Sunday, April 19, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 19.04.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân Nguyên Khải 
1/ NHÀ HOẠT ĐỘNG ĐINH THỊ THU THỦY BỊ BẮT
Vào sáng thứ Bảy ngày 18/4, công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giữ nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự.
Dẫn nguồn tin từ phía công an, báo chí cộng sản VN viết rằng: chị Thủy “mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi xấu danh dự lãnh đạo đảng và nhà nước.
Các báo còn viết gần đây, chị Thủy tiếp tục sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc công tác phòng chống dịch Vũ Hán của nhà cầm quyền CS Việt Nam.
Chị Thủy từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày 10/6/2018. Chị bị bắt, bị đánh đập và tra khảo và cuối cùng bị phạt hành chính. Trong nhiều năm gần đây, chị liên tục bị công an địa phương hạch sách vì những bài viết trên Facebook.
2/ TRUNG CỘNG NGANG NGƯỢC LẬP 2 HUYỆN ĐỂ QUẢN LÝ TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
Vào thứ Bảy ngày 18/4, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin nhà cầm quyền Trung Cộng vừa phê chuẩn thành lập 2 huyện quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
2 huyện vừa được thành lập là Tây Sa và Nam Sa, là cách mà Bắc Kinh dùng để gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền cuả Việt Nam  từ thế kỷ 17. Hai đơn vị hành chính này trực thuộc  “thành phố Tam Sa” được Trung Cộng dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.̀
Năm 1974, Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa. 14 năm sau, Bắc Kinh tấn công Gạc Ma và một số đảo mà Việt Nam đang đóng quân. Vài năm gần đây, Trung Cộng tăng cường xây dựng đảo nhân tạo ở những điểm chiếm đóng này, biến chúng thành những căn cứ quân sự có chứa hoả tiễn và phi cơ.
Việt Nam hiện còn kiểm soát nhiều đảo ở Trường Sa. Đài Loan và Philippines cũng chiếm giữ một số đảo ở quần đảo này.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhiều lần phản đối sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông. Từ ngày 30/3 đến 10/4, Hà Nội đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền này của Bắc Kinh.
3/ GOOGLE MAPS GHI TÊN BÃI BIỂN VIỆT NAM THÀNH KHU VỰC CỦA TRUNG CỘNG 
Nhà chức trách tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, yêu cầu Google đính chính bản đồ ghi sai tên bãi biển ở thành phố Tuy Hoà thành bãi biển của Trung Cộng với tên gọi “Golden, sandy South China Sea beach.”
Phú Yên kiến nghị Hà Nội yêu cầu Google Maps gỡ bỏ, đính chính thông tin sai về chủ quyền của Việt Nam trên bản đồ.
Đến tối ngày 18/4, bản đồ trên Google Maps đã không còn hiển thị tên bãi biển của Trung Cộng ở bãi biển Tuy Hoà.
Mới đây, vào ngày 16/4, Việt Nam cũng yêu cầu Facebook phải đính chính bản đồ để hiển thị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thay vì thuộc về Trung Cộng. Facebook sau đó đã xin lỗi và sửa lại bản đồ, theo đó hai quần đảo không hiển thị thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Facebook lấy lý do duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền hai quần đảo này giữa các nước.
4/  HOA KỲ KÊU GỌI TRUNG CỘNG NGỪNG BẮT NẠT Ở BIỂN ĐÔNG
Vào ngày 18/4, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Cộng ngừng “hành vi bắt nạt” ở Biển Đông và nói rằng Washington lo ngại trước các báo cáo về “những hành động khiêu khích” của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi ở vùng biển tranh chấp.
Trong một thông cáo gửi cho Reuters để trả lời câu hỏi về sự hiện diện của Hải dương Địa chất 8 ở vùng biển Malaysia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Mỹ lo ngại trước các báo cáo về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác” 
Thông cáo nói thêm: Trung Cộng “nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và không tham gia vào hoạt động khiêu khích và gây bất ổn kiểu này.”
Đầu tuần qua, tàu Hải dương Địa chất 8 với sự hộ tống của tàu hải cảnh đã vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, sau đó đi xuống vùng biển của Malaysia. Chính tàu này đã hoạt động phi pháp ở vùng biển của Việt Nam trong nhiều tháng hồi năm ngoái.
5/ THỦ TƯỚNG ABE KÊU GỌI CÁC CÔNG TY NHẬT RỜI TRUNG CỘNG
Giữa đại dịch Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Cộng để đa dạng hóa điểm sản xuất trong kế hoạch xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Cộng. 
Trong gói kinh tế khẩn cấp vì đại dịch Vũ Hán, chính phủ Nhật Bản khuyến khích và tài trợ việc tái lập các chuỗi cung ứng. Nhật Bản muốn di dời việc sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao về nước, và đa dạng hoá quốc gia như các nước ASEAN trong việc sản xuất các mặt hàng còn lại.
Khi đại dịch Vũ Hán xảy ra ở Trung Cộng, việc nhập cảng phụ tùng xe và các sản phẩm khác từ Trung Cộng bị gián đoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty Nhật. Ông Abe không muốn điều này lặp lại trong tương lai.
6/ MIẾN ĐIỆN THẢ 25 NGÀN TÙ NHÂN VÌ DỊCH VŨ HÁN, HONGKONG BẮT GIỮ 14 NHÀ HOẠT ĐỘNG
Vào thứ Bảy ngày 17/4, chính quyền Miến Điện thông báo trả tự do cho khoảng 25.000 tù nhân, tức là khoảng hơn 1 phần tư tổng số tù nhân tại nước này, nhằm tránh sự lây lan của dịch Vũ Hán trong các các nhà tù đang bị quá tải. 
Theo thông cáo của văn phòng phủ tổng thống, việc ân xá nhằm mang lại hòa bình và niềm vui cho các công dân, đồng thời có tính đến những khía cạnh nhân đạo. 
Chỉ có 18 tù nhân chính trị được phóng thích trong dịp này. Một tổ chức nhân quyền của Myanmar kêu gọi chính quyền trả tự do cho 58 người hoạt động khác.
Trong khi đó, cảnh sát Hongkong bắt giữ 14 nhà đấu tranh dân chủ có liên quan đến các cuộc biểu tình rầm rộ tại đặc khu hành chính này trong năm 2019. Trong số những gương mặt hàng đầu bị bắt ngày 18/4 có cựu lãnh đạo phong trào dân chủ Hongkong luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee) 81 tuổi và sáng lập viên tờ báo đối lập Apple Daily Lê Trí Anh (Jimmy Lai)
Có 5 trong số 14 người bị bắt vì lý do mà nhà cầm quyền cho rằng đã “tổ chức và tham gia” các cuộc tập hợp bất hợp pháp hồi tháng 8 và 10 năm ngoái, 5 người khác bị cáo buộc “cổ vũ, xúi giục” người dân tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp trong hai tháng 9 và 10/2019.

No comments:

Post a Comment