Kính thưa quý thính giả,ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng, rất nhiều tướng lãnh không chấp nhận đầu hàng đã tự sát để đền nợ nước, trong số đó có vị Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh của QLVNCH. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “ tướng Trần Văn Hai” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chuẩn tướng Trần Văn Hai sinh vào tháng Giêng năm 1929 tại Cần Thơ.
-Năm 1951, ông tốt nghiệp khóa 7 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, mang cấp bậc Thiếu úy.
-Năm 1960, ông theo học khóa Chỉ huy Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ.
-Năm 1963, thăng cấp Thiếu Tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm
Huấn luyện Dục Mỹ. Chính ông là người khai sinh ra Khóa huấn luyện tác
chiến “Rừng núi Sình lầy”, đào tạo nhiều Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ
thiện chiến cho các đại đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
-Năm 1965, thăng cấp Trung tá làm Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Phú Yên.
-Năm 1968, thăng cấp Đại tá, giữ chức Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia thay thế Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan.
-Năm 1970, thăng cấp Chuẩn tướng, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Biệt khu 44.
-Năm 1971, nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân.
-Năm 1972, về làm Tư lệnh phó Quân đoàn II, Quân khu 2.
-Năm 1973, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn, kiêm Chỉ huy trưởng Huấn khu Dục Mỹ.
-Năm 1974, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.
Một trong những chiến công lẫy lừng trong đời binh nghiệp của tướng Trần Văn Hai là
trong cuộc Tổng công kích “Tết Mậu Thân” của Cộng Sản Bắc Việt vào
đầu năm 1968, chính ông đã đích thân chỉ huy Liên đoàn Biệt Động Quân
hành quân giải tỏa vùng ven đô, gây tổn thất nặng nề cho Cộng quân, giảm
thiểu nhiều thiệt hại cho dân chúng trong vùng.
Mùa hè đỏ lửa 72, Cộng quân đẩy mạnh các nỗ lực tấn công “trận địa
chiến” cắt đứt các trục giao thông chiến lược, đặc biệt là quốc lộ 14
nối liền 2 thị xã Kontum và Pleiku. Lúc đó, ông đang là Tư lệnh phó Quân
đoàn II, đích thân ra mặt trận chỉ huy một Liên đoàn Biệt Động Quân,
một Trung đoàn của Sư đoàn 23 và một Thiết đoàn Kỵ binh hành quân giải
tỏa.
Năm 1974, trong chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, ông đã ngăn chận
và triệt hạ các cánh quân Cộng Sản trong mưu toan cắt đứt đường tiếp tế
từ miền Tây về Thủ đô Sài Gòn.
Ông được đánh giá là một vị tướng thanh liêm, có lòng tự trọng, gan
dạ và đặc biệt nhất là luôn chăm lo cho đời sống binh sĩ thuộc quyền,
nên ông được các Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ thuộc cấp thương yêu và
kính phục.
Khoảng một tuần, trước ngày 30/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
đưa máy bay trực thăng xuống Căn cứ Đồng Tâm rước ông về Sài Gòn chuẩn
bị di tản, nhưng ông từ chối. Chiều ngày 30/4/1975, sau khi cho thuộc
cấp tan hàng theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh, ông uống thuốc độc
tự vận tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn trong Căn cứ Đồng Tâm ở Mỹ Tho. Thi thể
ông được thân mẫu đưa về an táng tại nghĩa trang Gò Vấp.
* * *
Lịch sử Đông Tây Kim Cổ ghi lại rất nhiều vụ tuẫn tiết của các vị
tướng quân mỗi khi thất trận, hay bị buộc phải đầu hàng trước kẻ thù để
tránh thương vong cho dân chúng. Sử Việt cũng không thiếu những người “sinh vi tướng, tử vi thần”
như thế. Nhưng chưa bao giờ trong một giai đoạn ngắn ngủi của lịch sử,
chỉ trong ngày “Tháng Tư Đen” năm 1975, đã có 5 vị danh tướng chọn cái
chết để đền nợ nước. Trong số đó có Chuẩn tướng Trần Văn Hai, một người
gắn bó với binh nghiệp từ khi vào quân trường cho đến lúc cuối đời.
Nếu như danh tướng Mỹ, George Patton có câu nói bất hủ: “Người ta có thể mang tôi ra khỏi quân đội, nhưng không ai có thể mang quân đội ra khỏi tôi”, thì
với sự tuẫn tiết của ông đã vĩnh viễn trở thành một quân nhân tiêu biểu
của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một Quân lực chưa hề thất trận trên
chiến trường mà là bị bức tử trên các bàn Hội nghị, trong tiếng la gào
của bọn phản chiến trên các đường phố ở Paris, Washington DC hay tại
Sydney. Ông và đồng đội của mình đã bị buộc phải đầu hàng và ông đã chọn
thái độ “chết vinh hơn sống nhục” với kẻ thù đã bị ông đánh bại nhiều lần.
Chưa ai kể và có lẽ cũng không ai biết rõ, ở những giây phút cuối
cùng khi uống thuốc độc tuẩn tiết, Chuẩn tướng Trần Văn Hai có cảm nghĩ
gì? Nhưng chắc chắn một điều là ông tin theo “truyền thống tiết tháo võ
tướng” của các bậc Tiền nhân trong cơn Quốc nạn. Truyền thống đó là chọn
sự tuẫn tiết bi hùng để “đền nợ nước” như: Kinh lược sứ Phan Thanh Giản
uống thuốc độc sau khi giao thành cho quân Pháp để cứu dân thoát cơn
binh lửa, Tổng trấn Hoàng Diệu thắt cổ sau khi ra lệnh cho quân giữ
thành Hà Nội tan hàng để tránh thương vong, Tướng Võ Tánh tự thiêu và
Ngô Tùng Châu uống thuốc độc khi mất thành Bình Định.
Cùng các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn
Phú, tướng Trần Văn Hai cũng đã ghi đậm thêm một nét son hào hùng cho
trang cuối trong Quân sử Việt Nam Cộng Hòa.
Đáng nói hơn nữa, là những vị tướng này đều nổi tiếng thanh liêm,
trong sạch và biết chăm lo cho đời sống binh sĩ. Sự tuẫn tiết oai hùng
của các tướng lãnh này (những người đã hy sinh xương máu để ngăn chận
làn sóng cộng sản, bảo vệ tự do cho miền Nam trong suốt 21 năm) đã thành
niềm tiếc thương, đau xót, nhưng vô cùng hãnh diện trong lòng quân dân
miền Nam Việt Nam. Nhân mùa tưởng niệm “Tháng Tư Đen”, với tấm lòng
ngưỡng phục, thành kính xin dâng 3 nén hương lòng để tri ân công lao và
để tưởng nhớ đến khí phách anh hùng của Chuẩn tướng Trần Văn Hai.
No comments:
Post a Comment