Tuesday, July 13, 2021

Đảng “kiện toàn nhân sự lãnh đạo” để củng cố chức năng toàn trị và những thách thức

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, trong khi trào lưu dân chủ đang thịnh hành trên thế giới thì đảng CSVN lại càng khuông rập theo mô hình toàn trị của đàn anh CSTQ và lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình.  Mời quý thính giả nghe phần bình luận của Phạm Quý Thọ với tựa đề: “Đảng “kiện toàn nhân sự lãnh đạo” để củng cố chức năng toàn trị và những thách thức” sẽ được Song Thập  trình bày để kết thúc chương trình phát thanh của đài ĐLSN tối hôm nay.


  1. Phạm Quý Thọ

Hội nghị Trung ương 3 đang diễn ra từ ngày 5/7/2021 tại Hà Nội để tiếp tục “kiện toàn nhân sự lãnh đạo” sau những bất ổn thể chế. Quá trình này là trọng tâm, đang tạo ra sự thay đổi quyết liệt nhưng đồng thời chứa đựng những thách thức chủ yếu.

Công tác “Kiện toàn nhân sự lãnh đạo” vẫn mang nặng tính hình thức, Đảng chọn – Quốc hội bầu, nhưng có đan xen những “thử nghiệm” táo bạo và quyết đoán về điều động và luân chuyển các Ủy viên trung ương.

“Kiện toàn nhân sự lãnh đạo” đang tiếp tục đối với bộ máy Nhà nước, nhưng mang nặng tính hình thức. Đây là quá trình hiện thực hoá, hợp pháp hoá các nhân sự của Đảng CS đối với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị. Tại Hội nghị Trung ương 2, tháng 3/2021, các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được xác định, nay Hội nghị Trung ương 3, tháng 7/2021 sẽ xem xét và thông qua 23 chức danh còn lại để giới thiệu cho Quốc hội khoá 15 bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất….

Sự chia rẽ trong nội bộ vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của quá trình “kiện toàn nhân sự lãnh đạo”. Về nguyên lý, “kiện toàn” là sự sàng lọc cán bộ lãnh đạo có nguy cơ “suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống” và xây dựng bộ máy cai trị trong sạch và có năng lực hướng đến “đảng mạnh và nhà nước mạnh”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng quá trình này rất phức tạp và mang tính đặc thù xuất phát từ những bất ổn thể chế, được “tích tụ” trong nhiều năm, mà biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài là sự chia rẽ sâu sắc trong bộ máy lãnh đạo ở cấp cao nhất của đảng và chính phủ, mà đỉnh điểm là quyền lực tuyệt đối của Tổng Bí thư đảng bị thách thức bởi Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 11.

Các giới hạn tuổi và nhiệm kỳ về chuyển giao quyền lực bị phá vỡ, “các trường hợp đặc biệt” nhiều hơn, có thể tạo ra tiền lệ xấu. Ông Tổng Bí thư đang ở đỉnh cao quyền lực và đang đặt cược triển vọng của đất nước vào chính bản thân ông, nhưng hạn chế về sức khoẻ và tuổi tác khiến cho việc chuyển giao quyền lực ở nhiệm kỳ khoá 13 là khó tránh khỏi, và “cuộc cạnh tranh” trong giới lãnh đạo cao cấp để thể hiện lòng trung thành và giành quyền kế vị có thể chứa đựng bất ổn.

Quá trình chống tham nhũng quyết liệt, chiến dịch “đốt lò” đang thử thách sự trung thành của quan chức trong bộ máy. Cho dù kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo đảng với sứ mệnh làm trong sạch đội ngũ, nhưng việc trừng phạt nhiều lãnh đạo vì lý do “định tính” như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng kỷ cương, nể nang … làm cho nhiều cán bộ cảm thấy phân vân, không biết sự ưu tiên cải cách là gì và không có vị trí cao, trung cấp nào có thể an toàn, và không ai muốn thử nghiệm. Mặc dù sự thanh lọc được mô tả là “tâm phục khẩu phục”, nhưng một cảm xúc “gây thù” hơn là  “thân tín” đang bao trùm. Lòng trung thành chính trị, ngay cả dưới các chế độ chuyên chế, cũng có thể thay đổi.

Những thay đổi về nhân sự lãnh đạo diễn ra quyết đoán hơn, các quyết định thay thế, luân chuyển giữa các vị trí chuyên trách đảng và kỹ trị được thực thi nhanh chóng từ cấp cao nhất như Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm mục đích củng cố chức năng toàn trị đang hạn chế dân chủ nội bộ. Hơn thế, những thay đổi này dường như không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào từ giới lãnh đạo do nỗi sợ hãi bị trừng phạt và từ dân chúng vốn thụ động tham gia chính trị. Điều này không thể phản ánh năng lực lãnh đạo của đảng. Bởi vậy, những tác động của chính sách cần có thời gian kiểm định. Tuy nhiên, về nguyên tắc, quyền lực tập trung để củng cố chức năng toàn trị, trong đó đảng nỗ lực quay lại nắm quyền chỉ đạo kinh tế có thể tạo ra sự song trùng, chồng chéo, thậm chí rối loạn phối hợp giữa các thể chế trong hệ thống chính trị, làm trì hoãn kéo dài các dự luật liên quan đến nhân quyền như hội họp, biểu tình….

Thực tế cho thấy mỗi khi có khủng hoảng thì phản ứng tất yếu của mô hình toàn trị (totalitarianism) dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là quyền lực lại được tập trung cao hơn để đối phó. Khi chuyển kinh tế sang thị trường, động lực tăng trưởng được khuyến khích, một mô hình chuyên chế (authoritarianism), bớt toàn trị hơn, được quan sát thấy, nhưng không phản ánh quá trình dân chủ hoá. Các “con hổ” châu Á, sau thành công về kinh tế, đã chuyển đổi sang thể chế dân chủ, nhưng đó không là bài học cho các nước cộng sản. Mô hình Trung Quốc đang phản ánh sự chuyển động ngược từ chuyên chế sang toàn trị, mà Việt Nam là bản sao. Ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều thường được diễn giải có lợi cho chế độ, trong đó bộ máy nhân sự đặc quyền luôn là ưu tiên đảm bảo sự tồn vong của nó. Kết quả ngắn hạn của những thay đổi tuỳ thuộc nhiều vào các chính trị gia và ý chí đeo bám quyền lực của họ, mặc dù họ không thể cai trị mãi được.

No comments:

Post a Comment