Chế độ CS đã gây bao thảm họa cho đất nước và dân tộc. Một
trong những thảm họa được xem là tai hại nhất, tạo nhiều hệ quả nghiêm
trọng và lâu dài, nhất là sự hủy hoại các căn bản truyền thống cốt lõi
của hệ thống giáo dục Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Sự Phá Sản Của Nền Giáo Dục Việt Nam” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Nhân dịp 30 tháng 4 đánh dấu 44 năm CSVN cưỡng chiếm miền Nam bằng
bạo lực, dư luận quần chúng đã bàn thảo nhiều về những sự mất mát của
đất nước và dân tộc do biến cố đau thương này gây ra . Trong những mất
mát đó, sự hủy diệt hệ thống giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa là thiệt
hại được nhiều quan tâm nhất.
Trong một tài liệu vừa được quảng bá rộng rãi, Giáo sư Phạm Cao
Dương, một nhà sử học và cũng là một nhà mô phạm lâu đời của miền Nam,
nhận định rằng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đặt căn bản trên ba nguyên
tắc: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Theo ông, ba nguyên tắc này là
tôn chỉ và cũng là mục đích của hệ thống giáo dục Miền Nam, nhằm hướng
tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên truyền thống văn hóa lâu
đời. Với các căn bản này, hệ thống giáo dục hoàn toàn độc lập với hệ
thống chính trị. Đồng thời, tương quan giữa hai đối tượng của hệ thống
này, thành phần “thày cô” và thành phần “học sinh”, hoàn toàn có tính
cách truyền thống, đặt trên nền tảng đạo đức, không lệ thuộc vào khuynh
hướng chính trị.
Kể từ tháng 4 năm 75, tại miền Nam, cũng tương tự như tại miền Bắc
sau năm 1954, hệ thống giáo dục truyền thống đó đã bị triệt hạ, thay thế
bằng một nền giáo dục “Xã hội Chủ nghĩa”. Thay vì “Nhân bản, Dân tộc và
Khai phóng”, các căn bản của nền giáo dục mới là “Giai Cấp, Đại Đồng và
Ý Thức Hệ”. Mục đích của nền giáo dục này không phải là phục vụ quốc
gia, dân tộc và con người mà là phục vụ giai cấp, phục vụ đảng, mà thực
chất chính là phục vụ tập đoàn cầm quyền để duy trì ngôi vị lãnh đạo độc
tôn, làm chủ nhân ông đất nước một cách tuyệt đối và vĩnh viễn!
Hậu quả của sự thay thế này là tình trạng biến chất toàn diện, không
chỉ trong hệ thống tổ chức, trong chương trình giảng dạy, mà cả trong
con người của thành phần “thầy cô” và “học sinh”. Về tổ chức, trường học
là một cơ sở của đảng, hoạt động theo chỉ thị của đảng và do nhân sự
của đảng điều khiển. Còn học trình là phương tiện để đảng tiến hành
chính sách “nhồi sọ” và “ngu dân”. Thầy, cô thì biến thành những vật sở
hữu của đảng mà sự kiện các nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bị
cán bộ đảng buộc đi tiếp rượu các quan chức trong một buổi tiệc đã là
một ví dụ tiêu biểu. Sự biến chất của tầng lớp học sinh được phản ảnh
trong nhiều lãnh vực mà đáng nói nhất là nạn “bạo lực học đường”. Và
đáng nói hơn nữa, bảo lực không phải chỉ xẩy ra trong giới nam sinh mà
đã lan rộng cả trong giới nữ sinh như những vụ ẩu đả đã và đang diễn ra
nhan nhản tại các trường học từ Bắc chí Nam.
Hiển nhiên trong bối cảnh như vậy thì trình độ tri thức của thày giáo
và của học sinh Việt Nam chắc chắn phải bị ảnh hưởng. Một ví dụ cụ thể
nhất của ảnh hưởng này có thể nhìn thấy qua chương trình TV trò chơi “Ai
là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3 Hà Nội chiếu ngày 9 tháng 1 năm
2007. Thí sinh tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, được
giới thiệu là giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.
Trả lời câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn
Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải
anh em ruột với ba người kia?”, cô Tâm suy nghĩ một lát rồi nói:“Tự
Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh
cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. Riêng
Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, tôi không biết ba ông này có phải nghệ
sĩ cải lương như Nhất Linh không.”
Trong chế độ VNCH trước đây, học sinh lớp 8 đã học về nhóm Tự Lực Văn
Đoàn và biết khá rõ về những tác phẩm của các nhà văn trong nhóm. Sự
kiện một giảng viên Đại học ngành sư phạm của chế độ CS mà mù tịt về các
nhà văn này đã nói rõ trình độ tri thức và hiểu biết lịch sử của tầng
lớp thầy cô hiện nay. Và tình trạng thầy cô như thế thì đương nhiên tầng
lớp học sinh phải yếu kém, suy bại!
Nếu giáo dục được xem là nền tảng của một quốc gia vì đây là hệ thống
đào tạo nhân tài cho đất nước thì rõ ràng là Việt Nam đang phải đối
diện với một tương lai đen tối. Cùng với bao thảm họa khác mà đất nước
đang phải gánh chịu, sự phá sản của hệ thống giáo dục nói riêng và sự
suy vi của nền văn hóa Việt nói chung là hậu quả của sự thống trị mà tập
đoàn lãnh đạo CSVN đã áp đặt trên đất nước mấy chục năm qua!
Vì vậy, loại bỏ sự thống trị của đảng CSVN chẳng những là công cuộc
toàn dân Việt cần làm mà còn phải nỗ lực hoàn thành càng sớm càng tốt để
giảm thiểu những tác hại mà tâp đoàn này gây ra cho đất nước và dân
tộc!
Trân trọng cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment