Kính thưa quý thính giả, thời Hậu Lê có một nữ sĩ nổi tiếng đối
đáp về thơ văn qua nhiều giai thoại. Bà được sự kính mến của người đời
sau không chỉ vì tài thơ văn đặc sắc, điêu luyện, mà còn vì bà có đức
hạnh cao quý, xứng đáng là mẫu người phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt
Nam ở mọi thời đại. Bà được xem là nữ sĩ đứng đầu trong các nữ sĩ danh
tiếng nhất Việt Nam, sau đó là bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương
Nguyệt Ánh … Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin
gửi đến quý thính giả bài “Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm” của Việt Thái qua giọng
đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Đó là 8 câu thơ mở đầu trong bài Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm của bà Đoàn Thị Điểm.
Bà Đoàn Thị Điểm hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh năm 1705, người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giang trấn Kinh Bắc (nay thuộc Hưng Yên). Thân phụ là Đoàn Doãn Nghi đậu Hương Cống và dạy học tại Thăng Long.
Bà là một giai nhân thông minh, có tâm hồn cao thượng, văn tài lỗi lạc, lúc trẻ đã nổi tiếng là một tài nữ am tường sử sách. Thượng thư Lê Anh Tuấn, mến tài văn chương và đức hạnh của Đoàn Thị Điểm nên nhận làm con nuôi. Kể từ đó, bà về ở nhà của dưỡng phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Vì thế bà có cơ hội quen biết nhiều người có khoa bảng, và chính như thế mà cả kinh thành Thăng Long đều biết đến tài ứng đối văn chương và về hoa tay khéo léo của tài nữ họ Đoàn.
Sau khi thân phụ mất, bà về quê nhà săn sóc mẹ già, sống chung với vợ chồng người anh. Trong thời gian nầy, bà viết tập sách Truyền Kỳ Tân Phả hay Tục Truyền Kỳ bằng Hán văn, nối tiếp cuốn sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Tác phẩm nầy được biên soạn rất công phu, nội dung viết về những người phụ nữ tài giỏi và tiết liệt, được anh của Bà là Đoàn Doãn Luân, hiệu là Tuyết Am, tự là Đạm Như Phủ, viết lời phê bình.
Năm 1735, anh bà là Đoàn Doãn Luân lâm bệnh và đột ngột từ trần, để lại 2 đứa con thơ chưa đầy 10 tuổi với một người vợ gần như tật nguyền, và người mẹ già tóc bạc như sương. Gia cảnh bấy giờ rất hiu quạnh, người chị dâu không thể nuôi sống gia đình. Bà phải mở tiệm thuốc Bắc, xem mạch và hốt thuốc cho dân chúng quanh vùng. Nhờ bà mát tay, nên người đến xin trị bệnh khá đông, nhờ vậy có đủ tiền nuôi mẹ, nuôi chị dâu và hai đứa cháu.
Lúc bấy giờ, giặc giã nổi lên khắp nơi, bà cùng mẹ, chị dâu và 2 cháu rời bỏ làng Vô Ngại, tản cư đến làng Chương Dương bên sông Nhị Hà, gần Hà Nội. Năm ấy bà được 35 tuổi.
Bà nhận thấy là từ trước tới nay chưa có một phụ nữ nào dạy học mà có học trò đỗ đạt cao, nên xin mở trường dạy học để đào tạo nhân tài. Trong số học trò, có Đào Duy Doãn ở làng Chương Dương, sau này thi đậu tiến sĩ.
Năm 1742, bà lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, người làng Phú Xá huyện Từ Liêm, đang làm Tả thị lang trong triều đình. Sau hơn một tháng sống chung, chồng bà lên đường đi sứ sang Tàu suốt 3 năm.
Thời gian này, ông Đặng Trần Côn có gửi đến cho bà thi phẩm Chinh Phụ Ngâm viết bằng Hán văn, nhờ bà thẩm định. Bà đọc say mê và cảm thấy nỗi lòng của nàng chinh phụ trong tác phẩm giống hệt tâm trạng của mình nên đem hết sự rung động trong lòng về nỗi cô đơn, nhớ nhung, lo lắng cho chồng mà dịch ra chữ Nôm toàn bản Chinh Phụ Ngâm. Chính thi phẩm Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm này đã đưa tên tuổi của bà lên đỉnh cao trong văn đàn nước Việt.
Năm 1746, bà theo ông Nguyễn Kiều lên tỉnh Lạng Sơn nhậm chức, không may giữa đường bà nhiễm bệnh nên qua đời lúc 42 tuổi. Linh cửu được đưa về an táng ở quê chồng tại làng Phú Xá.
* * *
Cái tên Đoàn Thị Điểm sau này được đặt cho tất nhiều con đường và trường học trên toàn quốc để tưởng nhớ đến một bậc nữ lưu đa tài của nước Việt.
Hồng Hà nữ sĩ xứng đáng được hậu thế vinh danh như thế. Vì cùng với hàng loạt nữ sĩ nổi tiếng, bà đã chứng minh cho thế giới là từ mấy ngàn năm qua, giới phụ nữ VN luôn có vị trí bình đẳng trong xã hội mà không cần phải có ngày Quốc tế Phụ nữ để vinh danh những đóng góp của họ đối với dân tộc hay nhân loại.
Chính vì thế, dân tộc Việt có quyền hãnh diện với tiếng reo “ngàn năm văn hiến”, vì không chỉ có những phụ nữ nổi tiếng trên chiến trường như Trưng Trắc, Trưng Nhị, hay Triệu Thị Trinh…. mà còn có những nữ lưu kiệt xuất trên văn đàn VN như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương hay Sương Nguyệt Ánh. Ngay cả nước Tàu vốn kiêu ngạo về nền văn hóa của mình nhưng cũng không sản sinh được những phụ nữ như thế. Nếu có thì cũng chỉ là những Võ Tắc Thiên hay Từ Hi bạo tàn và khát máu.
Nếu nói rằng “Truyện Kiều còn, đất nước ta còn” thì phải nói thêm rằng, chỉ khi nào thi phẩm Chinh Phụ Ngâm bị tuyệt tích thì dân tộc VN mới hết những bậc anh thư như Trưng Trắc hay văn hào như Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm.
No comments:
Post a Comment