Sunday, July 4, 2021

Ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa các quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Hôm nay là một ngày kỉ niệm đặc biệt không chỉ liên quan tới Việt Nam chúng ta mà còn liên quan tới sự phát triển của toàn nhân loại chúng ta trong hơn một thế kỉ qua. Hôm nay, 4 tháng 7, là ngày Quốc Khánh của Hoa Kì, quốc gia mới đây đã công bố sẽ tặng 500 triệu liều vắc-xin cho nhân dân các nước khó khăn, trong đó có người dân Việt Nam.

Nói đến Hoa Kì hay Mĩ theo cách gọi thông thường, người Việt Nam chúng ta ngày nay đều liên tưởng tới một giấc mơ đổi đời tốt đẹp, đều nghĩ đến một quốc gia hùng mạnh đứng đầu hành tinh bất chấp các luận điệu tuyên truyền chống Mĩ đã được phát liên tục trong hơn nửa thế kỉ qua từ chính quyền của đảng Hồ-Tàu. Trớ trêu hơn nữa, giấc mơ tới Mĩ, đến Mĩ và sống ở Mĩ lại chính là những kế hoạch thực tế đã và đang thực hiện âm thầm của đám con cháu, thân hữu của bọn cầm quyền chóp bu Hồ-Tàu – những kẻ luôn tuyên truyền công khai hay lén lút “phải chống Mĩ”.

 

Tuy nhiên, chúng ta tạm gác lại những vấn đề trớ trêu, đau xót này của của Việt Nam để nói về ngày Quốc Khánh-Độc Lập Hoa Kì.

 

Hoa Kì ngày nay là một quốc gia liên bang bao gồm 50 tiểu Bang lớn nhỏ khác nhau, tuy nhiên, thoạt kì thủy, vào tiền bán thế kỉ 18, lúc lập quốc, Hoa Kì chỉ có 13 tiểu Bang mà tiền thân là các thuộc địa tại Bắc Mĩ của Anh Quốc, quốc gia đã cho người và các công ti tới thăm dò, khai phá lập nghiệp tại vùng đất mới mà chúng ta gọi là Bắc Mĩ từ đầu thế kỉ 17.

 

13 thuộc địa này dưới quyền quản trị của Hoàng Gia Anh. Người dân sống trong các thuộc địa được sự bảo hộ của Hoàng Gia Anh và được hưởng một số quyền tự quản như bầu ra các đại diện cho mình trong công việc điều hành hành chính, trật tự, trị an hoặc lập và thu thuế tại địa phương. Tuy nhiên, các cư dân tại thuộc địa không có quyền tham gia vào nghị viện-quốc hội tại mẫu quốc. Trong khi đó, nghị viện-quốc hội mẫu quốc lại có quyền áp đặt các nghĩa vụ, bổn phận cho 13 thuộc địa, trong đó có việc áp các sắc thuế cho thuộc địa phải nộp về mẫu quốc. Đây chính là một điểm mấu chốt trong các diễn tiến cuối cùng đã đưa tới sự bất đồng, bất bình và chống đối của 13 thuộc địa. Những cư dân tiến bộ, giàu có nhất tại 13 thuộc địa đã nhận thức ra sự vô lí của sự áp đặt này sẽ trở thành điều bất trắc nguy hiểm cho tài sản, cuộc sống và hạnh phúc của họ bởi vì chính họ là người đóng góp nuôi sống bộ máy thống trị tại mẫu quốc nhưng họ lại chẳng có quyền được có tiếng nói trong nghị viện-quốc hội nơi sẽ đưa ra các quyết định liên quan tới cuộc sống, thu nhập của họ. Nói một cách ngắn gọn, người dân tại 13 thuộc địa đòi hỏi họ phải có đại diện cho tiếng nói, quyền lợi và nguyện vọng của họ khi mẫu quốc bàn thảo, quyết định các vấn đề thuế má, ngân sách quốc gia.

 

Nhưng yêu sách chính đáng của 13 thuộc địa đã bị lần lữa, không được Vua Anh Gióoc Đệ Tam đáp ứng. Đây là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến việc 13 thuộc địa đồng thuận tách khỏi Anh Quốc để cùng nhau lập ra một quốc gia hoàn toàn mới chưa từng có tên trên bản đồ thế giới. Với sự đồng thuận này, 13 thuộc địa đã cử ra các đại diện của mình để lập nên một quốc hội tạm thời gọi là Quốc Hội Lục Địa vào tháng 9 năm 1774 để điều hành công việc đấu tranh đòi độc lập cũng như chuẩn bị các bước cần thiết cho việc thực hiện lập quốc.

 

Tuy nhiên, nhiều cuộc đụng độ quân sự đẫm máu đã diễn ra vì mẫu quốc Anh Quốc không chấp nhận sự li khai này. Những cuộc đụng độ không ngăn được ý chí tự cường, độc lập của 13 thuộc địa. Họ lại triệu tập Quốc Hội Lục Địa lần 2 tại Philadelphia để xác quyết lần cuối cho ý chí độc lập. Trong cuộc triệu tập này, Quốc Hội Lục Địa đã lập riêng một tiểu Ban chỉ để thảo lời văn cho bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tiểu ban này gồm các nhà cách mạng học giả rất nổi tiếng, đó là Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, Roger Sherman, Robert Livingston và John Adams. Học giả Thomas Jefferson là người được giao chấp bút để toàn ban phê duyệt trước khi đưa ra Quốc Hội phê duyệt. Ngày 4 tháng 7 năm 1776 Quốc Hội Lục Địa lần 2 đã phê duyệt bản Tuyên Ngôn Độc Lập để công bố khai sinh ra một quốc gia mới có tên là: Hợp Chúng Quốc Hoa Kì (The United States of America).

 

Năm nay là kỉ niệm lần thứ 245 ngày sinh ra Tuyên Ngôn Độc Lập bất hủ của Hoa Kì. Bản văn này có những đoạn văn được xếp hạng vào những câu chữ nổi tiếng nhất trong văn chương viết bằng Anh ngữ. Tuy nhiên, tính chất bất hủ, sống mãi của bản văn này lại cơ bản nằm ở những ý nghĩa, giá trị không thuộc lĩnh vực văn chương. Đây là đề tài chúng ta sẽ cùng nhau xem xét trong chuyên mục tuần tới.

 

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

04/07/2021

No comments:

Post a Comment