Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng CSTQ chứng kiến sự thoái hóa và bản chất phản động của một băng đảng tội ác chống nhân loại, tuy hung hăng, nhưng đang trên đà hủy diệt.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Willy Wo-Lap do Lê Minh Nguyên dịch với tựa đề: “Nhìn lại 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc – những khoảnh khắc tự do” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Tác giả: Willy Wo-Lap Lam
Lê Minh Nguyên, dịch
Sau khi Mao Trạch Đông (1893-1976) trở thành nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), năm 1936, ông bắt đầu thanh trừng toàn diện thế hệ trí thức có tư tưởng tự do từ sớm trong đảng ngay trụ sở tạm thời của đảng ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây.
Kể từ đó, ĐCSTQ phần lớn tuân theo mệnh lệnh của Mao rằng “quyền lực chính trị bắt nguồn từ nòng súng” và cả đảng viên cũng như công dân phải là “răng bánh xe của cỗ máy” trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của đảng. Việc tẩy não và thanh trừng tàn nhẫn những ai phản đối chế độ độc tài của Mao vẫn là mệnh lệnh cho đến khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1976.
Những người theo chủ nghĩa tự do bị thanh trừng và loại trừ từ sớm dưới thời Mao
Trong thời kỳ “độc tài của giai cấp vô sản” mà đỉnh cao là Cách mạng Văn hóa (1966-1976), hầu hết các trí thức có tư tưởng độc lập đều bị gán cho là “cánh hữu” và phần lớn những người bất đồng chính kiến đầu tiên này bị đày đến vùng biên giới Đông Bắc cằn cỗi hoặc Tân Cương nghèo khó. Một số người theo chủ nghĩa tự do, bao gồm các sinh viên Lin Zhao (1932-1969) và Zhang Zhixin (1930-1975), dám thách thức Mao và đã bị xử tử.
Các cải cách chính trị thời hậu Mao của Đặng bao gồm việc cho phép các cuộc bầu cử cấp làng xã, xóa bỏ sự sùng bái cá nhân, thiết lập cơ chế nghỉ hưu và chuyển quyền lãnh đạo cũng như tách đảng và chính phủ thành hai định chế riêng. Kiến trúc sư vĩ đại của Cải cách này nói thêm rằng, cơ chế thị trường có thể được sử dụng bởi cả các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản, do đó mở ra con đường cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đóng những vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Người kế nhiệm họ Đặng là Triệu, từng giữ chức Thủ tướng TQ từ 1980-1987 và Tổng bí thư ĐCSTQ từ 1987-1989, đã rất ấn tượng với hệ thống kinh tế thị trường tự do (laissez-faire) của phương Tây đến mức ông thường xuyên tham khảo ý kiến của các nhà kinh tế phương Tây và Trung Quốc ở nước ngoài về các hoạt động kinh tế tư bản.
Tất cả các cải cách đều bị đóng băng dưới thời quay về Mao của Tập Cận Bình (1953 -), là người đã trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ năm 2012 và sau đó đã áp dụng lại nhiều chính sách chính trị và kinh tế dựa theo tư tưởng Mao.
Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập, nhà lãnh đạo tối cao Tập tuyên bố rằng, TQ đã bước vào “giai đoạn mới của chủ nghĩa xã hội mang đặc tính TQ”. Bộ máy tuyên truyền chỉ ra rằng Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ là tinh thần chỉ đạo trong các vấn đề từ tài chính, phúc lợi xã hội đến chính sách đối ngoại và quân sự. Theo ông Tập, “con đường Trung Quốc” thích hợp hơn là “mô hình phương Tây” cho sự phát triển trong tương lai của thế giới, và ông cũng đã đưa ra tầm nhìn quốc tế về một “cộng đồng có vận mệnh chung cho nhân loại” được dẫn dắt bởi sự lãnh đạo chủ yếu của TQ trong cộng đồng toàn cầu.
Mặc dù nhiều người đã viết về “mô hình Trung Quốc” mà cơ bản nó bao gồm chủ nghĩa độc tài cứng rắn, bộ máy nhà nước-công an trị, sự kiểm soát của đảng-nhà nước lên hầu hết nền kinh tế, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan công khai. Đặc biệt, chính quyền Tập đã dựa vào sự thao túng lịch sử để củng cố tính chính danh của đảng. Lễ kỷ niệm một trăm năm có ý nghĩa quan trọng đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ, các phương tiện truyền thông đã nhấn mạnh cách TQ thành công trong việc chống lại các chủ nghĩa đế quốc cũ và mới — bao gồm cả các cường quốc phương Tây do Mỹ lãnh đạo kể từ Thế chiến II — và đồng thời cho thấy “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc TQ”.
Những sai lầm tồi tệ bao gồm Ba năm chết đói của Mao, thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 của Đặng, hệ thống giám sát và đàn áp bằng kỹ thuật số của Tập – những điều xảy ra ở Tân Cương dẫn đến cái mà ngày càng nhiều nước phương Tây gọi là tội ác chống lại loài người và diệt chủng – là các chủ đề mà hiếm khi được các phương tiện truyền thông nhà nước, với sự kiểm duyệt gắt gao, đề cập đến.
Trong những năm qua, Chủ tịch Tập đã đề cao nhu cầu ổn định chính trị và an ninh quốc gia để tránh các sự kiện bất ngờ (black swan). Sự siết chặt của ĐCSTQ đối với xã hội dân sự – thể hiện qua việc gần đây tăng án tù ngay cả đối với những người bình luận trên Internet – việc gia tăng đàn áp này nó phản bội lại nỗi sợ hãi dữ dội của giới lãnh đạo đảng cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sức mạnh quân sự toàn cầu đang phát triển nhanh không thể chỉ dựa vào vũ lực đối với các công dân để họ phục tùng.
Nhưng không có gì cho thấy ông Tập và các cố vấn của ông sẽ xem xét lời khuyên đầy ý nghĩa của các cán bộ và trí thức theo khuynh hướng tự do kể từ khi thành lập ĐCSTQ, rằng con đường phía trước cần phải bao hàm các giá trị quốc tế đích thực.
No comments:
Post a Comment