nhật ngày 1/7, có một màn hình lớn trình chiếu các sự kiện nổi bật trong lịch sử đảng này trên quảng trường Thiên An Môn. Bản biên niên sự kiện ấy đã được đăng tải trước đó ít ngày trên cả Tân hoa xã, trong đó Trung cộng bổ sung các sự kiện mới liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Những sự kiện này trước đây đã không hề được nhắc đến trong lần kỉ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ hồi 2011.

Kỳ lạ hơn nữa là sự phụ hoạ thái quá của ĐCSVN đối với cuộc Hội nghị tại Bắc Kinh lại diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang phải gồng mình đối phó với hàng loạt các thách thức đối nội và đối ngoại kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 đến nay. Vỡ trận COVID-19 ở Sài Gòn, tâm trạng nơm nớp lo sợ ngay ở thủ đô và tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, rồi Trung Quốc đang lù lù chuẩn bị đưa tàu nghiên cứu xuống Biển Đông. Biển Đông vốn là vấn đề đang gây chia rẽ giữa Việt Nam với một số thành viên ASEAN. Trước tình hình phức tạp do các hành động ngang ngược của Trung Quốc, đáng ra Nguyễn Phú Trọng phải tận dụng mọi diễn đàn quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng không, ông Trọng đã không làm như thế! Ngược lại, ông cho Bộ Ngoại giao toa rập với Trung Quốc và Nga, tránh phê phán cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, nhưng lại lên án Mỹ trong vấn đề Cuba. Tất cả những điều này làm cho giá trị địa-chính trị của Việt Nam giảm sút, chứ không phải “đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.

No comments:

Post a Comment