Kính thưa quý thính giả, toàn cầu hóa kinh tế có nhiều ưu và
khuyết điểm. Đất nước Việt Nam chỉ có thể thăng tiến với sự cáo chung
của đảng CSVN và sau đó dân chủ hóa đất nước toàn diện. Mời quý thính
giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Ngà với tựa đề: PHIẾM BÀN CHUYỆN “TOÀN CẦU HÓA” VÀ CÁI LỢI NÀO CHO VIỆT NAM? _ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Monday, April 27, 2020
PHIẾM BÀN CHUYỆN “TOÀN CẦU HÓA” VÀ CÁI LỢI NÀO CHO VIỆT NAM?
Bình Luận
Toàn cầu hóa là một mối quan hệ phức tạp, mỗi quốc gia muốn phát
triển thì không thể nào đứng ngoài quy luật này được. Ngày trước, khi
chưa toàn cầu hóa thì trong một quốc gia thường có đủ các ngành nghề từ
thượng vàng đến hạ cám: Có ngành dùng công nghệ sạch, có ngành dùng công
nghệ bẩn; có ngành dùng chất xám có ngành dùng chân tay nặng nhọc; có
ngành làm ra giá trị gia tăng cao, có ngành làm ra giá trị gia tăng
thấp, v.v… Thế rồi toàn cầu hóa xảy ra, những nước giàu chọn giữ lại
những món ngon cho mình và đẩy những món dở sang các nước nghèo như là
quy luật tất yếu.
Ngày nay, những nước giàu chỉ giữ lại những ngành nào vừa có công
nghệ sạch, vừa làm ra giá trị gia tăng cao, vừa sử dụng chất xám nhiều.
Khi các nước giàu giữ lại những thứ đó, thì nền kinh tế của họ sản sinh
ra giá trị gia tăng rất cao dù cho thời gian lao động có ít đi.
Ở các nước Bắc Âu và một số nước Tây Âu, nơi mà sự phát triển đã đạt
trình độ rất cao thì họ bắt đầu giảm giờ làm cho người lao động, nhưng
của cải xã hội vẫn cứ dư thừa và dân vẫn cứ giàu có.
Nếu tôi dùng 1 đồng vốn nhưng làm ra đến 10 đồng lời trong 1 ngày thì
tôi có quyền làm làm việc 4 ngày trong tuần, còn 3 ngày chơi để xài
tiền. Thế nhưng, nếu tôi dùng 1 đồng vốn nhưng chỉ nặn ra có 2 xu tiền
lời mà cần đến những 2 làm việc, thì ắt tôi phải cày bất kể ngày đêm mới
đủ sống. Rõ ràng nhờ toàn cầu hóa, nước giàu giữ lại những gì sinh lợi
lớn nhất và sạch nhất cho mình nên mới có chuyện dân xứ họ làm ít, nghỉ
nhiều nhưng vẫn rất giàu có là vậy.
Hàng hóa của Thụy Sĩ tuy không phổ cập như hàng Nhật hay hàng Hàn,
nhưng giá trị kinh tế của nó thì rất cao. Đồng hồ Thụy Sĩ, cáp treo Thụy
Sĩ, máy trắc đạt Thụy Sĩ, v.v… đều là những thứ đỉnh về chất lượng và
tất nhiên, giá tiền thì cũng trên mây.
Chính vì thế dân Thụy Sĩ sống rất nhàn, làm việc ít đi nhưng lại rất
giàu có. Điều đó kéo theo nguồn thu của chính phủ cũng dồi dào đến nỗi
chi không hết, mặc dù chính phủ của họ chi cho an sinh xã hội rất lớn.
Nói cho cùng toàn cầu hóa là một bàn tiệc, món ngon có, món dở có
nhưng không sắp xếp hỗn độn mà nó phân tầng rất rõ ràng. Ở đáy của toàn
cầu, Việt Nam chỉ nhận được những thứ công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi
sinh, sử dụng cơ bắp nhiều và ít chất xám.
