Kính thưa quý thính giả, một người nổi tiếng về đạo đức, có khí phách của kẻ sĩ, từ chối lời mời “di tản” của chính phủ Đài Loan, cương quyết không trình diện theo lệnh của CSVN. Sau mấy tháng lẫn tránh, ông bị bắt trên đường vượt biên và qua đời trong trại giam Chí Hòa, sau 3 năm 8 tháng đấu tranh không nhân nhượng. Tên tuổi ông gắn liền với tương lai các thế hệ trẻ trong lãnh vực giáo dục và văn hóa. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thủ Tướng Phan Huy Quát” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Bác Sĩ Phan Huy Quát sinh năm 1908 tại Nghệ Tĩnh, thuộc giòng họ có truyền thống văn chương và khoa bảng. Ông tham chính nhiều lần, từng làm Tổng Trưởng Giáo Dục, Tổng Trưởng Quốc Phòng và lần cuối cùng giữ chức vụ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965.
Ông là thành viên của Đại Việt Quốc Dân Đảng và còn là Chủ tịch Liên minh Á châu chống Cộng (Phân bộ Việt Nam) và cũng là Chủ nhiệm Tuần báo Diễn Ðàn tại Sài gòn, năm 1972.
Một tuần trước ngày 30/4/1975, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ngõ lời mời ông qua Đài Loan trú ngụ nếu như Hoa Kỳ chưa lo liệu. Lúc đó, ông chưa có quyết tâm ra đi nên chỉ nói lời cảm ơn và từ chối.
Ngày 28/4/1975, chính phủ Hoa Kỳ hứa đưa ông và gia đình qua Mỹ theo cuộc triệt thoái nhân viên D.A.O, nhưng điểm hẹn bị tràn ngập và vì tình hình căng thẳng, đường dây điện thoại của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bị tắt nghẽn, nên ông và gia đình không có mặt trên chuyến bay cuối cùng rời VN.
Ngày 30/4/1975, Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam VN, ông rời nhà ở đường Hiền Vương di chuyển lẫn tránh, quyết không để lọt vào tay CS. Cứ đôi ba ngày, ông thay đổi nơi tạm trú và không ra trình diện theo lệnh của Ủy ban Quân quản. Sau gần 3 tháng mệt mõi, ông về tá túc tại nhà trưởng nữ ở quận Phú Nhuận.
Nhận thấy Cộng sản gian manh, xão trá, trù dập, bỏ tù các Quân – Cán – Chính Việt Nam Cộng Hòa và biết không thể sống dưới chế độ bất nhân, nên ông tìm đường vượt biên.
Ngày 16/8/1975, trên đường vượt biên tìm tự do, ông và con trai út là Phan Huy Anh bị CS bắt vì nội phản.
Trong suốt cuộc đời của Bác sĩ Phan Huy Quát, việc làm có ý nghĩa lớn lao nhất của ông là giành được chủ quyền cho ngành giáo dục Việt Nam, khi ông được giao chức vụ Tổng Trưởng Giáo Dục trong Chính phủ đầu tiên của Quốc Gia Việt Nam mới vừa thành lập.
Nhờ lòng yêu nước với tính kiên nhẫn, thái độ khéo léo mềm mỏng, nhưng cương quyết trong việc thương thảo với phái đoàn Pháp (mà một số thành viên trong đó là thầy cũ của ông ở Đại học Y khoa Hà Nội), ông đã thành công trong việc thuyết phục chính phủ Pháp giao cho Việt Nam toàn quyền trong ngành giáo dục.
Ông đặt nền móng vững chắc cho việc xử dụng Việt ngữ là ngôn ngữ chính trong mọi học trình, mở đầu kỷ nguyên cải cách giáo dục toàn diện từ Tiểu học, Trung học và Đại học. Pháp ngữ đã trở xuống thứ hạng như các sinh ngữ khác trong các chương trình giáo dục.
Công cuộc tiến hành cải cách giáo dục của ông được báo chí thời đó xưng tụng là “Kế hoạch giáo dục Phan Huy Quát”. Từ đó, tên tuổi ông đã gắn liền với tương lai của nhiều thế hệ trong lãnh vực văn hóa giáo dục.
Sau khi nhốt ông tại nhà giam Chí Hòa, Việt Cộng một mặt mời gọi ông làm việc cho chế độ, mặt khác dùng gia đình ông, đa số là phụ nữ và trẻ em, là những con tin hữu hiệu để lấy lợi thế đe dọa, đày đọa tinh thần, buộc ông phải quỳ lụy, nhưng ông đã hiên ngang tuyên bố bất hợp tác với Cộng sản.
Khi bị bắt buộc viết “Bản tự kiểm”, ông chỉ viết vắn tắt là: “Trong thời gian tôi ở cương vị Thủ Tướng, tôi lãnh đạo đất nước, tôi chỉ đạo cuộc chiến chống Cộng. Tất cả mọi cấp, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất ở mọi ngành quân – dân – cán – chính, đều làm việc theo chỉ thị và mệnh lệnh của tôi. Một mình tôi chịu trách nhiệm”.
Ngày 27/4/1979, ông qua đời trong trại giam Chí Hòa vì bệnh viêm gan mà không được chữa trị. Thân nhân ông được Việt Cộng hứa cho phép quàn thi hài ông tại chùa Xá Lợi, nhưng đến giờ chót bọn chúng bội hứa, vì ngày 28/4/1979, ông Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến Sài Gòn. Việt Cộng sợ dư luận Quốc Tế biết bọn chúng đã đày đọa, không trị bệnh và bỏ mặc một cựu Thủ Tướng miền Nam VN chết trong tù, nên chúng bắt buộc thân nhân ông phải chôn cất ông ngay ngày hôm sau.
*****
Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát đã vĩnh viễn nằm xuống sau 3 năm, 8 tháng đấu tranh không nhân nhượng với CS. Hành động của ông đã chứng minh, kẻ sĩ không hèn yếu và nhu nhược dù bị đọa đày trong ngục tù. Dù ông đã ra đi, nhưng không có thành công nào có thể đẹp hơn và lâu bền hơn thành công của ông trong lãnh vực văn hóa giáo dục cho nước nhà.
Đã 42 năm sau ngày ông mất, người Việt Quốc Gia vẫn luôn ghi nhớ tinh thần ái quốc, tấm lòng, công lao, và nhất là sự tận tâm phục vụ đất nước của ông. Cuộc đời của cựu Thủ tướng Phan Huy Quát là một điểm son, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ kế thừa noi theo./.
No comments:
Post a Comment