Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt&Hướng Dương trình bày sau đây.
Ngày 03/4, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế – USCIRF – đã nhắc
lại lời kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông
Nguyễn Bắc Truyển, một trong những tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt
Nam.
Bà Anurima Bhargava, người phụ trách trường hợp ông Truyển trong Dự
án Tù nhân Tôn giáo USCIRF, nói rằng ông Truyển cần được trở về với gia
đình, đặc biệt là khi đại dịch Vũ Hán đang lan nhanh trong khi sức khỏe
của ông yếu đi đáng kể, kể từ ngày bị bắt 30/7/2017. Bà nhấn mạnh rằng
ông Truyển bị kết án 11 năm tù giam bằng một phiên toà không tuân theo
tiêu chuẩn về một phiên toà công bằng của quốc tế.
Ông Truyển bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
chỉ vì tham gia vận động thành lập Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức được
sáng lập bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và một số nhà hoạt động khác. Ông
Truyễn đã ra khỏi tổ chức nhân quyền này và chỉ tập trung vào cổ suý tự
do tôn giáo nhiều năm trước ngày bị bắt.
HÀ NỘI XÁC NHẬN TÀU HẢI CẢNH CỦA TRUNG CỘNG ĐÂM CHÌM TÀU CÁ VIỆT NAM
Trong buổi họp báo vào thứ Sáu ngày 03/4, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại
gia Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, xác nhận việc tàu hải cảnh của Trung
Cộng vừa mới đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Bà Hằng cho biết một tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi cùng 8 ngư dân
đang hoạt động tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng ngăn
cản và đâm chìm vào sáng sớm ngày 02/4.
Bà Hằng nói Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm tới Toà Đại sứ Trung Cộng ở
Hà Nội để phản đối, yêu cầu Bắc Kinh điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhân
viên công vụ và tàu hải cảnh đã đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Theo báo chí lề đảng, sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung
Cộng bỏ đi, nhưng khi thấy 3 tàu cá Việt Nam khác đến tìm cách cứu hộ
những ngư phủ của tàu bị đâm thì Trung Cộng lại điều thêm một số tàu hải
cảnh để vây bắt hai tàu và đưa vào đảo Phú Lâm.
Hai tàu này bị lục soát; trang thiết bị trên tàu bị đập phá, rồi tịch thu.
Cùng lúc đó, tàu Hải cảnh Trung Cộng sử dụng vòi rồng để truy đuổi
tàu cá thứ 3, làm hư hỏng nhiều tài sản trên tàu và tàu này buộc phải
quay về bờ.
Đây là một trong hàng chục vụ tàu hải cảnh của Trung Cộng tấn công tàu đánh cá của Việt Nam trong vài năm gần đây.
NẾU VI PHẠM CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI, NGƯỜI DÂN HÀ NỘI CÓ THỂ BỊ PHẠT KHI ĐI RA ĐƯỜNG
Trong nỗ lực giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh Vũ Hán, nhà cầm
quyền cộng sản thành phố Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp hà khắc, trong
đó có việc xử phạt hành chính khi người dân đi ra đường mà không có việc
cần thiết.
Vào thứ Năm ngày 03/4, chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức
Chung yêu cầu các địa phương xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường
không có việc cần thiết kể từ ngày 04/4. Ông này cũng yêu cầu tất cả các
công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa; không đơn vị nào được
cắt điện, nước, dịch vụ viễn thông trong thời gian này; tất cả cơ sở lưu
trú có khách nước ngoài yêu cầu phải ở nhà, không được ra ngoài…
Tuy nhiên, ông Chung không nói rõ cơ sở nào xác định việc đi ra ngoài
có cần thiết hay không. Nhiều nhà hoạt động xã hội bày tỏ sự lo ngại về
việc công an và dân phòng ở cấp cơ sở có thể lạm dụng quyền lực trong
khi thực thi yêu cầu này của người đứng đầu thủ đô.
