Ý bùng nổ đại dịch Vũ Hán kinh hoàng nhất thế giới vì lãnh đạo
quốc gia này đồng hành với Trung cộng trong sách lược một vành đai một
con đường và hoàn toàn mất cảnh giác trước cơn đại dịch. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi phần Bình Luận của J.B. Nguyễn Hữu Vinh với tựa đề: “Vì Sao Ý Bùng Phát Dịch COVID – 19?” qua sự trình bày của Song Thập, và đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trung Quốc là nơi đã xuất phát loại virus này. Người ta đã thấy ở đó
những cảnh tượng kinh hoàng của đại dịch. Những video clip được phát tán
một cách khó khăn trên mạng, do phải vượt qua sự kiểm soát gắt gao của
nhà cầm quyền Trung Quốc, làm cả thế giới hoảng sợ.
Nhiều nơi đã bùng phát dữ dội và trở thành những trung tâm dịch và
phát tán đi các nơi khác như Nam Hàn, Nhật Bản, Iran, Ý, Tây Ban Nha…
Tại Ý, con số người nhiễm bệnh và tử vong đã nhanh chóng vượt cả Vũ
Hán, tỷ lệ người chết trên những ca nhiễm bệnh tại Ý hiện đã là 7.1%,
cao hơn gấp đôi những nơi khác trên thế giới với tỷ lệ là 3.3%.
Điều mà nhiều người đặt ra là: Tại sao, nơi có sự bùng phát dữ dội nhất của virus Vũ Hán lại là Ý?
Ý, một đất nước xa xôi với Trung Quốc, một đất nước thuộc những nước
văn minh, hiện đại, lại là nơi bùng phát dịch một cách nhanh chóng, rộng
rãi và làm cho đất nước này trở thành ổ đại dịch.
Đã có nhiều cách giải thích khác nhau về vấn đề này.
Người ta cho rằng, sở dĩ như vậy là vì việc xét nghiệm để phát hiện
việc bị lây nhiễm tại Ý không được phổ biến và sâu rộng như Nam Hàn hoặc
nhiều nơi khác. Người ta cũng cho rằng, cách điều trị và khả năng của Ý
không được hoàn thiện và đầy đủ như ở Nam Hàn hay Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã chính xác, bởi vì một đất nước văn
minh hiện đại như Ý thì việc không đủ điều kiện để xét nghiệm hoặc điều
trị ngay từ đầu cho người dân bị nhiễm bệnh là điều khó có cơ sở thực
tế.
Một trong những cách giải thích có cơ sở hơn, đó là đại dịch bùng
phát và hoành hành dữ dội tại Ý, là vì người Ý thiếu sự cảnh giác và quá
tin tưởng vào Trung Quốc. Nói chính xác hơn, là người Ý đã chủ quan với
virus Vũ Hán. Đặc biệt, người Ý không hiểu nhiều về Trung Quốc, về đất
nước, chính quyền tại đây.
Có phải vì vậy, họ quá tin tưởng vào những thông tin, những con số từ phía Trung Quốc đưa ra?
Nhìn lại thời gian qua, các nước khắp thế giới đã tỏ ra thiếu tin
tưởng với những thông tin từ Trung Quốc đưa ra về dịch tại Vũ Hán. Cả
thế giới đã có kinh nghiệm với Trung Quốc qua những sự việc từng xảy ra
như vụ dịch SARS năm 2003 mà những thông tin bị giấu nhẹm cho đến khi
mất kiểm soát và trả giá rất nặng nề.
Với kinh nghiệm về truyền thông độc tài Trung Quốc, nhiều nước trên
thế giới đã cảnh giác với dịch bệnh và sự lây nhiễm trên diện rộng.
Những lúc đó, người dân Ý vẫn không mấy quan tâm đến việc ngăn chặn sự
lây lan. Cho đến khi “vỡ trận,” những thông tin từ Ý cho thấy người dân
vẫn tụ tập trong các quán nhậu và nơi đông người bình thường.
Sâu xa hơn, có thể thấy được rằng không chỉ người dân, mà cả chính
phủ Ý hình như không hiểu người Trung Quốc không chỉ trong đại dịch mà
ngay cả những hoạt động khác.
Điều này đã có một quá trình.
Với kế hoạch đầy tham vọng “Một Vành Đai, Một Con Đường” mà cả thế
giới cho là bẫy nợ của Trung Quốc đang giăng ra khắp mọi châu lục để đạt
mưu đồ bành trướng cố hữu của mình. Rất nhiều nước đã ngấm hoặc có
những bài học kinh nghiệm từ các nước khác nên đã thẳng thừng từ chối kế
hoạch này.
Đặc biệt là Mỹ, Âu Châu và thậm chí cả Á Châu, Úc cũng như nhiều nơi
khác từ chối tham gia dự án này của Trung Quốc, thì ngược lại, Ý đã
nhanh chóng và hồ hởi đón nhận và tham gia dự án này của Trung Quốc.
Cách đây đúng một năm, ngày 22 Tháng Ba, 2019, Chủ Tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình chính thức thăm Ý và hai nước ký thỏa thuận về việc Ý tham
gia dự án “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc.
Như vậy, Ý là thành viên đầu tiên trong nhóm các cường quốc công
nghiệp G7 ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc và tính đến nay là nền kinh tế
lớn nhất thế giới ủng hộ dự án tham vọng này của Bắc Kinh.
Việc Ý bỏ ngoài tai những ngăn cản từ nhiều nước, đặc biệt là các
đồng minh của mình để chạy theo Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại
từ nhiều phía về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là an ninh mạng.
Điều người ta đặt câu hỏi là tại sao, một kế hoạch lớn lao với những
lời lẽ quảng cáo hay ho, quyến rũ như vậy từ Trung Quốc mà các cường
quốc có tiềm năng khác như Nam Hàn, Nhật Bản… không mấy mặn mà đón nhận.
Trong khi đó một đất nước xa xôi như Ý lại hồ hởi tham gia?
Cách giải thích đơn giản nhất cho điều này chỉ là vì những đất nước,
dân tộc này ở sát vách Trung Quốc nên đã rất rõ những vấn đề thuộc bản
chất của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là những mưu đồ và tham vọng
của họ. Còn Ý là một đất nước xa xôi với nền văn minh lâu đời, lại thiếu
những thông tin cụ thể và sự hiểu biết về thể chế chính trị tại đây.
Kết quả là kế hoạch “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc đã có lối để đi vào Âu Châu.
Cùng với việc tham gia dự án “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung
Quốc, những lời lẽ tuyên truyền hoa mỹ của Trung Quốc, về Trung Quốc
cũng đồng thời được thoải mái tung ra. Và những người dân Ý đã mất cảnh
giác với những gì đến từ Trung Quốc.
Sự trùng hợp giữa việc Ý là nước Âu Châu đầu tiên tham gia “Một Vành
Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc, cũng đồng thời là nơi đầu tiên ở Âu
Châu bùng phát dữ dội nhất, nguy hiểm nhất của đại dịch COVID-19, đã tạo
ra một sự liên tưởng để nhắc nhở mọi người cần nâng cao cảnh giác với
Trung Quốc và “virus Trung Quốc” – theo cách gọi của Tổng Thống Hoa Kỳ
Donlad Trump./.
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment