Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt & Hướng Dương trình bày sau đây.
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho hay sẽ tổ chức phiên xử phúc
thẩm để xem xét kháng cáo của giảng viên cao đẳng kiêm nhà hoạt động dân
chủ và nhân quyền, ông Nguyễn Năng Tĩnh, vào ngày 20/4 tại thành phố
Vinh cho dù cả nước đang áp dụng chính sách “giãn cách xã hội” để hạn
chế lây nhiễm dịch Vũ Hán.
Ông Tĩnh, 44 tuổi, người được biết với nhiều video clip dạy học sinh
hát về nhân quyền và chủ quyền biển đảo và nhiều bài viết về dân
chủ-nhân quyền, bị bắt ngày 29/5/2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống
nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự. Ông bị Toà án cộng sản tỉnh
Nghệ An kết án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên toà sơ thẩm
ngày 15/11/2019.
Theo nhiều nhà quan sát, ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị kết án
tù dài hạn trong những vụ án nguỵ tạo bằng những phiên toà rừng rú. Do
vậy, rất ít có khả năng ông Tĩnh được giảm án hay phóng thích trong
phiên phúc thẩm .
HAI FACEBOOKERS ĐẦU TIÊN BỊ KHỞI TỐ VÌ NHIỀU BÀI VIẾT VỀ DỊCH VŨ HÁN
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố hai công dân
đầu tiên vì nhiều bài viết của họ trên Facebook với nội dung bị cho
là“xuyên tạc” về tình hình dịch bệnh Vũ Hán và bôi nhọ chế độ.
Theo báo chí nhà nước cộng sản, công an quận Ninh Kiều (thành phố Cần
Thơ) đã bắt giữ ông Mã Phùng Ngọc Phú để điều tra về cáo buộc “lợi dụng
quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự. Theo đó, ông
Phú đăng tải trên tài khoản Facebook James Ng., nhiều bài viết có nội
dung “không đúng sự thực” về đại dịch Vũ Hán, chia sẻ 14 bài viết không
đúng sự thật về dịch Vũ Hán và nói xấu chế độ cộng sản cũng như tham gia
bình luận bôi nhọ, xúc phạm đến các lãnh đạo chế độ.
Đồng thời, công an Lâm Đồng đã bắt giữ ông Đinh Vĩnh Sơn về cáo buộc
“Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” vì
một số bài viết có nội dung bịa đặt về dịch bệnh Vũ Hán ở thành phố Đà
Lạt, tỉnh Lâm Đồng trên tài khoản Facebook Hồ Hoàng Duy. Công an địa
phương nói Sơn thừa nhận có mâu thuẫn cá nhân với một công dân khác tên
Hồ Hoàng Duy và do vậy Sơn lập nick mang tên Duy để đăng nhiều bài viết
có nội dung không đúng sự thực nhằm trả thù Duy.
VIỆT NAM CHƯA DÁM KIỆN TRUNG CỘNG RA TÒA ÁN QUỐC TẾ
Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả
lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên quốc tế rằng liệu nhà cầm quyền
cộng sản Việt Nam có kiện Trung Cộng về vấn đề Biển Đông lên Toà án
Trọng tài Quốc tế hay không.
Trong buổi họp báo thường kỳ trong ngày 09/4, một phóng viên quốc tế
hỏi về tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý củaViệt Nam để xúc tiến vụ kiện
và liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện sau khi Phái đoàn
Thường Trực tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam vào ngày 30/3 gửi công hàm
phản đối công hàm của Trung Cộng khẳng định chủ quyền tại Biển Đông.
Đáp lại, bà Hằng chỉ nói rằng việc gửi công hàm gần đây là việc làm
bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
của Việt Nam. Bà Hằng cũng nhắc lại rằng Hà Nội có lập trường nhất quán
là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên
cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản ở nhiều địa phương của Việt Nam
vẫn tiếp tục đàn áp người có lập trường phản đối đường lưỡi bò của Trung
Cộng ở Biển Đông.
TRUNG CỘNG SẮP ĐƯA THUỶ PHI CƠ RA BIỂN ĐÔNG
Đài Truyền hình trung ương Trung Cộng (CCTV) tuần qua cho biết Bắc
Kinh đang lên kế hoạch đưa thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 ra Biển Đông.
Ông Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 cho rằng các thủy phi cơ
AG600 đang trong quá trình tu chỉnh, tối ưu hóa thiết kế tại thành phố
Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Chiếc thủy phi cơ AG600 đầu tiên sẽ được dự kiến
bàn giao cho quân đội Trung Cộng vào năm 2022.
Bắc Kinh cho biết thủy phi cơ AG600 được sử dụng trong công tác cứu
hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, cũng như hỗ trợ cho việc phát triển,
khai thác, thăm dò tài nguyên. Tuy nhiên, đây cũng là loại khí tài đáp
ứng chiến lược của Trung Cộng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bắc Kinh phát
triển thủy phi cơ AG600 nhằm gia tăng khả năng tiếp cận nhanh các đảo
nhỏ, bãi đá ở Biển Đông mà Trung Cộng nuôi tham vọng bá quyền ở khu vực
này.
HOA KỲ MỞ RỘNG CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CẤP HỆ THỐNG PHÒNG THỦ HOẢ TIỄN
Dẫn nguồn tin từ Ngũ Giác đài, Defense News cho hay Cơ quan Phòng thủ
Hoả tiễn Hoa Kỳ (MDA) đang lập kế hoạch mở gói thầu nâng cấp quy mô lớn
hệ thống phòng thủ hoả tiễn trên bộ (GMD) chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh
thổ nước Mỹ khỏi các vụ tấn công bằng tên hoả tiễn đạn đạo liên lục địa
(ICBM).
Việc mở thầu sẽ được thực hiện sau khi kết thúc hợp đồng duy trì hệ
thống với hãng chế tạo Boeing vào năm 2023. Theo yêu cầu của MDA, các
căn cứ phòng thủ hoả tiễn ở tiểu bang Alaska và California cần được nâng
cấp toàn diện để đối phó với các mối nguy cơ tương lai, đặc biệt là từ
loại vũ khí siêu vượt âm của các quốc gia đối địch.
Hiện tại, hệ thống GMD của Mỹ đang bị nghi ngờ về khả năng phòng thủ
do hoả tiễn đánh chặn và phương tiện tự hành tiêu diệt đầu đạn hạt nhân
của đối phương ở ngoài tầng khí quyển – gọi tắt là EKV- chưa đạt được
mức độ tin cậy và ổn định như mong muốn.
MDA và Ngũ Giác đài đang dự kiến mở một gói thầu mới cho dự án phát
triển phương tiện đánh chặn tương lai (NGI). Gói thầu này sẽ được mở
công khai để tạo sự cạnh tranh giữa các hãng chế tạo Mỹ và tìm các
phương án kỹ thuật phát triển hiệu quả nhất.
TRUNG CỘNG LẠI THẤT BẠI TRONG VIỆC PHÓNG VỆ TINH
Lần thứ 2 chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, hoả tiễn
Trường Chinh của Trung cộng thất bại trong việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo
sau khi phóng.
Tối thứ Năm ngày 9/4, Trung Cộng phóng hoả tiễn Trường Chinh 3B, mang
theo vệ tinh liên lạc Nusantara-2 của Indonesia. Tầng 1 và tầng 2 của
hoả tiễn này hoạt động bình thường, nhưng tầng thứ 3 gặp trục trặc, phá
hủy luôn vệ tinh. Hiện Bắc Kinh đang điều tra việc này.
Thất bại của hoả tiễn Trường Chinh 3B lần này có thể gây ảnh hưởng
đến kế hoạch phóng vệ tinh kế tiếp cũng bằng chính loại hoả tiễn này
trong năm 2020.
No comments:
Post a Comment