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM GIẢM ĐỘT NGỘT VÌ DỊCH VŨ HÁN
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm đột ngột vì
đại dịch Vũ Hán vốn đang hoành hành khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo chí nhà nước cộng sản đưa tin, chỉ cách đây vài tháng, khi chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, nhiều khu công nghiệp trên khắp
Việt Nam nhộn nhịp đón tiếp các đoàn đầu tư quốc tế tới khảo sát. Tuy
nhiên, từ khi đại dịch Vũ Hán bùng phát, các khu công nghiệp này trở nên
vắng lặng.
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/3 đạt gần
8,6 tỷ Mỹ kim, giảm tới gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ
vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong Quí 1 ước tính đạt
3,9 tỷ Mỹ kim, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn lớn như Apple, ExxonMobil
và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã hủy chuyến công tác đến Việt
Nam và trì hoãn việc ra quyết định đầu tư.
Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng
đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhập khẩu nguyên liệu gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hoặc đóng cửa nhà máy, cho
nhân viên nghỉ không lương.
ĐẠI DỊCH VŨ HÁN LÀ VŨ KHÍ ĐỂ NGA VÀ TRUNG CỘNG BÓP MÉO THÔNG TIN CHỐNG LẠI EU
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại trước những trang web, đặc biệt có
liên quan đến Nga và Trung Cộng, liên tục lan truyền những tin đồn và
tin giả với toan tính chính trị, kêu gọi các mạng xã hội “dọn dẹp” nội
dung.
Trên các mạng xã hội khác nhau, nhiều tổ chức tự xưng là “phi chính
phủ”, nhưng thực tế có liên hệ với một số nhà nước, hay phổ biến thông
qua các kênh thông tin trực thuộc các nhà nước này.
Nạn nhân chính của những kẻ bóp méo thông tin vẫn là Hoa Kỳ. Mỹ bị
buộc tội “tổ chức lan truyền con virus”, tin EU sắp sụp đổ, hay khối này
bất lực không thể giúp đỡ các thành viên…đi kèm với việc nhấn mạnh viện
trợ nhân đạo của Nga đối với Ý.
Nhiều “nguồn tin Trung Cộng” cũng rất tích cực hoạt động, vừa để
chống lại những chỉ trích về xử lý khủng hoảng của Bắc Kinh, vừa củng cố
hình ảnh Trung Cộng trên trường quốc tế, đồng thời nhằm ổn định nội
bộ.
Lo ngại với kiểu tấn công này, nhiều nghị sĩ châu Âu gần đây đã gởi
thư cho Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, ông Charles Michel để đề nghị EU cần
phải có hành động mạnh mẽ hơn đối với Nga và Trung Cộng.
TẤN CÔNG MẠNG LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH VŨ HÁN NGÀY CÀNG TĂNG
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo những vụ tấn công mạng liên quan
đến dịch Vũ Hán gây ra, đang ngày càng tăng mạnh thời gian gần đây, bao
gồm các vụ tấn công dạng lừa đảo (phishing) email, mạo danh là các cơ
quan y tế, mời mua các sản phẩm giả mạo hoặc những lời kêu gọi từ thiện
ảo đang gia tăng.
Trong báo cáo của Nhóm tư vấn Interisle nộp cho Cơ quan đăng ký mạng
Internet toàn cầu ICANN, có ít nhất 100.000 tên miền mới được đăng ký,
có các từ khóa liên quan đến covid, corona, và virus trong một tháng
qua. Trong đó có nhiều trang được cho là độc hại.
Còn theo đơn vị cung cấp các dịch vụ an toàn kết nối Atlas VPN, từ
tháng 1/2020 đến nay, số trang mạng dùng để lừa đảo đánh cắp các thông
tin cá nhân đã tăng 350%, tức hơn 500.000 trang.
Với những diễn biến phức tạp về tình hình dịch Vũ Hán trên toàn cầu,
những kẻ tấn công mạng có thể lừa đảo người dùng mạng bấm vào những mail
hoặc đường link độc hại.
Công ty an ninh mạng Proofpoint cảnh báo tình trạng gia tăng đột biến
những nội dung lừa đảo email, trong đó có tới 80% các vụ tấn công mạng
mà công ty này ngăn chặn có nội dung liên quan tới đại dịch Vũ Hán.
No comments:
Post a Comment