Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải
1) PHÓNG VIÊN BÁO LỀ ĐẢNG BỊ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ CÁO BUỘC “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phạt hành chính với mức tiền 2,5 triệu đồng phóng viên Nguyễn Đức T. của báo Tạp chí Doanh nhân Việt Nam về cáo buộc có hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ lôi kéo, kích động người khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức.”
Cáo buộc đến từ việc vào ngày 10/6 vừa qua, phóng viên này có bình luận trong một tin nhắn Facebook với nội dung “Anh em chúng ta chiến đấu và cãi Công an Hà Tĩnh thôi” về việc công an Hà Tĩnh khởi tố một cộng tác viên của tạp chí trên theo cáo cuộc cưỡng đoạt tài sản.
Một tháng sau, phóng viên nói trên bị công an Hà Tĩnh triệu tập và tra vấn về việc bình luận ở Facebook. Truyền thông lề đảng không nói rõ người này bình luận cụ thể như thế nào.
Chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam thường xuyên sử dụng cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự để đàn áp tự do báo chí.
2) VIỆT NAM SIẾT CHẶT PHONG TOẢ CÁC THÀNH PHỐ LỚN ĐỂ NGĂN DỊCH CÚM VŨ HÁN
Nhằm hạn chế lây lan cúm Vũ Hán, nhà cầm quyền Việt Nam đã áp dụng hạn chế đi lại, tụ tập tại những tỉnh, thành bị dịch bệnh nặng nhất. Sài Gòn đã tăng cường các biện pháp phong toả và biện pháp này kéo dài đến ngày 01/8 trong khi thủ đô Hà Nội áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn từ ngày 24/07.
Các biện pháp được áp dụng bao gồm việc yêu cầu ở nhà, cấm tụ tập đông hơn hai người và đình chỉ các dịch vụ giao thông công cộng, cũng như đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu. Số lượng dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian qua sẽ giảm thêm như dịch vụ ngân hàng và chứng khoán thu hẹp xuống mức tối thiểu, các dự án xây dựng không cần thiết sẽ bị đình chỉ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã có gần 82 ngàn người nhiễm cúm Vũ Hán và có hơn 370 người bị chết vì đại dịch này.
Trên toàn quốc, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển ở khoảng 1/3 trong số 63 tỉnh thành kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4.
3) HOA KỲ SẼ KHÔNG ÁP THUẾ LÊN HÀNG HOÁ VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN THAO TÚNG TIỀN TỆ CỦA HÀ NỘI
Vào thứ Sáu ngày 23/7, Văn phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR) thông báo quyết định chính thức về hành động và hoạt động giám sát tiếp theo sau khi Washington và Hà Nội đạt được thỏa thuận về thực hành tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ không có biện pháp trừng phạt thương mại nào như áp dụng thuế chống phá giá lên hàng hoá Việt Nam vì thoả thuận giữa hai chính phủ đã đạt một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề bị điều tra.
USTR sẽ theo dõi việc thực thi của phía Việt Nam theo như qui định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Trong thông cáo của USTR, Đại diện Katherine Tai cho rằng Công nhân và doanh giới Hoa Kỳ sẽ mạnh hơn khi các đối tác định giá đồng tiền của họ một cách thỏa đáng và cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Cuộc điều tra tiền tệ Việt Nam do USTR tiến hành được khởi xướng vào tháng 10 năm ngoái theo Khoản 301 Đạo Luật Mậu dịch năm 1974 của Hoa Kỳ. Vào ngày 15/1/2021, USTR đưa ra quyết định cho rằng hành động, chính sách và thực hành của Việt Nam, trong đó có sự can thiệp quá mức và một chiều thị trường ngoại hối và những hành động liên quan khác, tất cả đều là không hợp lý và là gánh nặng hay hạn chế mậu dịch của phía Mỹ.
4) THƯỢNG NGHỊ SỸ MARCO RUBIO YÊU CẦU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG THÚC ĐẨY HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI ĐÔNG NAM Á
Vào thứ Sáu ngày 23/07, trong ngày Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lên đường công du ba nước Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Philippines, Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa, đã gửi đến người đứng đầu Ngũ Giác đài một lá thư kêu gọi thúc đẩy tự do hàng hải ở Biển Đông và khuyến khích các quốc gia đối tác tham gia các hoạt động quân sự đa phương với các thành viên thuộc nhóm Bộ Tứ và Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Rubio, hiện là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo và là thành viên cấp cao của Ủy Ban Đối ngoại Thượng Viện, đã kêu gọi Bộ trưởng Austin “tích cực phối hợp với các nhà lãnh đạo Singapore, Việt Nam và Philippines để thúc đẩy và mở rộng các nỗ lực tiến hành các hoạt động quân sự song phương và đa phương với các quốc gia thành viên của Bộ Tứ.” Ông Rubio cũng yêu cầu ông Austin tạo cơ hội để có thể tiến hành các cuộc tập trận hoặc huấn luyện trao đổi chung kết hợp với Lực lượng vũ trang Đài Loan.
Theo Rubio, việc tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là “một nhân tố quan trọng để đảm bảo việc bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như lợi ích của các đối tác.”
No comments:
Post a Comment