Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải
1/ NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM BỊ CÁO BUỘC GIẢI TRÌNH SAI SỰ THẬT CHO LIÊN HIỆP QUỐC
Vào thứ Năm ngày 03/4, nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thị Phương Thảo
đã ra tuyên bố cáo buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra những
thông tin sai sự thật khi trả lời câu hỏi của bốn Báo cáo viên đặc biệt
của Liên Hiệp Quốc về việc tịch thu hộ chiếu của cô.
Trước đó, vào ngày 22/1/2020, bốn Báo cáo viên đặc biệt đã gửi thư
chất vấn Hà Nội về hai trường hợp, bao gồm việc tịch thu hộ chiếu của cô
Thảo khi cô vừa về nước sau khoảng bốn năm làm việc ở nước ngoài và vụ
bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Gần đây, phía Việt Nam đã gởi
thư trả lời cho các Báo cáo viên đặc biệt về 2 sự việc này.
Cụ thể, báo cáo giải trình của Việt Nam nói rằng cô từng bị cáo buộc
gây rối trật tự công cộng và không bị tịch thu hộ chiếu. Cô Thảo khẳng
định rằng tất cả những điều này không đúng sự thực, và hiện công an chưa
trả lại hộ chiếu cho cô.
Cô Thảo nói rằng Hà Nội nên xem xét lại bản giải trình đó, bởi vì
việc cung cấp thông tin sai sự thật cho các tổ chức quốc tế là một điều
không hay và làm mất uy tín của chế độ.
2/ ADB DỰ ĐOÁN KINH TẾ VIỆT NAM SẼ GIẢM MẠNH VÌ ĐẠI DỊCH VŨ HÁN
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2020, xuống mức chỉ còn tăng 4,8%, do bị
ảnh hưởng bởi đại dịch Vũ Hán.
Theo dự báo của ADB công bố vào thứ Năm ngày 03/4, nguồn cung cấp
nguyên vật liệu suy giảm và giảm mạnh về nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trên
thị trường quốc tế là hai lý do chính.
Theo ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm xuống mức 3,8%
trong quý I năm 2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi
lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại.
Tuy nhiên, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì, theo nhận
định của báo cáo Triển Vọng Phát Triển Châu Á (ADO 2020). Nếu đại dịch
được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại
với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng
trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà
Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp
nền kinh tế tăng tốc trở lại.
3/ TRUNG CỘNG THẮT CHẶT KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI VỚI VIỆT NAM VÌ ĐẠI DỊCH VŨ HÁN
Nhà cầm quyển tỉnh Quảng Tây nằm ở tây nam Trung Quốc và có biên giới
với Việt Nam đã đình chỉ việc vận chuyển hành khách xuyên quốc gia và
hạn chế cho công dân xuất cảnh trong khi có những lo ngại về sự gia tăng
các trường hợp nhiễm dịch Vũ Hán từ ngoại quốc.
Tỉnh này đã đóng cửa hầu hết các cửa khẩu ngoại trừ một số ít được
dùng cho việc vận tải hàng hóa, nhà chức trách Quảng Tây cho biết trong
một thông cáo vào cuối thứ Sáu ngày 03/4.
Quyết định mới của tỉnh Quảng Tây không cho phép công dân Trung Quốc,
kể cả những người sống gần khu vực biên giới, rời khỏi nước này bằng
phương tiện vận chuyển đường bộ hoặc đường thủy.
Tài xế xe tải Việt Nam đưa hàng sang Quảng Tây bị giới hạn hoạt động chỉ trong các bãi dỡ hàng và phải rời đi trong cùng ngày.
4/ HOA KỲ THẮT CHẶT KIỂM SOÁT XUẤT CẢNG CÔNG NGHỆ CAO SANG TRUNG CỘNG
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thắt chặt các biện pháp
ngăn chặn Trung Cộng nhập cảng công nghệ tân tiến có mục đích thương mại
của Hoa Kỳ và sau đó chuyển hướng cho mục đích quân sự.
Các biện pháp sẽ được áp dụng để ngăn ngừa các công ty Trung Quốc mua
của Hoa Kỳ một số vật liệu quang học, thiết bị radar và chất bán dẫn,
và một số mặt hàng khác.
Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác trước sự pha trộn giữa “quân sự
và dân sự” của Trung Quốc, một chủ trương do Tập Cận Bình đề xuất và
lãnh đạo, nhằm mục đích xây dựng nền quân sự mạnh song song với phát
triển công nghệ siêu hùng.
Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng rất nhiều đồng minh của mình không chú ý về sự pha trộn giữa dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Biện pháp mới này cũng sẽ buộc các công ty nước ngoài vận chuyển một
số hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc phải xin phép mới vận chuyển được. Họ
không những cần phải có sự chấp thuận của chính phủ của nước họ mà còn
của chính phủ Hoa Kỳ.
5/ NGƯỜI DÂN VŨ HÁN ĐÒI MINH BẠCH VỀ ĐẠI DỊCH CORONA VIRUS
Cộng đồng quốc tế không tin vào báo cáo của Trung Cộng về số người
chết vì dịch Vũ Hán trong khi người dân Vũ Hán, nơi đại dịch phát sinh,
đang giận giữ và đòi hỏi Bắc Kinh phải minh bạch thông tin.
Nhà cầm quyền Trung Cộng nói số nạn nhân bị chết vì dịch Vũ Hán là
3.300, bao gồm 2.500 ở Vũ Hán, nhưng tờ The Washington Post cho rằng con
số người chết vì bệnh này ở Vũ Hán là 42.000 người.
Trang tin Al Jazeera ghi nhận một số người ở Vũ Hán đang giận dữ, một
người dân giấu tên nói ông không tin về số người tử vong mà nhà cầm
quyền công bố, và cho rằng chính phủ Trung Cộng nên thật minh bạch.
Đại sứ Mỹ ở Hòa Lan Pete Hoekstra nói Bắc Kinh đã không nói đúng về số người chết, làm Washington đánh giá nhầm tình hình.
No comments:
Post a Comment