Sunday, July 25, 2021

Đảng Cộng Sản Tàu: 100 tuổi đảng

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Mọi đảng cộng sản nắm được quyền trên thế giới đều có những sách lược và chiến thuật đáng khâm phục. Song, tất cả các đảng cộng sản khi cướp được chính quyền đều cố tẩy xóa, bóp méo nhiều sự thật lịch sử. Đảng Cộng Sản Nga Xô (Bôn Sê Vích), Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Việt Nam đều giống nhau tuyệt đối ở điểm bóp méo lịch sử này. Bởi các đảng này đều nắm quyền lực không dựa trên lá phiếu của dân chúng. Hôm nay chúng ta sẽ xem một số điểm lịch sử liên quan tới Đảng Cộng Sản Trung Hoa nhân dịp đảng này mới tròn 100 tuổi.

Trung Hoa vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là một quốc gia thất bại về mọi mặt trước sự cường thịnh của các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Nhật Bản. Như qui luật tự nhiên, một số thành phần dân chúng Trung Hoa muốn giành lại danh dự, độc lập cho đất nước. Trong phong trào phục quốc này xuất hiện nhiều tư tưởng, trường phái, đường lối khác nhau, trong đó có đường lối rất tiến bộ của Tôn Dật Tiên người theo lí tưởng dân chủ phương Tây kết hợp với truyền thống văn hóa Trung Hoa mà chúng ta thường nghe là thuyết Tam Dân.

Tôn Dật Tiên đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, xóa bỏ nhà nước quân chủ và khai sinh ra nhà nước Trung Hoa hiện đại gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên, Trung Hoa Dân Quốc tồn tại trong một bối cảnh rất khó khăn giữa sự lấn lướt của các thế lực nước ngoài và sự xung đột nội bộ, đặc biệt là sự xuất hiện của Đảng Cộng Sản Trung Hoa theo đường lối cộng sản Nga Xô, Đệ Tam Quốc Tế.

Cuộc xung đột Quốc-Cộng ở Trung Hoa bắt đầu từ năm 1927. Năm 1931, Đảng Cộng Sản Trung Hoa đứng đầu là Mao Trạch Đông đã tự tuyên bố thành lập một nhà nước mới lấy tên là Cộng Hòa Xô Viết Trung Hoa, đặt thủ đô ở Thụy Kim tỉnh Giang Tây. Kể từ đây cuộc xung đột có tính chất nội chiến Quốc-Cộng tại Trung Hoa bắt đầu giữa hai đảng, hai lãnh tụ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông.

Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Hoa vào năm 1931 và thành lập ra một nhà nước bù nhìn để phục vụ cho tham vọng bá quyền của Nhật Bản. Đây là một sự kiện hết sức nhục nhã cho toàn dân Trung Hoa bởi hàng ngàn năm qua, người Trung Hoa vẫn coi Nhật Bản như một xứ sở lệ thuộc.

Trong bối cảnh này, Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng, vừa kình chống lẫn nhau và vừa kêu gọi đánh đuổi Nhật Bản. Tuy nhiên, Quốc Dân Đảng lúc này mạnh hơn, được quần chúng nhân dân ủng hộ lớn hơn. Ngoài ra, bản thân Tưởng Giới Thạch là người đã trực tiếp đi thị sát Nga Sô và không tán thành mô hình chính trị cộng sản. Tưởng Giới Thạch một mặt quyết tâm tiêu diệt đảng cộng sản, mặt khác tích cực chống Nhật. Trong khi đó Mao và đồng đảng chỉ nhằm mục tiêu chống Tưởng còn việc chống Nhật chỉ có tính chất tuyên truyền.

Trong công cuộc kháng Nhật, Quốc Dân Đảng đã bị mất hơn một triệu quân, sự mất mát này làm thay đổi cán cân lực lượng giữa hai phe Quốc-Cộng mà phần lợi nghiêng về phía Cộng Sản. Đây là sự kiện lịch sử mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa không bao giờ dám thừa nhận.

Năm 1949, với sự trợ giúp của Nga Xô, Mao đã thắng Tưởng và lập ra nhà nước cộng sản mang tên Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch đã đưa đồng đội và người ủng hộ ra đảo Đài Loan thành lập nhà nước Cộng Hòa Trung Hoa. Từ đó tới nay, sau hơn 70 năm, hai mô hình này đã cho chúng ta thấy đâu là nhân bản, ưu việt, đâu là con đường đúng đắn. Đài Loan hiện nay dù chưa được là thành viên của Liên Hợp Quốc nhưng là một quốc gia có thu nhập đầu người đứng thứ 13 trên thế giới; trong khi đó Trung Cộng xếp hạng thứ 70. Đài Loan cũng là quốc gia được xếp hạng thuộc các quốc gia dân chủ, tự do hàng đầu thế giới. Đây là một trong những lí do khiến Bắc Kinh luôn ghen tị và luôn hăm dọa Đài loan.

Từ năm 2012 tới nay, Tập Cận Bình đã từ bỏ sách lược kín đáo của Đặng Tiểu Bình trong cuộc cạnh tranh với thế giới. Không những thế, Tập còn ôm mộng trở thành hoàng đế trong đảng như Mao. Theo giới phân tích chính trị, chính sách này của Tập chắc chắn sẽ đưa tới những khủng hoảng như dưới thời Mao nhưng sẽ có độ khốc liệt và nguy hiểm ở mức cao hơn thời Mao vì ngày nay là thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tồn tại được 100 năm, nhưng thời gian nắm quyền của nó mới chỉ được 72 năm, so với 74 năm khi Đảng Cộng Sản Liên Xô bị giải tán vào năm 1991. Trước khi sụp đổ, các lãnh đạo của Liên Xô cũng luôn tổ chức các buổi lễ hoành tráng với những bài diễn văn nổ long trời.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

25/07/2021

No comments:

Post a Comment