Thưa quý thính giả,
Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân diễn đọc.
Thực tế, thời gian qua, cộng đồng hoạt động đã kinh ngạc khi thấy rằng có nhiều người không hề xuất hiện trên mạng xã hội, nghĩa là không có ảnh hưởng nhiều và rõ nét, thì bị bắt (như ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An, án 20 năm tù). Trong khi đó, nhiều “hot facebooker” thì lại vẫn bình yên. Để giải đáp thắc mắc này, có lẽ phải đợi đến thời kỳ hậu cộng sản, khi các hồ sơ bị bạch hóa, thì chúng ta mới có được câu trả lời.
Nhà hoạt động có thể bị gán ghép vào những tội không liên
quan đến chính trị. Điều này vừa giúp nhà cầm quyền giấu được lý do
thực sự của việc bắt một ai đó, lại vừa biện hộ được cho luận điệu “ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, tù chính trị, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý theo pháp luật”.
Một số ví dụ có thể kể đến:
- Bà Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vì tội “gây rối trật tự công cộng” trong vụ án kỳ khôi “hai xe máy đi hàng ba” vào ngày 11/02/2014 tại Lấp Vò, Đồng Tháp.
- Ông Trương Minh Tam bị bắt vì tội “cưỡng đoạt tài sản công dân” ngày 07/10/2013.
- Anh Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduku) bị bắt vì tội “giao cấu với vị thành niên” ngày 21/8/2013 tại Hà Nội.
- Ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị bắt năm 2008 và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt năm 2012 đều bị khép tội trốn thuế.
Tất cả các “tội” này đều là kết quả của sự vu khống, bịa đặt, dựng chuyện và cưỡng ép từ phía nhà cầm quyền (được gọi một cách sang trọng là “làm án”).
Về căn bản, chuyện làm ăn kinh tế, thuế má, nợ và thu nợ… là những hoạt động dân sự bình thường của công dân, không vi phạm pháp luật, không thể bị hình sự hóa. Gây rối trật tự công cộng (nếu có, và nếu công an chứng minh được) cũng chỉ bị xử lý bằng phạt hành chính là cùng. Nhưng công an cần hoặc muốn bắt những người đó, nên phải làm án cho bằng được. Ở đây, ta có thêm một lý do giải thích việc công an bắt một nhà hoạt động nào đó: Ấy là do nhà hoạt động ấy sơ ý tạo điều kiện cho công an làm án một cách dễ dàng.
Trong những năm gần đây ở Việt Nam, có sự nổi lên của các công ty, tập đoàn lớn, lũng đoạn cả nền kinh tế (nhờ may mắn được sự hậu thuẫn của đảng và nhà nước cộng sản). Việc những công ty, tập đoàn đó cấu kết với nhà nước, mượn tay chính quyền, thuê công an để đàn áp và bắt bớ các nhà hoạt động, là có thật.
Sự liên kết giữa tư bản và nhà nước luôn là một mối đe dọa lớn đối với nền dân chủ ở bất kỳ nước nào. Riêng đối với Việt Nam, tư bản đỏ cấu kết với nhà nước đã trở thành một thế lực phá hoại phong trào dân chủ.
No comments:
Post a Comment