Tất nhiên, những thứ đó làm ra giá trị gia tăng rất thấp và để lại
hậu quả môi sinh, hậu quả xã hội. Chính vì thế mà người Việt Nam làm
nhiều như tăng giờ, tăng ca khắp nơi và trong mọi ngành nghề, thế nhưng
cuối cùng dân vẫn nghèo. Xã hội nghèo, dân chúng nghèo, đất nước nghèo. Ở
Việt Nam, hầu hết là phải chiến đấu để tồn tại, chỉ có thành phần rất
nhỏ ăn trên đầu trên cổ dân bằng cách dùng quyền lực hoặc dựa hơi quyền
lực là sống để hưởng thụ mà thôi. Đó là thành phần đỏ.
Toàn cầu hóa nó giúp cho các doanh nghiệp ở nước giàu có thể mang cơ
sở sản xuất của mình đặt ở vị trí nào mà tiết kiệm chi phí nhất rồi xuất
khẩu nó sang các thị trường cao cấp bán giá cao. Từ đó các doanh nghiệp
các nước giàu kiếm lợi lớn nhất có thể.
Nguồn thu nhập lớn đó đó chắc chắn thuộc sở hữu của nước giàu nhưng
lại được tính vào GDP nước nghèo. Thật sự, ai mà nghĩ ra trò tính chỉ số
GDP cũng hiểm thật, nó cho những nước nghèo ngửi được mùi cá rán nhưng
lại cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy mình thành công, mặc dù phần thịt cá
thì bị các nước giàu đớp. Như ta biết, FDI (Foreign direct investments)
chỉ chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam nhưng lại chiếm
đến 70% tổng giá trị xuất khẩu. 70% xuất khẩu là phần thịt cá rán, còn
con số 70% ấy được tính vào GDP của Việt Nam chỉ là mùi thơm con cá rán
đó mà thôi. Trong 70% hàng xuất khẩu ấy, chính phủ Việt Nam cũng thu
được một khoản thuế, ấy là cái xương cá. Chính cái mùi và phần xương ấy
làm nên 7% tăng trưởng. Thế nhưng thằng nghèo vẫn vênh mặt tự hào về
“thành quả” vĩ đại.
Toàn cầu hóa là quá trình liên kết thế giới thành một mạng lưới để
tất cả đều tham gia vào và hưởng lợi, cùng win-win. Thế nhưng trong thực
chất của cái win-win đó, thằng giàu sẽ hốt phần win 99%, còn thằng
nghèo thì gặm phần win 1% ít ỏi. Có còn hơn không, phần win 1% ấy cũng
đủ cho dân Việt Nam hôm nay khá hơn hôm qua và ngày mai khá hơn hôm nay.
Chính cái 1% đó đã giúp ĐCS lừa gạt dân rằng “nhờ đảng mà hôm nay mới
có gạo ăn, chứ không thì chúng mầy ăn bo bo, thế nhưng “nhờ ai” mà dân
mới phải ăn bo bo thì đảng ém. ĐCS chỉ cần thế, chỉ cần cái win 1% kia
để đảng duy trì sự cai trị, còn sự tụt hậu thì đảng không cần quan tâm.
Năm 2004 nắm được cái win 1% ấy, ĐCS họp bàn và hoan hỉ đặt ra mục
tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ bắt kịp nhóm đang nắm win 99% kia. Thế rồi
đến năm 2020 không những không bắt kịp mà bị người ta bỏ xa vời vợi.
Ngạo mạn, không tự lượng giá được năng lực và cuối cùng là dẫn đất nước
hướng tới mục tiêu thất bại. Ngày nay ông Trần Quốc Vượn(g) cũng là mẫu
người vậy. Nói thật, ĐCS đưa Trần Quốc Vượn(g) lên ngôi là cách mà ĐCS
đang tự dẫm vào bãi phân của chính mình. Thật sự với thế hệ tiếp theo
của ĐCS, Việt Nam cũng sẽ chẳng có gì sáng sủa./.
Đỗ Ngà
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment