Kính thưa quý thính giả, sử sách ghi lại gần một ngàn năm trước, Thái bảo Lý Thường Kiệt đem quân chiếm lấy Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm của nước Tàu. Trong cuộc chiến này có một dũng tướng được lệnh dẫn quân tiến chiếm Châu Ung và người đã hoàn thành nhiệm vụ bằng chiến thắng oanh liệt. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Dũng Tướng Tôn Đản” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Tôn Đản tên thật là Nùng Tôn Đản sinh năm 1046 tại tổng Kim Pha, thuộc Thái Nguyên (nay là Cao Bằng). Cha ông là Nùng Tồn Thương làm Châu mục Quảng Nguyên, là người có công giúp nhà Lý bình định vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn.
Tôn Đản là một trong những Tù trưởng nổi tiếng giỏi võ, được đức Lý Thường Kiệt trọng dụng giao chỉ huy đoàn quân thiện chiến.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, vua Lý Nhân Tông mới 6 tuổi lên nối ngôi. Nhà Tống cho rằng đây là một cơ hội tốt nên chuẩn bị xâm lăng Đại Việt.
Lúc bấy giờ, Vương An Thạch lên nắm quyền Tể tướng nhà Tống, có ý lập công ở ngoài biên giới. Quan giữ chức Tri châu của Châu Ung là Tiêu Chú đoán biết ý định của Vương An Thạch, liền dâng thư nói rằng, Giao Châu tuy đã giữ đúng lệ triều cống nhưng thực ra thì không phục, nếu không đánh chiếm về sau này sẽ mang họa.
Vua nhà Tống tin lời, ra lệnh cho Trầm Khởi Tri châu Quế Châu chuẩn bị quân sang đánh Đại Việt. Về sau Trầm Khởi mắc tội nên bị bãi chức, Lưu Di được cử thay thế, đóng thêm chiến thuyền để tiến quân bằng đường thủy. Khi đó, Nhà Tống ra lệnh cấm các châu huyện mua bán với Đại Việt. Vua Lý Nhân Tông gửi kháng thư liền bị Lưu Di ém nhẹm.
Nghe tin nhà Tống có ý đồ xâm lấn Đại Việt, đức Lý Thường Kiệt tâu với vua Lý Nhân Tông rằng: “Ngồi chờ quân địch đến, chi bằng ta đánh trước.”
Vua chuẩn tấu, giao cho Lý Thường Kiệt thống lãnh 10 vạn quân đánh phủ đầu quân Tống ngay trên đất Tống. Đích thân đức Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh vào châu Khâm với châu Liêm, và giao cho Tôn Đản tấn công châu Ung.
Châu Ung ở cách xa biên giới Đại Việt, có thành trì kiên cố, quân số đông đảo, lương thực dồi dào và vũ khí đầy đủ. Theo đức Lý Thường Kiệt, nếu không chiếm được châu Ung thì rất dễ bị sa lầy, bất lợi cho Đại Việt.
Ngày 30/12/1075, quân Đại Việt chiếm được Châu Khâm.
Ngày 2/1/1076, quân Đại Việt tràn vào Châu Liêm.
Ngày 1/3/1076, tướng Tôn Đản chiếm cứ Ung Châu. Thái thú Tô Giám của nhà Tống thua trận, giết chết 36 thành viên trong gia đình rồi tự sát.
Đô giám của Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu viện, nhưng bị đoàn quân của đức Lý Thường Kiệt chận đánh ở cửa ải Côn Luân, Trương Thủ Tiết bị chém chết tại trận. Tổng kết có 8 ngàn quân Tống tử trận, hàng chục ngàn tù binh ở 3 châu bị áp giải về Đại Việt.
Sau thắng lợi, đức Lý Thường Kiệt được phong làm Nguyên soái Phục quốc Thái úy và Tôn Đản được thăng chức Trung Lang tướng quân. Về sau, Tôn Đản được phong chức Ngự tiền Đô thống lãnh tại kinh thành Thăng Long.
Hai năm sau, nhà Tống lại mang đại quân sang đánh Đại Việt.
Dưới sự chuẩn bị của đức Lý Thường Kiệt, quân dân Đại Việt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt và giao chiến với quân Tống suốt mấy năm liền. Giặc Tống bị tổn thất nặng nề phải rút quân về nước, trong số này có cái gọi là “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” được triều đình nhà Tống chiêu hàng, gửi sang đánh Đại Việt đều bị giết chết tại Như Nguyệt.
Chính trong trận chiến giữ nước hào hùng này, bài cổ thi “Nam Quốc Sơn Hà” với 4 câu thơ của đức Lý Thường Kiệt phổ biến mỗi đêm đã khích động tinh thần yêu nước, nên quân dân nước Việt quyết tử chiến với giặc Tống. Bốn câu thơ này trở thành Bản tuyên ngôn Độc lập của dân tộc:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Có nghĩa là:
Sông núi nước Nam, vua Nam trị vì,
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bây trái mệnh đòi xâm chiếm,
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham.
* * *
Trong lịch sử Việt Nam, cuộc tấn công đánh phủ đầu quân Tống do đức Lý Thường Kiệt chỉ huy là cuộc tiến đánh duy nhất vào nước Tàu của triều Đại Việt, tính từ cuộc khởi nghĩa đánh chiếm 64 thành trì của Hai Bà Trưng. Sau này cũng có Nùng Trí Cao, một Tù trưởng ở phía Tây Bắc nước Việt đánh chiếm nhiều châu huyện của nhà Tống.
Dũng tướng Tôn Đản đã không phụ lòng tin cậy của đức Lý Thường Kiệt khi dẫn quân tiến đánh Ung châu và đã liệt oanh chiến thắng. Tên tuổi danh tướng Tôn Đản được ghi vào trang sử, chứng tỏ là từ một ngàn năm trước, triều đình nhà Lý rất thành công trong việc chiêu hiền đãi sĩ, đối xử tử tế với các dân tộc thiểu số, thậm chí còn gả nhiều công chúa cho các Tù trưởng ở vùng Tây Bắc.
Và đó là cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định sáng suốt của Thái úy Lý Thường Kiệt, thay vì ngồi chờ quân Tống tràn sang tàn phá đất nước thì cách phòng thủ tốt nhất là tấn công qua đất địch. Quyết định này đã khiến cho trang sử Việt ghi thêm điểm son sáng chói: Trung lang tướng Tôn Đản.
No comments:
Post a Comment